Về Crimea: Phản đối Nga nhưng Mỹ, Đức tin còn lối thoát ngoại giao

Thứ năm, ngày 20/03/2014 07:09 AM (GMT+7)
Ngày 19.3, trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định ký Hiệp ước tiếp nhận bán đảo Crimea vào thành phần Liên bang Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ukraine... đã lên tiếng phản đối.
Bình luận 0
Phương Tây coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cảnh báo những hậu quả lớn cho Nga.

Crimea tích cực hội nhập

Tuy nhiên, theo Xinhua, hiện cũng có phản ứng trái chiều với các bên phản đối quyết định của Nga. Đối tác lớn của Nga tại châu Á là Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng phát triển hợp tác với Crimea sau khi tình hình ở đó ổn định. Đối tác khác của Nga tại châu Á là Kazakhstan cũng tuyên bố "hiểu" quyết định tiếp nhận bán đảo Crimea của Mátxcơva trong bối cảnh người dân bán đảo đã tổ chức trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào đồng minh Nga vì quyết định sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea. Ông Maduro cho rằng phương Tây đã áp dụng tiêu chuẩn kép khi từng ủng hộ Kosova ly khai khỏi Serbia 1 thập kỷ trước, song nay lại phản đối cuộc trưng cầu dân ý hôm 16.3 ở Crimea liên quan tới việc khu vực này tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên bang Nga.

Lễ ký kết Hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga.
Lễ ký kết Hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga.

Về phần mình, ngay sau khi chính thức ký Hiệp ước sáp nhập vào Liên Nga, chính quyền bán đảo Crimea đã tích cực triển khai các công tác gia nhập vào hệ thống nhà nước Liên bang Nga. Nghị viện Crimea đã thành lập Ngân hàng Crimea - cơ quan chịu trách nhiệm về việc lưu hành tiền mặt tại bán đảo. Đồng tiền chính thức từ nay cho đến ngày 1.1.2016 là đồng ruble của Nga và đồng grivna (UAH) của Ukraine. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Aleksey Uliukaev tuyên bố thời hạn chuyển sang đồng ruble tại Crimea có thể được rút ngắn xuống còn 2-3 tháng.

Chính quyền Crimea cũng tuyên bố hoàn toàn độc lập về khí đốt và lên phương án tự cung điện trong trường hợp có những gián đoạn từ phía các nhà cung cấp Ukraine. Doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng - một trong những đầu tàu chủ lực của nền kinh tế Crimea - sẽ được cấp phép hoạt động theo các đơn đặt hàng quốc phòng của Nga. Chính quyền Crimea cũng đang gấp rút sửa đổi trong lĩnh vực khác như giáo dục, giao thông, hải quan… để phù hợp với quy chế mới.

Tin có “lối thoát ngoại giao”


Trong cuộc điện đàm về tình hình Ukraine liên quan đến bán đảo Crimea ngày 18.3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng vẫn còn "lối thoát ngoại giao" để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) A.Rasmussen cho biết, NATO đang xem xét lại quan hệ với Nga do các diễn biến mới nhất tại Ukraine. Tuy nhiên quyết định cuối cùng cần phải chờ đến cuộc họp vào đầu tháng 4 tới.

Theo AFP, mặc dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Đức khẳng định lại quan điểm cho rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đã vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời nhất trí rằng các biện pháp trừng phạt mà EU và Mỹ đưa ra đối với một số quan chức Nga mới đây là hợp lý. Tuy nhiên, cả Berlin và Washington đều cho rằng có khả năng sẽ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu tình hình. Hai bên nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục theo đuổi giải pháp chính trị và đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, theo hướng chú trọng tới các lợi ích của cả Nga và người dân Ukraine.

Sau khi Nga ký Hiệp ước tiếp nhận Crimea vào thành phần Liên bang Nga, Thủ tướng Đức Merkel ra tuyên bố cho biết, Nga vẫn tiếp tục là thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8), bất chấp các nước trong nhóm đã dừng công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới .

Gia Khánh (Gia Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem