Đúng như phát biểu của đại diện Viện KSND Tối cao tại buổi họp báo sáng 5.11 về vụ án "chấn động" của ông Nguyễn Thanh Chấn, đó là "oan hay không, còn phải chờ". Bởi vì, kết quả còn chờ một phiên toà tái thẩm.
Đó mới là luật pháp, không phải ai đứng ra nhận tội thì được xem đó là người phạm tội.
Hãy chờ xem ông Chấn có oan hay không, nhưng ở đây xin được đặt một vấn đề khác, đó là lá đơn đi vòng vèo nhiều năm của người kêu oan. Đi chậm đến khó hiểu, 10 năm mới được xem xét.
Báo chí đặt câu hỏi vì sao ngay sau khi nhận bản án tù chung thân ngày 27.7.2004, ông Nguyễn Thanh Chấn đã gửi thư kêu oan lên Viện KSND Tối cao, nhưng cho đến 10 năm sau, lời kêu oan của ông Chấn mới được xem xét.
Một câu hỏi rất quan trọng, nhưng đã được giải đáp chưa thỏa đáng. Từ nội dung câu trả lời của đại diện Viện KSND Tối cao, cho thấy một điều, cơ quan này đã bỏ qua đơn kêu oan của ông Chấn. Bởi vì, nếu như vào thời điểm đó, bản án phúc thẩm bị hủy để xem xét lại phần dân sự, hồ sơ bị rút để xét xử lại nên không thể nghiên cứu được, thì tại sao sau thời điểm đó lại không xem xét?
Đau hơn, không phải một lá đơn mà nhiều lá đơn của ông Chấn gửi đi, nhưng không hề có ai xử lý. Đại diện Viện KSND Tối cao giải thích rằng đơn ông Chấn gửi đi các cơ quan khác như Văn phòng Chính phủ nên đường đi của đơn lòng vòng đến Viện bị trễ. Một lá đơn từ Văn phòng Chính phủ qua Viện KSND Tối cao mà mất ngần ấy thời gian ư?! Rất không thuyết phục.
Rất có thể ông Nguyễn Thanh Chấn từng gửi đơn cho Viện KSND Tối cao nhưng chờ đợi quá lâu trong tuyệt vọng, cho nên ông phải gửi đi nhiều cơ quan khác để tìm kiếm một chút hy vọng.
Đơn của công dân, của bị án gửi đến cơ quan nhà nước, nếu không phải thẩm quyền giải quyết thì dứt khoát phải có trách nhiệm chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Dân không biết gửi đơn kêu oan đến địa chỉ nào là đúng, thì trách nhiệm của nơi nhận đơn phải làm việc đó cho dân. Có thể vì gửi không đúng nơi cho nên phải chuyển, phải chậm, nhưng xin thưa rằng, chậm vài ngày, chậm vài tuần chứ không thể chậm đến vài tháng.
Còn đơn của ông Chấn đã chậm đến 8-10 năm. Ở đây không còn là chậm nữa, mà là bị lãng quên. Sự lãng quên một lá đơn kêu oan của bị án đã trở thành sự lãng quên số phận oan khiên của một con người.
Còn có biết bao nhiêu lá đơn như thế trong ngăn kéo của các cơ quan, và còn biết bao nhiêu con người đang chờ đợi công lý trong vô vọng như ông Chấn?
Chân Tâm (Chân Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.