Về quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam: Sẽ gây khó khăn, phiền hà cho kiều bào

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 18/06/2014 10:23 AM (GMT+7)
Chiều 17.6, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự án luật này đã được các vị ĐB Quốc hội thảo luận kỹ vào chiều 6.6.2014 tại các tổ.
Bình luận 0

Qua bản tập hợp các ý kiến thấy các vị ĐB Quốc hội đều tán thành, nhất trí cao với việc cần thiết phải sửa đổi khoản 2, Điều 13 và khoản 3, Điều 26 của dự án luật để bảo đảm thực hiện quyền công dân có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Các vị ĐB Quốc hội đề nghị nên viết theo hướng là không nên quy định thời hạn, không nên quy định việc đăng ký để công nhận có quốc tịch, mà chỉ để giải quyết các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không còn có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên -Huế) cho rằng, nếu giữ thời hạn nhiều khả năng sẽ trở lại tình trạng như thế này sau 5 năm, thậm chí 10 năm, 20 năm. “Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 nếu không sửa kịp thời trước ngày 1.7.2014, nghĩa là 5 năm sau khi luật có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài, đặc biệt là có nguy cơ trở thành người không có quốc tịch trên trái đất này ở những nơi chỉ công nhận một quốc tịch hay ở những nơi người ta đang tìm cách hạn chế cấp quốc tịch cho người Việt Nam” - ĐB Thông nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm trên, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn và phiền hà cho kiều bào. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thì nêu vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo đảm quyền có quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Luật Quốc tịch đã được thi hành kể từ ngày 1.7.2009, có quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”. Tuy nhiên theo số liệu của Chính phủ, đến nay mới chỉ có trên 6.000 người thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Cũng theo quy định của luật, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch sẽ kết thúc vào ngày 1.7.2014, những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch (khoản 3 Điều 26). Nếu như luật không sửa đổi, bổ sung kịp thời sẽ có khoảng 4,5 triệu kiều bào Việt Nam đang định cư ở các nước sẽ mất quốc tịch Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem