Về làng chuyên xuất khẩu... lồng chim

Thứ bảy, ngày 03/03/2012 14:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng Dương Nổ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang phát triển nghề mới rất đặc biệt: Nghề làm lồng chim nghệ thuật. Người tiên phong làm nghề là Nghệ nhân Đoàn Minh Căn.
Bình luận 0

Làm lồng cũng phải… chuyên nghiệp hoá

Anh Đoàn Minh Căn cho biết: Năm 1982 sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh theo học nghề tại xưởng điêu khắc sản xuất của Nghệ nhân Lê Đăng Duân. Sau đó anh làm cho một xí nghiệp mộc mỹ nghệ. Năm 1985 xí nghiệp giải thể, anh về làng Dương Nổ mở xưởng mộc dân dụng. Năm 1989, anh vừa tổ chức sản xuất vừa nhận người đào tạo nghề.

img
Nghệ nhân Đoàn Minh Căn bên lồng chim “Thập nhị hoa giáp quần tiên”

Anh Căn tâm sự: “Trước đây tôi làm nghề điêu khắc gỗ, nhưng dần dần, gỗ trở nên khan hiếm, nhà nước cấm khai thác rừng. Năm 1997 tôi chuyển sang nghề chạm khắc tre rồi làm lồng chim. Lúc đầu, tôi chỉ biết làm những chiếc lồng chim đơn giản như bao người khác (hàng thô), sau quá trình không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, tôi tạo ra sản phẩm là những chiếc lồng chim nghệ thuật”.

Những chiếc lồng chim ở đây có giá thấp nhất là 2 triệu đồng, đắt nhất khoảng 35 – 40 triệu đồng/chiếc, tùy theo yêu cầu và đơn đặt hàng của khách. Để hoàn thành một cái lồng chim có giá vài chục triệu, người làm phải mất cả tháng trời (trung bình khoảng 30 công lao động/lồng).

Năm 2009, Bộ NNPTNT tổ chức hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam tại TP.Huế, anh Đoàn Minh Căn tham gia trưng bày một lồng chim có tên gọi “Thập nhị hoa giáp quần tiên” và gây sự ngạc nhiên đặc biệt cho du khách bởi lồng chim được chế tác rất công phu, tỉ mỉ và kỹ xảo rất cao.

Từ chiếc móc treo cách điệu cũng được tạo dáng chim phượng mềm mại, uyển chuyển, đôi cánh có thể ve vẩy được. Tiếp đến là bộ “chao móc” bốn nhánh được chạm lộng mang chủ đề: Tiên cưỡi hổ và cưỡi rồng, phía giữa là quả bầu tròn chạm hình người, cỏ cây, hoa lá, và có thể xoay tròn được. Bộ đỡ ly được trang trí hình các tiên ông đang quần với 12 con giáp. Sản phẩm này đã đoạt giải Nhất hội chợ.

Phát triển nghề đặc biệt

Có thể nói, lồng chim của cơ sở chạm khắc Đoàn Minh Căn thuộc mặt hàng cao cấp, thị trường tiêu thụ toàn quốc, chủ yếu là các tỉnh miền Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau, Đà Lạt… và xuất khẩu ra nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Pháp… Nghề phát triển nên rất nhiều người tìm tới anh học nghề.

Từ năm 2006 đến nay, cơ sở tre mỹ nghệ Đoàn Minh Căn đã đào tạo ra hơn 50 học viên, đa số học trò của anh sau khi thạo nghề thì đã tổ chức làm tại nhà riêng. “Mong muốn của tôi là được vay vốn để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho một bộ phận thanh niên nông thôn, và để đưa hàng tre độc đáo của xứ Huế đi khắp các thị trường trong nước và quốc tế”- anh Căn tâm sự.

Với anh Căn, cái sướng của nghề chạm khắc tre là ít “đụng hàng”nên không bao giờ hết việc. Hơn nữa, nguyên liệu tre sẵn có ở địa phương, dễ tìm lại ít tốn kém.

Không giấu được niềm tự hào vì nghề đặc biệt này, anh Căn chia sẻ thêm: “Sản phẩm của tôi như “có duyên” với các hội thi, hễ đi dự thi là “rinh” ngay giải thưởng về cho vợ con”. Mới đây nhất (12.2011) anh đã được Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) tặng giải Nhất với tác phẩm “Bộ lồng chim cảnh” tại triển lãm “Thiết kế mẫu và sản phẩm mây tre 2011” tại Hà Nội.

Ngoài ra, anh Đoàn Minh Căn là một trong 11 gương mặt tiêu biểu được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Thừa Thiên - Huế” năm 2007. Được biết, các cơ quan chức năng đang xem xét, hướng dẫn anh làm thủ tục để xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem