Doping là vấn đề nhạy cảm (?!)
Khi được hỏi, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT VPF phát biểu rất chung chung: “Chắc chắn VPF sẽ làm những gì tốt nhất cho BĐVN. Còn làm như thế nào, ra sao thì cần phải có thêm thời gian, những cuộc bàn thảo”.
“Nghĩa là công tác phòng chống doping sẽ được VPF đặc biệt lưu tâm từ mùa giải 2013?” - phóng viên Dân Việt chất vấn. Ông Thắng từ chối bình luận vì cho đây là vấn đề rất nhạy cảm trong thời điểm này.
|
Cầu thủ Việt Nam thường chỉ được khám sức khỏe... thủ tục 1 lần/năm. |
Với câu hỏi “VPF đã tuyên bố lãi hơn 60 tỷ đồng tại cuộc họp đầu tháng 9 vừa qua ở TP.HCM, vậy tại sao không chi một khoản dành cho việc kiểm tra, xét nghiệm doping?”, ông Thắng trả lời vòng vèo: “VPF là công ty phi lợi nhuận. Có thể trong tương lai, công ty thu được hàng trăm tỷ đồng, nhưng sẽ không có chuyện chia đều hết cho các CLB. Các CLB sẽ nhận được những khoản tiền từ VPF nhưng kèm theo đó là những điều kiện khá khắt khe như số khán giả tới sân hàng tuần ra sao?...
Tới cuối mùa, tùy theo thứ hạng trên bảng tổng sắp, các đội bóng sẽ nhận được những số tiền tương ứng. Không loại trừ khả năng đội vô địch chỉ nhận được ít tiền từ VPF nếu vi phạm nhiều tiêu chí đã cam kết. Còn đội xuống hạng, có thể vẫn nhận được những khoản tiền không nhỏ...
Kiểm tra sức khỏe cho… xong
Thực tế, sau nghi án Huy Hoàng “phê thuốc” gây tai nạn giao thông, dư luận đã phản ứng việc VPF lấy lý do quá bận nên đã “quên” kiểm tra doping cầu thủ trước mùa giải 2012. Nhưng giả thuyết mùa giải vừa qua có kiểm tra, thì nhiều khả năng cũng không phát hiện thấy cầu thủ sử dụng chất cấm.
“Chúng tôi đã được truyền đạt kiến thức để phát hiện VĐV có biểu hiện “dính doping”, nhưng chỉ kiểm soát được trên sân tập thôi”.
HLV Triệu Quang Hà
(Thanh Hóa)
Trao đổi với Dân Việt sáng qua, ông Nguyễn Văn Phú - Phó Trưởng ban Y học thể thao (VFF) không khẳng định “sạch doping” ở các môn thể thao, mà chỉ tính riêng bóng đá. Ông Phú cũng từ chối cung cấp số liệu cụ thể về việc đã làm trong nước và gửi ra nước ngoài bao nhiêu mẫu xét nghiệm của cầu thủ bóng đá trong khoảng 4 năm qua.
Điều khá nghịch lý là cầu thủ bóng đá vốn nhiều tiền hơn hẳn các VĐV ở các môn khác mà không có ai “dính doping”, trong khi các môn khác lại có (?!). Và chỉ có thể tìm thấy lời đáp trong tâm sự của một tuyển thủ U23 Quốc gia hiện đang thi đấu ở Giải hạng Nhất: “Một năm, chúng tôi chỉ kiểm tra sức khỏe 1 lần để hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự giải. Tôi chưa bao giờ bị kiểm tra doping và cũng chưa nghe thấy có đồng nghiệp nào bị kiểm tra doping”.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.