Về "Tài sản quốc gia" ở Sơn La: Công ty CP Cao su Sơn La nói gì?

Văn Chiến Thứ tư, ngày 20/12/2017 19:00 PM (GMT+7)
Mới đây, Dân Việt đã đăng bài phản ánh về tình trạng dở khóc, dở cười của người dân góp đất trồng cao su ở Sơn La. Chiều muộn ngày 19.12, chúng tôi đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Cao su Sơn La và tìm hiểu thực hư về tình trạng cây cao su tại đây.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Võ Nhật Duy – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Sơn La, cho biết: Không phải ngẫu nhiên cây cao su được đưa vào trồng ở Sơn La nói riêng và các tỉnh miền núi Tây Bắc nói chung (thời điểm năm 2006-2007 - PV). Qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, xác định đất đai, khí hậu vùng này có thể trồng được cao su nên Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đã đưa giống cây này vào trồng.

Quyết định này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước và của tỉnh Sơn La cũng như của mong muốn đồng bào các dân tộc Sơn La. Đại đa số người dân Sơn La ngày đó ủng hộ, nhất trí góp đất trồng cao su. Điều này được thể hiện ở số người dân góp đất trồng cao su lên đến 7.000 hộ dân, với tổng diện tích hiện còn hơn 6.000 ha.

img

Năm 2017, Công ty cổ phần Cao su Sơn La khai thác mủ trên diện tích gần 1.000 ha. 

“Năm 2007, Công ty cổ phần Cao su Sơn La được thành lập. Năm 2008, công ty đưa cây cao su vào trồng ở Sơn La. Vì đất trồng cao su ở Sơn La thuộc đất hạng 3 (độ dốc lớn) nên phải mất khoảng 8 năm sau khi trồng, cây cao su mới cho khai thác mủ. Thời điểm cây cao su ở Sơn La cho mủ cũng đúng vào thời kỳ giá mủ cao su xuống thấp nên đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn vì thu nhập thấp...” – ông Duy tâm sự.

Ông Duy cũng thẳng thắn chia sẻ: Tình trạng thu nhập của công nhân Công ty trong thời điểm hiện nay chỉ đạt từ 700.000 – 800.000 đồng/người/tháng như Báo Dân Việt phản ánh là đúng thực tế. Do là năm đầu mới cho mủ nên sản lượng mủ chưa đạt cao, diện tích cây cao su cho khai thác mủ cũng mới chỉ đạt gần 150ha vào năm 2016 và tăng lên gần 1.000 ha vào năm 2017.

img

Cuối ngày 19.12, phóng viên Dân việt đã có buổi làm việc với ông Võ Nhật Duy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La xoay quanh thông tin phản ánh trên Báo Điện tử Dân Việt.

Vì diện tích cho khai thác mủ ít mà số lượng công nhân lại đông, tay nghề công nhân cạo mủ chưa cao nên thu nhập thấp cũng là điều dễ hiểu. Mức thu nhập đó do thực tế mỗi công nhân chỉ làm có 7 ngày/ tháng. Mỗi ngày làm việc của công nhân cũng chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ.

“Phần vì cao su mới cho khai thác, phần vì người lao động chưa quen với công việc cạo mủ, nếu cạo tốt thì lượng mủ cũng sẽ nhiều hơn. Trước khi tiến hành khai thác mủ, Công ty đã tổ chức tập huấn kĩ thuật cạo mủ cho công nhân. Làm cao su vất vả hơn so với một số cây trồng khác, nhất là khi khai thác mủ. Công nhân cạo mủ thường phải dậy rất sớm (khoảng 3, 4 giờ sáng) vì đây là thời điểm “vàng” để cạo mủ. Khi cao su cho khai thác mủ đồng loạt, chắc chắn đời sống, thu nhập người lao động sẽ được nâng lên rất nhiều. Xét về tính ổn định, bền vững thì trồng 1 ha cao su cho thu nhập gấp 2,5 lần so với trồng ngô” – ông Duy nhấn mạnh.

img

Theo ông Duy, hiện Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đang đóng BHXH cho hơn 2.600 lao động.

Lí giải về tình trạng thiếu việc làm của người dân góp đất trồng cao su, ông Duy cho biết thêm: Trong thời kì kiến thiết cơ bản, thu nhập, đời sống của người dân khá ổn định. Những năm đầu, cây cao su còn nhỏ, người dân có nhiều việc làm như: Khai hoang, làm đất, làm đường đồng mức, trồng cây, làm cỏ, bón phân... nên thu nhập của người lao động khá cao. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, trong thời kì này, nhiều người dân đã trồng xen canh một số cây trồng khác vào diện tích trồng cao su nên cũng có thêm khoản thu nhập. Tuy nhiên, khi cây cao su khép tán thì việc làm của người dân ít đi. Đây cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo Công ty. Để tạo việc làm cho người lao động trong thời kỳ chờ cao su cho khai thác mủ, Công ty đã có chính sách khuyến khích như: Cho công nhân vay tiền không tính lãi để mua bò, trồng cỏ, nuôi ong...

img

Công ty cổ phần Cao su Sơn La đã có những sản phẩm đầu tiên từ vườn cao su: Mủ thành phẩm SVR 10, mật ong rừng cao su.

Theo đó, Công ty đã cho hơn 1.000 hộ tạm ứng tiền lương để mua hơn 1.000 con bò nhốt chuồng. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn bò của người dân đã tăng lên hơn 2.000 con. Bên cạnh công tác chăm lo đời sống cho người lao động, Công ty còn xây dựng, mua sắm vật dụng học tập, sinh hoạt cho các nhà trẻ để nuôi dưỡng, chăm sóc con em của cán bộ, công nhân và người lao động. Đã có 13 nhà trẻ tại 11 đội sản xuất được xây dựng và đi vào hoạt động, giúp công nhân yên tâm làm việc...

“Tháng 8. 2016, Công ty khai thác thí điểm gần 150 ha cao su, thu được hơn 200 tấn mủ đông tự nhiên, tương đương với 75 tấn mủ SVR 10. Năm 2017, diện tích cao su đi vào khai thác đạt gần 1.000 ha và đến thời điểm này, Công ty đã khai thác được hơn 1.000 tấn mủ đông... Tuy còn nhiều khó khăn song nhìn vào năng suất, sản lượng mủ những năm đầu, chúng tôi tin tưởng một vài năm nữa, cây cao su sẽ mang lại nguồn sinh khí mới cho Công ty và người lao động, nhất là khi tới đây, nhà máy chế biến cao su của Công ty sẽ đi vào hoạt động” – ông Duy nói chắc nịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem