Hôm nay 6.11, tại Hà Nội diễn ra phiên xét xử tái thẩm liên quan đến anh Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang).
Theo luật sư Bùi Sinh Quyền (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) một vụ án hình sự thường khi ra đến tòa mới thấy có sự minh bạch hơn, chuẩn chỉ hơn. Việc công khai tại tòa dễ mang lại quyền tự do dân chủ hơn cho bị cáo, từ đó mọi vấn đề liên quan đến vụ án mới bộc lộ.
Nhiều quyền của bị can, bị cáo bị hạn chếVụ anh Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) được tạm đình chỉ thi hành án về tội giết người, sau 10 năm ngồi tù, đang gây xôn xao dư luận. Theo hồ sơ thì khi ở cơ quan điều tra, anh Chấn khai nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên ra tòa anh Chấn một mực khẳng định mình không phạm tội.
Nhưng lời kêu oan này lúc đó không được xem xét. Theo nhiều luật sư, khi bị can, bị cáo ở cơ quan điều tra, bản thân họ có rất nhiều hạn chế, quyền dân chủ của họ có được thực hiện không, việc bắt giam một nơi, hỏi cung một mình không có chế tài nào giám sát... Chính vì thế có thể dẫn đến việc bức cung, dụ cung, dọa dẫm hay cán bộ điều tra dùng nhục hình để buộc bị can nhận tội.
Anh Nguyễn Thanh Chấn (giữa) trong bữa cơm mừng anh được tự do tại gia đình ngày 5.11.
Thực tế, ngày 5.11, trả lời câu hỏi của phóng viên NTNN “vì sao không phải người giết chị Hoan mà thời điểm đó anh vẫn nhận tội sau đó ra tòa lại kêu oan là bị ép cung”, anh Chấn giải thích: “Khi lên cơ quan công an, họ ép cung bằng việc đánh đập tôi, dùng búa dọa dẫm... khiến tôi rất sợ”.
Một ví dụ khác là “kỳ án trộm dê” từng gây sự quan tâm của dư luận về thời gian kéo dài, xảy ra từ năm 2005 ở Bình Thuận. Trần Thị Kim Nguyệt (SN 1970), ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận bị quy tội trộm đàn dê của Lê Thị Kim Y (xã Sông Bình, huyện Bắc Bình). Tại cơ quan điều tra và các phiên tòa, bà Nguyệt đều cho rằng đàn dê do mình bỏ tiền mua, còn trại nuôi dê thì mua lại của bà Nguyễn Thị Lâm. Sau đó do mâu thuẫn gia đình nên bà Nguyệt mới tổ chức bắt dê của mình về chứ không phải trộm dê như cáo trạng nêu. Còn bà Y cho rằng bà Lâm có bán trại dê cho ông Trần Văn Lý (cha dượng bà Nguyệt) và ông Lý đã viết giấy tay bán lại cho bà Y. Bà Y cũng đã sang tên sổ đỏ miếng đất.
Vụ án này kéo dài 8 năm với 12 lần xét xử nhưng vẫn chưa xác định được chính xác chủ sở hữu và đồng sở hữu đối với đàn dê khiến vụ án không được xử lý triệt để. Ngày 12.9.2013, phiên xử lần thứ 12 tại TAND huyện Bắc Bình lại tiếp tục hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Làm tốt, giám sát chặt mới ít sai sót
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Hà Nội), trong một vụ án hình sự, thông thường những sai sót, thiếu sót đều nằm ở giai đoạn điều tra. Trong giai đoạn này, nếu cơ quan công an làm tốt, Viện KSND giám sát chặt chẽ theo đúng chức năng thì việc sai sót sẽ ít xảy ra và nó tạo thuận lợi cho quá trình xét xử. Luật sư Chi cũng cho rằng những vụ án có dấu hiệu sai sót từ giai đoạn đầu nếu không kiên quyết xử lý từ đầu mà “cố” cho qua, khi xét xử hồ sơ, chứng cứ buộc tội bị hạn chế dễ rơi vào bế tắc. Nếu cố xử thì khi bị kháng cáo, kháng nghị tòa cấp trên cũng chỉ ra...
Trong 5 năm (từ 2008 -2013), Viện KSND Tối cao đã phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị giám đốc thẩm 667 vụ/1.309 bị cáo. Trong đó, nhiều nhất là kháng nghị thông qua kiểm sát bản án phát hiện vi phạm với 414 vụ, chiếm 62%. Kết quả, kháng nghị theo hướng hủy án 346 bị cáo; theo hướng tăng hình phạt, tăng bồi thường 383 bị cáo; giảm hình phạt, giảm bồi thường 45 bị cáo; không tội do hành vi không cấu thành tội phạm 7 bị cáo; miễn trách nhiệm hình sự 3 bị cáo.
|
Trả lời báo chí về vụ việc ông Chấn, luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, vụ án cho thấy sự bất cập trong chế định về chứng cứ của pháp luật tố tụng hình sự. Thực tế vụ án cho thấy đã có tài liệu, đồ vật và trình bày đáng lẽ phải được coi là chứng cứ, nhưng đã không được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đầy đủ và coi là chứng cứ.
Như tình tiết: Thời điểm xảy ra án mạng, ông Chấn đang ở nhà riêng, được xác thực bằng bảng kê của bưu điện và lời khai của 2 nhân chứng; hoặc dấu chân dính máu (có thể do hung thủ để lại) bị cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng của ông Chấn để lại chỉ vì dấu chân này đo vừa với khổ bàn chân của ông Chấn...
Trong trường hợp này, nếu pháp luật có quy định đảm bảo rằng, những tài liệu, đồ vật, trình bày “có lợi” cho bị can, bị cáo phải được coi là chứng cứ, do bị can, bị cáo hoặc luật sư bào chữa của họ đưa ra, được cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đầy đủ, toàn diện, thì ít nhất những căn cứ này đủ để phủ định việc ông Chấn phạm tội giết người...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần có biện pháp ngăn chặn ép cung
Trong đường lối xử lý hình sự của chúng ta, điều quan trọng là không để lọt tội phạm, kiên quyết không để oan sai cho nhân dân, đảm bảo một chế độ pháp lý đặc biệt là hình sự văn minh, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân theo luật pháp quy định. Cũng theo quy định của pháp luật, nếu có ép cung là trái pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi công bằng mọi lúc, mọi nơi.
Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang:Xử nghiêm cá nhân, tập thể gây oan sai
Nếu tới đây, tòa án kết luận Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường nhà nước cho người bị kết tội oan. Phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường:Không thực hiện “suy đoán vô tội”
Do đã có bản án nên trách nhiệm là của tòa án. Nếu toà tuyên hủy bản án vào hôm nay, tiền bồi thường lấy từ ngân sách. Còn cá nhân để xảy ra sự việc có trách nhiệm phải bồi hoàn. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc không phải cố ý mà do nguyên tắc suy đoán vô tội không được thực hiện, áp dụng chặt chẽ mà chỉ xử theo lời khai, tài liệu điều tra. Bên cạnh đó là do việc tranh tụng ở tòa chưa thấu đáo.
H.P (ghi)
|
Rút kinh nghiệm toàn ngành kiểm sát
Ngày 5.11, ông Nguyễn Việt Hùng – Chánh Văn phòng Viện KSND Tối cao cho biết: Vụ án Nguyễn Thanh Chấn khi có quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mà chỉ ra ai làm sai sẽ xử lý theo luật. Nếu sai thì Nhà nước phải bồi thường, cá nhân nào vi phạm luật hình sự thì xử lý hình sự.
Từ bài học này, tôi cho rằng Viện KSND Tối cao sẽ có chỉ đạo toàn ngành rút kinh nghiệm chung trong tất cả quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành để làm sao lỗi này không xảy ra nữa. Đây là bài học xác đáng để rút kinh nghiệm không chỉ với ngành kiểm sát mà với tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng, với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán.
Ngọc Lương
|
Ngọc Lương - Anh Thư - Mạnh Lực (Ngọc Lương - Anh Thư - Mạnh Lực)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.