Loạn luân với cả mẹ kế
Lưu Thủ Quang vốn là con trai thứ của Lưu Nhân Cung, một Tiết độ sứ, cai trị ở vùng U Châu, nay chính là dải Bắc Kinh, Thiên Tân của Trung Quốc. Cuối thời nhà Đường, đầu thời Ngũ đại, Tiết độ sứ một mình cát cứ một phương, thế lực rất mạnh, sử gia đều gọi là “thổ hoàng đế”. Một khi đã là hoàng đế, thì dù lớn dù nhỏ đều có đủ tư cách và quyền lực để ngồi trên đầu thiên hạ, Lưu Nhân Cung cũng không ngoại lệ.
May mắn cho bách tính là họ Lưu chỉ có 2 sở thích: Một là hưởng thụ vinh hoa phú quý và một là kết giao với các đạo sĩ để tổ chức luyện thuốc tiên với hy vọng trường sinh bất lão. Sách “Tân ngũ đại sử” có chép: “Lưu Nhân Cung ỷ vào tiền của, cho xây dựng cung điện ở núi Đại An, cực kỳ xa hoa, rồi tuyển mỹ nữ khắp nơi đưa về để hưởng lạc. Họ Lưu còn mời đạo sĩ về luyện đan dược để được bất tử…”.
Tuy nhiên, thời Ngũ đại, quân phiệt chiến tranh liên miên, các cô gái người nào cũng gầy gò vàng vọt, chẳng có chút nhan sắc nào. Thế nhưng, Lưu Nhân Cung đâu vì thế mà chịu ngồi không. Ông vua hoang dâm loạn quyết định lấy số lượng để bù phần chất lượng. Vì thế, hậu cung của họ Lưu là bạt ngàn các phi tần được tuyển chọn từ khắp nơi.
Điều kỳ lạ là, trái với số lượng đông đúc phi tần, Lưu Nhân Cung lại không có nhiều con cái, mà “chất lượng” cũng không cao, hầu hết đều ngốc nghếch ngờ nghệch. Người ta nói, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” quả thực không sai. Hai cậu con trai của Lưu Nhân Cung cũng theo gương bố, xa hoa dâm dục, trong đó, “thành tích” nổi bật nhất chính là cậu con thứ Lưu Thủ Quang.
Sử sách chép rằng, Lưu Thủ Quang sau khi chán chê bầy thê thiếp trong nhà, bắt đầu nhòm ngó hậu cung của cha. Lúc bấy giờ, Lưu Nhân Cung có một ái thiếp họ La vô cùng xinh đẹp, thường xuyên được họ Lưu sủng hạnh. Lưu Thủ Quang mỗi lần nhìn thấy La thị đều thèm nhỏ dãi nhưng vì là ái thiếp của cha, về danh nghĩa là mẹ kế của mình nên không dám.
Ảnh minh họa.
Cho tới một lần, Lưu Nhân Cung có việc ra ngoài, bỏ hậu cung một mình không người canh giữ. Lưu Thủ Quang lúc này đã không kiềm chế được nữa, xông vào hậu cung của vua cha rồi ép La thị dâm loạn với mình. Về mặt luân lí, đó là chuyện loạn luân không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với Lưu Thủ Quang thì chuyện đó chẳng có nghĩa lý gì.
Khi Lưu Nhân Cung biết chuyện cậu con trai thứ dám ăn nằm với cả ái thiếp của mình thì đùng đùng nổi giận. Mặc dù, đổi lại là mình, Lưu Nhân Cung cũng có thể làm chuyện tương tự, song trong việc này, một “thổ hoàng đế” như ông ta lại là người bị hại chứ không phải“hung thủ, và điều đó với Lưu Nhân Cung là không thể chấp nhận được.
Trong cơn tức giận, Lưu Nhân Cung đã ra lệnh đánh cho Lưu Thủ Quang một trận tơi bời rồi đuổi ra khỏi cung. Sau khi sự việc loạn luân khá mất thể diện hoàng thất nói trên diễn ra, Lưu Nhân Cung càng ý thức sâu sắc một điều rằng, phải trân trọng cuộc sống này vô cùng ngắn ngủi này và không chấp nhận bất cứ kẻ nào được can thiệp và làm thay đổi cuộc sống của mình.
Cướp toàn bộ phi tần của cha
Thực ra, Lưu Nhân Cung có thể xưng hùng xưng bá một phương cũng chẳng phải chuyện ngẫu nhiên. Họ Lưu tuy sống dâm dục, háo sắc nhưng bản thân cũng là một vị tướng lắm mưu mẹo, đặc biệt giỏi trong việc đào địa đạo để công thành.
Tuy nhiên, người ta thường nói, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chẳng bao lâu sau, kẻ thù không đội trời chung của Lưu Nhân Cung là Chu Ôn nhân cơ hội Lưu không chuẩn bị đã phái đại tướng của mình là Lý Tư An tấn công U Châu. Khi Lý Tư An tiến quan tới sông Thạch tử thì Lưu Nhân Cung vẫn đang ở núi Đại An, thành U Châu hoàn toàn bị bỏ trống. Được lính canh vào báo tin lúc còn đang say sưa hương lạc, Lưu Nhân Cung mới tá hỏa, chạy tới chạy lui vẫn chẳng biết ứng phó thế nào.
Đúng trong thời điểm đó, Lưu Thủ Quang đã dẫn binh tới U Châu trước cả khi Lý Tư An kịp tới nơi. Sau nhiều trận giao chiến giữa hai bên, cuối cùng do thiếu cả người lẫn lương thực, Lý Tư An đành chịu thất bại ra về. Lưu Nhân Cung được báo tin, cảm thấy vô cùng sung sướng. Đứa con trai thứ mặc dù tác phong không được nghiêm chỉnh, tuy nhiên, lại là một đứa con ngoan, biết cha gặp nạn là sẵn sàng gạt tư thù qua một bên tới ứng cứu.
Tuy nhiên, niềm an ủi của Lưu Nhân Cung không kéo dài được bao lâu. Sau khi Lưu Thủ Quang vào được thành U Châu thì nhất định không chịu ra nữa. Thậm chí, vì có quyền lực trong tay, Lưu Thủ Quang tự tuyên bố mình sẽ đảm nhiệm chức Lư Long Tiết độ sứ, còn cha ruột mình thì cho về “nghỉ hưu”. Lưu Nhân Cung nghe tin, lại đùng đùng tức giận, định tập hợp quân, đánh cho đứa con hư đốn một trận và đòi lại chức Tiết độ sứ.
Tuy nhiên, khi Lưu Nhân Cung vẫn còn đang tập hợp quân đội thì quân lính của Lưu Thủ Quang đã ập tới. Lính của Lưu Thủ Quang đương nhiên nhanh chóng đánh bại đội quân già nua của cha mình rồi dâng U Châu cho Lưu Thủ Quang. Thế là cuối cùng Lưu Nhân Cung cũng về được tới U Châu, song nơi này không còn là nơi ông vua già hưởng lạc nữa mà trở thành nhà tù giam cầm họ Lưu.
Thừa hưởng đức tính tiết kiệm của cha, sau khi trở thành “ông trùm” tại U Châu, những thứ đền đài cung điện cũng như những chốn ăn chơi, xa hoa của vua cha, Lưu Thủ Quang đều cố gắng tận dụng triệt để. Tất cả những phi tần, mỹ nữ trong hậu cung của vua cha, dù danh nghĩa là mẹ kế song Lưu Thủ Quang cũng không từ một ai, biến toàn bộ thành phi tần của mình.
Không những thế, Lưu Thủ Quang còn ra lệnh nhốt luôn cha mình vào ngục tối vì “tội” đã đuổi y ra khỏi U Châu trước đây. Với hành động của Lưu Thủ Quang, dù tiếng là đại nghịch bất đạo nhưng người bách tính dân thường thì cũng chẳng sao, bởi lẽ, người dân luôn quan niệm rằng “được làm vua, thua làm giặc”. Người duy nhất không thể chấp nhận được chuyện này có lẽ là Lưu Thủ Văn, anh trai của Lưu Thủ Quang.
Thực tế, Lưu Thủ Văn nổi giận với cậu em trai có lẽ là vì trong những sự cố vừa diễn ra, bản thân y là anh cả, đáng lý ra phải là người kế thừa di sản của cha nhưng rốt cục y lại chẳng được chút nào. Dẫu sao, cái tội “đại nghịch bất đạo” của Lưu Thủ Quang là quá đủ để Lưu Thủ Văn kích động binh lính tấn công Lưu Thủ Quang.
Chiến tranh không bàn tới đạo lý và lẽ phải, người nào có thực lực và trí tuệ, người đó sẽ thắng. Về trí tuệ, hai anh em họ Lưu cùng một khuôn đúc, cả hai đều xuẩn ngốc như nhau. Vì vậy, yếu tố quyết định cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn này chính là thực lực. Mỉa mai là, về thực lực, cậu em trai Lưu Thủ Quang lại mạnh hơn một chút nên rốt cuộc người chiến thắng lại là Lưu Thủ Quang.
Lưu Thủ Văn bại trận vẫn không cam chịu, cầu cứu hai nước Khiết Đan và Thổ Phồn. Cả hai nước này đều muốn được chia phần sau khi U Châu phồn hoa đô hội bị đánh chiếm nên đã cho Lưu Thủ Văn mượn 40 ngàn quân. Lưu Thủ Quang yếu thế hơn hẳn, quân lính bắt đầu bỏ chạy.
Lưu Thủ Văn thấy quân mình sắp thắng, lại động lòng trắc ẩn, ra lệnh cho quân lính không được giết Lưu Thủ Quang. Đúng lúc đó, một tên lính bên Lưu Thủ Quang nhân cơ hội đã đột phá vòng vây, xông ra bắt xông luôn Lưu Thủ Văn. Lưu Thủ Quang thấy vậy, tinh thần phấn chấn hơn hẳn, chỉ huy quân lính quay trở lại, nhanh chóng đánh bại quân của Lưu Thủ Quang.
Trí tuệ của hai anh em họ Lưu chẳng hơn nhau bao nhiêu, nhưng Lưu Thủ Quang khác anh trai mình ở chỗ, y đủ tàn nhẫn để làm tới tận cùng. Sau khi đánh bại Lưu Thủ Văn, Lưu Thủ Quang lại xua quân tấn công Thương Châu, đại bản doanh của Lưu Thủ Văn, giết chết cả đứa cháu ruột Lưu Diên Tộ vừa được đưa lên làm thủ lĩnh thay cha.
Bắt giam cha ruột vào ngục tối để trả thù, cưỡng đoạt toàn bộ phi tần của cha làm vợ, giết luôn cả hai cha con người anh trai máu mủ, có lẽ, trong lịch sử, không có đứa con nào có thể tàn bạo, bất chấp luân lý như Lưu Thủ Quang. Thế nhưng, cũng có lẽ vì sự tàn bạo và khát máu ấy đã giúp Lưu Thủ Quang trở thành hoàng đế của Yên về sau này.
BTV (Người Đưa Tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.