Về bản vùng cao Yên Bái xem đồng bào Mông làm nông thôn mới

Hà Thanh Thứ tư, ngày 14/08/2019 13:34 PM (GMT+7)
Bản Khuôn Bổ, xã Hồng Ca nơi có đến gần 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống người dân mấy năm trước đây còn vô cùng khó khăn. Nhưng hôm nay, bản vùng cao này ngày càng đổi thay nhờ hướng đi đúng và những cách làm hay từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Vài năm trở về trước, thôn Khuôn Bổ là một trong những thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, nhịp sống nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Thôn Khuôn Bổ được thành lập vào năm 2000, ban đầu chỉ có 20 hộ dân sinh sống. Sau gần 20 năm, đến nay thôn hiện có 78 hộ dân với trên 420 nhân khẩu trong đó có tới 73 hộ là người dân tộc Mông.

Trước đây, đời sống của bà con nhân dân chủ yếu dựa vào ruộng nương với cây lúa, cây ngô. Nhưng từ cuối năm 2017 trở lại đây, thôn Khuôn Bổ được huyện Trấn Yên lựa chọn để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu thì phong trào thi đua xây dựng kinh tế trở nên say mê, nhộn nhịp.

img

Đồng bào Mông trồng cây gáo vàng, một loại cây trồng mới có khả năng mang lại thu nhập cao cho bà con

Để xây dựng thành công NTM ở Yên Bái, chính quyền địa phương xác định trước tiên phải xây dựng thôn đạt chuẩn NTM, khi đã thành công mới tiếp tục xây dựng xã NTM rồi đến huyện NTM. Nhằm vận động người dân hiểu và cùng chung sức, đồng lòng với chính quyền địa phương, các cấp, các ngành nơi đây đã đưa ra phương án xây dựng những mô hình điểm để người dân học tập và làm theo bằng việc cử cán bộ trực tiếp xuống với dân vận động, giúp người dân thay đổi tư duy trong nếp sống sinh hoạt, sửa sang nhà cửa cũng như đưa một số cây trồng vật nuôi hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp.

Qua quá trình vận động, lúc đầu còn nhiều trở ngại, nhưng lâu dần bà con đã tin tưởng, hiểu và làm theo, cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp nâng cao năng suất. Nhờ đó, đời sống của người dân dần được cải thiện và từng bước nâng cao.  

img

Mô hình nuôi gà đen bản địa của gia đình anh Cháng A Vàng ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca cho thu nhập 50 triệu đồng/năm.

Thôn Khuôn Bổ hôm nay đã hoàn toàn đổi khác. Mới chỉ cách đây một vài năm, cả thôn có quá nửa số hộ đói nghèo thì đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn chưa đầy 10%, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Từ một thôn đặc biệt khó khăn, đến nay cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân. Bà con trong thôn hầu hết đều có nhà gỗ khang trang, có nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ, chuồng trại được xây dựng xa nhà. Tất cả các đường ngõ, xóm đều được cứng hóa, 100% các hộ dân trong thôn được sử dụng lưới điện quốc gia.

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Sồng A Lề, một hộ dân nghèo thôn Khuôn Bổ cho hay: “Trước đây gia đình tôi ở căn nhà cũ lụp xụp chỉ lo mưa to gió lớn là bị sập. Nhưng từ khi được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà 3 cứng thì giờ gia đình tôi cảm thấy yên tâm lắm rồi. Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng và Nhà nước".

Còn anh Sổng A Chông thì hồ hởi chia sẻ: "Từ khi gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha đất kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ, đến giờ, mỗi năm cho thu hoạch trên 10 tấn măng củ tươi, mang lại thu nhập cho gia đình từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm. Cuộc sống của gia đình tôi giờ đây khấm khá hơn trước rất nhiều".

img

Đoàn viên thanh niên huyện Trấn Yên giúp bà con thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca vận chuyển tre măng Bát độ giống. 

Điểm sáng trong xây dựng NTM ở Khuôn Bổ đó là tinh thần và ý chí tự lực vươn lên trong xây dựng cơ sở hạ tầng cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đến nay 100% trẻ em trong thôn nằm trong độ tuổi đến trường đều được ra lớp, suốt nhiều năm liền trong thôn không có người sinh con thứ 3. 

Ông Nhâm Xuân Trường – Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Yên Bái một tỉnh miền núi với hơn 50% đồng bào là người dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí của một bộ phận còn thấp. Hơn nữa Yên Bái cũng là địa phương có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, đường xá đi lại không thuận lợi nhất là hai huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đời sống của bà con nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính nên điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn.

Bởi vậy, tư duy, nhận thức trong đời sống sinh hoạt cũng như trong sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế. Mặt khác Yên Bái cũng là tỉnh phải hứng chịu nhiều tổn thất do thiên tai, bão lũ gây ra. Do đó, việc huy động nguồn vốn đóng góp trong nhân dân để xây dựng chương trình NTM là hết sức khó khăn.

Từ thực tế đó, để hoàn thành được các mục tiêu về xây dựng NTM, đòi hỏi Yên Bái phải có cách làm sáng tạo sao cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Hiện nay ngoài bộ tiêu chí chung áp dụng cho tất cả các địa phương trong cả nước, Yên Bái cũng đã soạn thảo bộ tiêu chí riêng áp dụng cho các thôn bản với mục tiêu xây dựng thôn, bản NTM để từ đó thúc đẩy được sự phấn đấu thi đua giữa các làng bản với nhau.

Bằng những cách làm hay đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng NTM của tỉnh Yên Bái, nhất là từ năm 2017 đến nay. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái đã có 54/157 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 68 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến trước năm 2020 sẽ có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn.

Công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho tỉnh nghèo Yên Bái và niềm vui, sự phấn khởi của bà con thôn bản khi chất lượng cuộc sống của họ dần được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Khuôn Bổ hôm nay đang chuyển mình rõ rệt với nhiều tín hiệu đáng mừng và đã trở thành thôn đạt chuẩn NTM năm 2018. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem