Về vụ án oan 10 năm: Triệu tập cán bộ điều tra liên quan

Thứ sáu, ngày 08/11/2013 06:58 AM (GMT+7)
Công an tỉnh Bắc Giang và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết, đang tiến hành yêu cầu các điều tra viên, kiểm sát viên và những người có liên quan đến vụ án phải báo cáo để làm rõ vụ việc.
Bình luận 0
Thẩm quyền xử lý thuộc Viện KSNDTC

Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 7.11, đại tá Nguyễn Văn Chức - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo tổ làm án, cơ quan cảnh sát điều tra hiện nay phải báo cáo xem xét lại vụ việc. Còn sự thật của vụ việc và đúng sai như thế nào thì phải chờ điều tra, xác minh.

Đến nay, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệu tập điều tra viên (trừ 1 điều tra viên đã mất vì TNGT) liên quan đến việc thụ lý vụ án của ông Chấn và yêu cầu làm bản tường trình để làm rõ sự việc. Theo đại tá Chức, Ban giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang rất lấy làm tiếc vì vụ việc của ông Chấn. "Mặc dù chưa có chỉ đạo của cấp trên nhưng chúng tôi vẫn tiến hành một số thủ tục để làm rõ lại vụ việc" - ông Chức nói.

Bà Hoàng Thị Hội - mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Hoan chỉ nơi xảy ra vụ án.
Bà Hoàng Thị Hội - mẹ nạn nhân Nguyễn Thị Hoan chỉ nơi xảy ra vụ án.

Trả lời câu hỏi Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra xem xét những điều tra viên làm công tác vào thời điểm xảy ra vụ án chưa, bà Bùi Thị Ngân - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Việc xem xét như thế nào phải có chỉ đạo từ T.Ư đến địa phương. Việc kiểm điểm để xem sai đến mức độ nào đang tiến hành. Những người có liên quan đã phải có báo cáo về vụ việc".

Còn về trách nhiệm chung, Viện KSND Tối cao sẽ xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra, Viện KSND tỉnh cũng như của tòa án từ khâu điều tra đến truy tố, xét xử. Thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong vụ án này thuộc về Viện KSND Tối cao.

Được biết, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Bắc Giang xử vụ ông Chấn cách đây gần 10 năm có 5 người (gồm 2 thẩm phán). Ông Trần Văn Dư đã nghỉ hưu từ năm 2006, còn ông Nguyễn Minh Năng là chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm đã chuyển sang làm thẩm tra viên. Tuy nhiên ông này đang phải điều trị bệnh tai biến mạch máu não.

Lời xin lỗi muộn màng

Chiều 7.11, ông Nguyễn Hữu Bờ 65 tuổi (bố của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: Vợ của Lý Nguyễn Chung ở Đăk Lăk đã gọi điện thoại ra nói lời xin lỗi với ông bà vì hành vi cách đây hơn 10 năm của chồng mình. "Cô Nguyễn Thị Lành - mẹ kế của Chung có sang nhà tôi, sau đó vợ Chung điện thoại vào máy của chị Lành để nói chuyện với chúng tôi" - ông Bờ cho biết.



Năm 2005, trong đơn kêu oan đề gửi Thanh tra Bộ Công an, ông Nguyễn Thanh Chấn nêu: “Trong thời gian bị tạm giữ, các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc bắt tôi. Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ . Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28.9.2003".

Trong cuộc nói chuyện điện thoại với ông bà Bờ, người vợ của Chung đã nói không ngờ lấy phải người chồng từng giết người. Giờ cô ấy đang mang bầu đứa con thứ hai với Chung, cuộc sống trong đó cũng khó khăn, hiện cũng đang ở rất xa nên chưa thể về tạ lỗi được với gia đình bị hại ngay được.

"Dù là lời xin lỗi muộn màng sau hơn 10 năm vụ việc xảy ra, nhưng tôi cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của cô ấy"- ông Bờ chia sẻ.

Theo ông Bờ, việc Chung ra đầu thú nhận tội, ông cũng chỉ biết vậy. Còn ai là hung thủ thực sự trong vụ án phải chờ cơ quan điều tra làm rõ.

Trong vụ án này, phía gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn có niềm tin là ông không phạm tội, chính vì thế ngay cùng làng với nhau nhưng chưa bao giờ đại diện gia đình sang xin lỗi gia đình ông Bờ. Khoản bồi thường dân sự tòa buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 35 triệu đồng, gia đình ông Bờ đến nay chưa nhận được đồng nào.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình:Nếu sai sẽ bị xử lý

Sáng 7.11, trao đổi với báo chí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dânTối cao (KSNDTC) Nguyễn Hòa Bình (ảnh) khẳng định: Sẽ xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham gia quá trình tố tụng của vụ án nếu phát hiện làm sai.

Ông Bình nói: Trong vụ này, có sự xuất hiện của Lý Nguyễn Chung là tình tiết mới làm thay đổi vụ án mà tòa không biết nên việc Viện KSNDTC kháng nghị tái thẩm là đúng. Tuy tòa chưa tuyên, nhưng khả năng phạm tội của ông Chung là khá rõ ràng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc Viện KSNDTC không kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn là nhằm giảm nhẹ những sai phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng?

- Dù là tái thẩm hay giám đốc thẩm thì cuối cùng, những vi phạm, nếu có, của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn bị xử lý. Không phải tái thẩm là anh lẩn tránh được trách nhiệm hay giám đốc thẩm thì anh mới bị xử lý. Vì đã sai ở giai đoạn nào khi đã có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm những tập thể và cá nhân tham gia quá trình tố tụng đều được đặt ra và xử lý nghiêm.

Viện Kiểm sát có những chứng cứ cho thấy quá trình điều tra truy tố trước đây có những dấu hiệu vi phạm, tại sao không lấy đó là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm bản án này?

- Kể cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của toà án trong luật đã ghi rồi hoặc bác kháng nghị đó, hoặc chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án trả lại điều tra bổ sung từ đầu. Các kết luận của tái thẩm, giám đốc thẩm đều giống nhau, không phải tái thẩm thì có kết luận khác và giám đốc thẩm thì có kết luận khác.

Hải Phong (ghi)

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem