VFA đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, doanh nghiệp trong ngành phản ứng ra sao?

K.Nguyên Thứ ba, ngày 04/06/2024 15:01 PM (GMT+7)
Việc áp dụng giá sàn xuất khẩu đã từng được áp dụng đối với mặt hàng gạo cách đây 10 năm sau đó bãi bỏ nay một lần nữa lại được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất áp dụng tại cuộc họp liên Bộ Công Thương - NNPTNT bàn giải pháp xuất khẩu gạo, rau quả.
Bình luận 0

Giá gạo Việt Nam giảm mạnh

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên giao dịch ngày 31/5/2024, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 574 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan là 620 USD/tấn; giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 552 USD/tấn, còn gạo Thái Lan là 574 USD/tấn; trong khi trước đó 1 tuần, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn ở mức 588 USD/tấn.

Còn bản tin của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, trong tuần từ 27/5-31/5/2024, giá gạo 5% tấm của Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam tiếp đà giảm so với tuần trước. 

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 625 USD/tấn, giảm 8 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo Thái Lan giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu ổn định từ châu Phi và Iraq. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt 539 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn so với tuần trước. 

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 583 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo giảm do nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch lúa hè thu.

VFA đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, doanh nghiệp trong ngành phản ứng ra sao?- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 588 USD/tấn. Ảnh: TTXVN.

Trong khi đó, mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu tháng 5 cho thấy, trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, Lộc Trời trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu và giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn. Một đơn vị khác của Việt Nam trúng 30.000 tấn với mức giá cũng ở mức rất thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này có thể gây tác động tiêu cực lên thị trường lúa gạo Việt Nam.

Theo như lời giải thích của lãnh đạo Lộc Trời, việc trúng thầu với giá thấp như trên không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của bà con nông dân trong nước bởi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu và nhiều nhà máy xay xát lúa gạo khắp vùng ĐBSCL, có hệ sinh thái từ mua lúa đến sản xuất lúa gạo nên có lợi thế về chi phí. Do đó, Lộc Trời bán gạo với giá nào cũng không ảnh hưởng đến bà con nông dân.

Còn theo một lãnh đạo khác cũng của tập đoàn này, việc Lộc Trời phải bỏ thầu giá thấp để trúng thầu xuất khẩu gạo vào Indonesia là do áp lực tài chính, phải trả tiền mua lúa cho người nông dân. 

Đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phản ứng

Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu thực trạng hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá, có doanh nghiệp còn nợ tiền lúa của người dân. Từ đó, ông Nam đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này. Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, mục đích là để ngăn chặn hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó đảm bảo giá trị cho hạt gạo Việt Nam.

VFA đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, doanh nghiệp trong ngành phản ứng ra sao?- Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra không đồng tình với đề xuất áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo của VFA. Ảnh: Báo Long An.

Được biết, việc áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo đã từng được thực hiện cách đây khoảng 10 năm. Thế nhưng, đề xuất mới này của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp trong ngành. 

Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo có trụ sở ở Thủ Thừa (Long An), việc áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo là không khả thi bởi trên thị trường có biết bao nhiêu loại gạo xuất khẩu với chất lượng cũng như mức giá khác nhau nên rất khó để đưa ra mức giá sàn phù hợp. 

"Nếu có quy định giá sàn với xuất khẩu gạo thì theo tôi chỉ nên áp dụng với những hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết theo bản ghi nhớ, thỏa thuận giữa cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ nước ngoài hoặc vùng lãnh thổ nước ngoài còn không nên áp dụng giá sàn với toàn bộ mặt hàng gạo xuất khẩu", ông Hòa nói. 

Lý giải cho đề xuất này, ông Hòa cho rằng, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, trong đó có mặt hàng gạo vốn chứa đựng nhiều rủi ro, việc lời - lỗ có khi rơi dọc đường nếu không tính kỹ các phương án.

"Hồi đầu năm, doanh nghiệp của tôi đã từng phải chịu lỗ mấy nghìn đồng trên mỗi kilogam gạo chỉ vì một động thái từ thị trường nhập khẩu, không ai đoán trước được thời tiết cũng như sự thay đổi trong chính sách của từng quốc gia, vùng lãnh thổ nên kinh doanh nông sản vốn là câu chuyện không nói trước được điều gì", Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ nhận định.

Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam về đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương bàn bạc, đưa ra các giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 3,2 triệu tấn với trị giá thu về hơn 2 tỷ USD. Đây là con số cao nhất đạt được của ngành gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Trong tháng 4, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 619 USD/tấn, tiếp tục giảm 2% so với tháng trước, nhưng tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo đạt 643 USD/ tấn, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam nhìn chung có nhiều thuận lợi khi nhu cầu của các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi… ở mức cao trong năm nay do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Theo dự báo của USDA, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn trong năm 2024 và 7,5 triệu tấn trong năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem