Về việc thuế tôm vào Mỹ giảm mạnh: Tôm Việt kỳ vọng thắng lớn

Thuận Hải Thứ hai, ngày 14/09/2015 08:06 AM (GMT+7)
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã giảm thuế chống bán phá giá cho tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Theo nhiều chuyên gia, việc này đã đặt ra kỳ vọng xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ 4 tháng cuối năm có thể tăng trưởng mạnh.
Bình luận 0

Thuế chống bán phá giá giảm mạnh

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngày 7.9.2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, giai đoạn từ 1.2.2013 đến 31.1.2014. Theo đó, mức thuế trung bình ở mức 0,91%, giảm 0,02% so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3.2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét POR8.

img

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Cà Mau. Ảnh: Ngọc Minh

Cụ thể, trong 3 bị đơn bắt buộc thì Minh Phu Seafood Corp phải chịu mức cao nhất, 1,39%. Tuy nhiên, mức thuế này cũng đã giảm so với kết quả sơ bộ 1,5% công bố trước đó trong khi Fimex VN được đưa về mức thuế 0%. Riêng mức thuế đối với Thuan Phuoc Corp tăng từ 1,06 trong kết quả sơ bộ lên mức 1,16%. Mức thuế cho 32 bị đơn tự nguyện khác là 0,91%. Mức thuế chung áp dụng toàn quốc là 25,4%, giảm nhẹ so với 25,76% của đợt rà soát POR8 trước đó.

Theo nhận định của VASEP, một trong những yếu tố chính giúp cho mức thuế này giảm so với lần trước đó là DOC đã dựa trên các dữ kiện phù hợp từ 3 nước là Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để tính giá thành.

Kỳ vọng tăng trưởng tốt

Trước thông tin Mỹ giảm thuế cho tôm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại, sau một thời gian dài giảm mạnh vì bị áp thuế cao. Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP, với mức thuế POR9 giảm mạnh so với POR8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm sẽ khởi sắc, sau khi sụt giảm trên 50% trong 8 tháng đầu năm vừa qua. 

Trước đó, từ kể từ tháng 9.2014, sau khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8 với mức thuế cao nhất từ trước tới nay, lên tới 6,37%, xuất khẩu tôm vào thị trường bắt đầu giảm mạnh. Trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tiếp tục giảm mạnh và chỉ đạt khoảng 370 triệu USD.

Vào đầu tháng 9, nhu cầu nhập khẩu tôm bắt đầu tăng, nhằm chuẩn bị nguyên liệu phục vụ các lễ hội dịp cuối năm. Do đó, thông tin thuế suất giảm mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Hơn nữa, theo đánh giá của một số chuyên gia, từ cuối tháng 7, nguồn cung tôm nguyên liệu trên thế giới sụt giảm mạnh do nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… giảm, tạo điều kiện cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm các loại.

Cụ thể, trong vụ mùa đầu năm nay, nông dân Ấn Độ đã phải thu hoạch tôm sớm, tôm chỉ mới đạt kích cỡ nhỏ (từ 90 – 100 con/kg) do ảnh hưởng của dịch bệnh tôm chết sớm (EMS). Đến tháng 7, nguồn cung trong nước tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm ở Ấn Độ sụt giảm mạnh trong khi nông dân hạn chế tái thả nuôi, vì lo ngại dịch bệnh.

Hơn nữa, giá tôm nguyên liệu Ấn Độ đang ở mức rất thấp và dự báo sẽ còn giảm nữa, xuống ngang mức thấp kỷ lục năm 2012- giá tôm cỡ 60 con/kg chỉ đạt 210–230 rupee, tương đương 3,2– 3,4USD/kg, tôm cỡ lớn 30 con/kg có giá 390 – 400USD/kg, tương đương khoảng 6USD/kg. Mức giá thấp cũng là lý do khiến nông dân Ấn Độ treo ao nhiều, dẫn tới tình trạng tôm nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng trong những tháng cuối năm. Thiếu hụt tôm nguyên liệu cũng diễn ra ở Ecuado, Thái Lan… do ảnh hưởng của dịch bệnh, nông dân hạn chế thả nuôi. 

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Thuan Phuoc Corp) nói, tôm Việt Nam hiện vẫn khó cạnh tranh với nguồn tôm nguyên liệu từ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… do giá bán cao hơn. Ngoài ra, năng suất nuôi tôm Việt Nam thấp hơn các nước nên giá thành cao, khó bán.

Do đó, theo ông Lĩnh, để tận dụng lợi thế khi nguồn cung thế giới giảm, lại vừa được Mỹ giảm thuế mạnh, Việt Nam cần cải thiện môi trường nuôi để hạn chế dịch bệnh, đồng thời, giảm mức lãi suất cho nông dân, doanh nghiệp khi đầu tư nuôi tôm. Ngoài ra, các thủ tục hành chính về kiểm dịch, kiểm soát chất lượng khi xuất hàng đi cũng cần được thu gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. 

 Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 20% tỷ trọng xuất khẩu tôm cả nước. Kết thúc năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD trong khi lượng tôm xuất khẩu vào thị trường này   8 tháng đầu năm nay đạt 370 triệu USD.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem