Về xã "thú nhồi bông" Tam Hiệp

Thứ ba, ngày 07/02/2012 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ chú trọng đào tạo nghề, sau hơn 10 năm, xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) đã có hàng trăm xưởng sản xuất thú nhồi bông, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Bình luận 0

Tam Hiệp là xã thuần nông, có nghề truyền thống may quần áo, mũ vải từ nhiều năm nay. Xã có 3 thôn Thượng Hiệp, Mỹ Giang và Điền Hòa Cát, trong đó thôn Thượng Hiệp có số người làm nghề nhiều hơn cả. Những năm 1996, làng nghề “ăn nên, làm ra" với nghề may mặc, nhưng do yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã, cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại... khiến số người làm may dần mai một.

img
Cơ sở sản xuất thú nhồi bông Hoa Thái.

Niềm tin mở nghề

Năm 1997, tình cờ đến một cửa hàng bán thú bông nhập ngoại ở đường Cầu Giấy (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thái (thôn Thượng Hiệp) rất thích thú với những chú gấu, chó, thỏ… xinh xắn. Chị nảy ý định học làm những con thú ngộ nghĩnh này. Chị mua ba con thú khác nhau về tháo tung ra rồi khâu lại. “Tôi có niềm tin thú nhồi bông sẽ có chỗ đứng. Đời sống ngày càng nâng cao, nhu cầu giải trí, quà tặng cũng ngày một thay đổi, vả lại khách hàng là những người có tiền, nên không lo về đầu ra" - chị Thái nói.

Nghĩ vậy, nhưng làm mới thấy khó. Ba con, rồi 10 - 20 con nhồi bông được chị mua về "mổ" ra để thí nghiệm, nhưng khi may lại, đường chỉ, hình dáng không được đẹp và trông con thú rất thiếu… hồn. Sau nhiều lần thử nghiệm, chị rút ra kinh nghiệm, những con thú trở nên đẹp, có hồn bởi nó được phối màu hợp lý, mặt, mắt, mũi cách điệu… Cuối năm đó, chị đã thành công với những con thú đầu tiên. Chưa có mối hàng, anh Trần Huy Hoa - chồng chị Thái phải thồ xe đạp lên Hà Nội bán. Với mẫu mã lạ, giá cả phải chẳng, bước đầu thú nhồi bông của chị đã được người tiêu dùng chấp nhận. "Từ thành công này, vợ chồng tôi quyết định mở xưởng sản xuất lớn" - anh Hoa cho hay.

Nhân nghề cho xã

Từ quy mô nhỏ lẻ, đến nay Hoa Thái đã trở thành cơ sở có tiếng, địa chỉ cung cấp hàng thú nhồi bông chính cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh khác trong cả nước, với hơn 70 công nhân làm việc thường xuyên cùng hàng trăm công nhân thời vụ và người nhận về nhà làm. Không giấu nghề, những năm qua cơ sở Hoa Thái đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Sau khi thạo nghề, nhiều người đã tách ra làm xưởng riêng. Đến nay, cả 3 thôn của xã Tam Hiệp đều làm thú nhồi bông, với hàng trăm xưởng.

“Học xong nghề làm thú nhồi bông ở cơ sở Hoa Thái, người ở lại làm tại xưởng, người về mở xưởng riêng, hoặc nhận hàng về làm, thu nhập 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng".

Anh Hoa bảo, trước đây việc dạy nghề là do cơ sở đảm nhiệm, dạy theo hình thức vừa học vừa làm, chứ chưa có sự hỗ trợ của chính quyền, việc dạy chưa theo quy trình, nên chất lượng chưa cao. Ông Lê Văn Tích- cán bộ tiểu thủ công nghiệp xã cho hay: "Từ năm 2010 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) tổ chức 2 lớp dạy làm thú nhồi bông, mỗi lớp 50 học viên, học trong 3 tháng tại cơ sở Hoa Thái. Học xong, người ở lại làm tại xưởng, người về mở xưởng riêng, hoặc nhận hàng về làm, với thu nhập 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng".

Em Nguyễn Thị Hồng đang làm tại xưởng Hoa Thái kể: "Gia đình em khó khăn, nên em đang định đi học nghề thì được chú Hoa nhận vào dạy nghề làm thú nhồi bông. Nghề này không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải khéo léo, chịu khó. Khi học em vẫn được hưởng lương 1,5 triệu đồng/tháng, giờ lương em hơn 3 triệu đồng/tháng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem