Khởi tố vụ án hình sự
Trong các ngày từ 26.2 đến 3.3, một số người dân trên địa bàn thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đến trước cổng trụ sở UBND tỉnh để khiếu kiện với lý do: Không đồng ý với chủ trương di dời tàu thuyền để thực hiện dự án không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương (Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Do chưa nhận được sự hồi đáp thuyết phục của lãnh đạo tỉnh, rất nhiều người dân đã kéo nhau đi diễu hành qua một số tuyến phố trên địa bàn TP.Thanh Hóa và nằm, ngồi la liệt giữa ngã tư giao cắt đường Trần Phú và Đại lộ Lê Lợi…
Hàng trăm ngư dân Sầm Sơn tụ tập yêu cầu tỉnh trả lại bãi biển cho dân.Ảnh: internet
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hành vi của những người này đã làm mất trật tự, kéo nhau đi khiếu kiện đông người, tập trung ngồi, nằm gây cản trở giao thông tại trung tâm TP.Thanh Hóa, gây cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, trong đó có nhiều người đã quá khích, có hành vi kích động, mang theo các vật dụng để gõ, hò la gây huyên náo.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 3.3, cơ quan Cảnh sát Điều tra đã họp thống nhất với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 116 khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.
Tụ tập đông người, cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước và có những hành động quá khích… là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công công cộng. Nhưng cũng phải lật lại vấn đề vì sao dân lại làm như thế mới thấu hiểu hết bản chất của vụ việc”.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn
|
Xử lý thế nào cho đúng?
Xung quanh câu chuyện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng đối với như dân Sầm Sơn, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam) cho biết: Tôi thấy quyết định khởi tố này là có căn cứ. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận sự việc từ nhiều khía cạnh một cách nghiêm túc mới thấy hết bản chất của vấn đề.
Theo luật sư Tuấn, việc quy hoạch xây dựng khu du lịch để làm tăng giá trị, tăng nguồn thu ngân sách, doanh nghiệp có việc làm và tăng thu nhập cho người lao động là mục đích tốt. Tuy nhiên vì nó mà làm mất kế sinh nhai của người dân là không ổn. Cho dù UBND tỉnh Thanh Hóa có ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề… nhưng ngư dân từ xưa đến nay ngoài đi biển không còn nghề nào khác, chuyển đổi nghề đâu phải chuyện dễ, lĩnh mấy chục triệu tiêu hết biết làm gì để sống. Nếu chỉ lợi cho Nhà nước, cho doanh nghiệp mà người dân mất kế sinh nhai thì dân bức xúc cũng là lẽ thường tình. “Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ hành động quá khích, gây rối. “Giải tỏa bức xúc” cũng phải đúng quy trình, không thể bức xúc mà vi phạm pháp luật” - luật sư Tuấn nói.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, cần xem lại một cách nghiêm túc quy trình phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch. Quy hoạch này phải có sự tham gia góp ý và đồng thuận của cả 3 chủ thể là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Có như vậy hiệu quả kinh tế mới mang lại ý nghĩa đích thực. Nhưng bây giờ dân phản đối là có điều bất thường.
Còn ông Trần Văn Quý – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cho biết, việc một số ngư dân khi leeên tiếng phản đối lên UBND tỉnh đã to tiếng, khua chiêng, đánh trống dẫn đến bị khởi tố là sự việc đáng tiếc. “Có thể họ quá bức xúc vì quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm mà chính quyền sở tại không giải quyết được nên họ mới kéo lên UBND tỉnh đề phản ánh sự việc, trong khi đa phần ngư dân thiếu kiến thức về pháp luật, thậm chí nhiều người không biết hành vi đó là vi phạm pháp luật” - ông Quý nói.
Theo ông Quý, việc ngư dân Sầm Sơn phản đối Tập đoàn FLC cấm ngư dân đánh bắt gần bờ lên UBND tỉnh Thanh Hóa là đúng. Tuy nhiên, việc phản đối phải theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Tức là ngư dân hoàn toàn có thể viết đơn đề nghị lên UBND tỉnh, nếu UBND tỉnh không giải quyết thì tiếp tục gửi lên các cơ quan chức năng khác như Bộ NNPNT và có thể gửi kiến nghị lên Chính phủ./.
Hôm nay 7.3:
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đối thoại với ngư dân
Chiều 6.3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phát công văn (gửi bằng thư điện tử) đến các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Trung ương tại Thanh Hoá, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, về việc: “Mời dự đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn thuộc các xã, phường: Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn”.
Theo công văn này, ngày 7.3, ông Trịnh Văn Chiến - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các ngành có liên quan và Ban Thường vụ thị ủy Sầm Sơn sẽ đối thoại trực tiếp với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án quy hoạch "Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương".
Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên ngày 6.3, tại khu vực trước UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều người dân tập trung để phản đối việc FLC “độc chiếm” bãi biển, chặn đường mưu sinh của ngư dân. Mặc dù số lượng người đã giảm nhiều so với những ngày trước đó, nhưng tình hình an ninh, trật tự vẫn khá căng thẳng. Nhiều người dân vẫn tập trung ở khu vực tượng đài Lê Lợi, lực lượng chức năng đã phải cắt cử hàng chục cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông cùng hệ thống loa truyền thanh lưu động phát lời kêu gọi người dân không kích động, không gây mất trật tự, không tụ tập khiếu kiện đông người, không gây cản trở hoạt động của các cơ quan nhà nước…
Hồng Đức
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.