Vị hoàng tử sống cách đây 1.000 năm là tâm điểm của căng thẳng Nga-Ukraine

Đăng Nguyễn - WSJ Thứ hai, ngày 03/01/2022 09:55 AM (GMT+7)
Vào thế kỷ 11, một vị hoàng tử có tên Yaroslav Thông thái đã thống nhất các cộng đồng người sống ở khu vực Baltic và Biển Đen, lập nên vương quốc Kievan Rus. Cả Nga và Ukraine đều coi Yaroslav Thông thái là tổ tiên.
Bình luận 0

img

Tượng Yaroslav Thông thái ở Ukraine.

Theo Wall Street Journal, Ukraine hiện đang truy tìm hài cốt của Yaroslav Thông thái. Việc tìm được hài cốt của hoàng tử từng sống cách đây 1.000 năm sẽ được coi là một chiến thắng mang tính biểu tượng của Ukraine trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Nga.

Cả Nga và Ukraine đều coi Yaroslav Thông thái là tổ tiên – người có công lập nên vương quốc Kievan Rus. Một tàu chiến Nga thuộc Hạm đội Biển đen được lấy tên của vị hoàng tử này.

Hình ảnh của Yaroslav cũng xuất hiện trên các tờ tiền của cả Nga và Ukraine, theo Wall Street Journal.

Theo quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, vương quốc Kievan Rus là bằng chứng cho thấy Nga và Ukraine “có chung yếu tố lịch sử và tâm linh”.

Đối với Ukraine, Yaroslav được nhắc đến trong bài phát biểu nhân ngày quốc khánh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Chính phủ Ukraine hiện vẫn đang tích cực tìm manh mối có thể giúp thu hồi bộ hài cốt của vị hoàng tử này.

img

Hài cốt Yaroslav từng được đặt trong quan tài bằng đá tại một nhà thờ ở Kiev.

“Chúng tôi là người kế thừa trực tiếp của vương quốc Rus cổ xưa. Chúng tôi không phủ nhận quyền của Belarus và Nga trong việc mô tả mối quan hệ lịch sử của họ với vương quốc”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói. “Điều mà chúng tôi kiên quyết phản đối là những nỗ lực của Nga nhằm biến tấu lịch sử để phục vụ những yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp”.

Yaroslav là công tước xứ Kiev, là người đề ra bộ luật đầu tiên một cách có hệ thống ở các vùng đất phía đông Slav, thúc đẩy giáo dục. Vương quốc Kievan Rus dưới thời Yaroslav thúc đẩy buôn bán với Pháp, Na Uy, Ba Tư. Ông còn gửi các con sang kết hôn với các quý tộc ở Trung và Tây Âu, trong đó có cô con gái tên Anna sau này trở thành hoàng hậu Pháp.

Sau khi qua đời năm 1054, hài cốt Yaroslav Thông thái được đặt trong cỗ quan tài bằng đá cẩm thạch trắng chạm khắc tại nhà thờ St. Sophia ở Kiev.

Vương quốc Kievan Rus bị xóa xổ vào thế kỷ 13, sau cuộc chinh phạt của người Mông Cổ. Hàng trăm năm sau, đế quốc Nga trỗi dậy, kiểm soát phần lớn lãnh thổ Ukraine ngày nay.

img

Phát xít Đức chiến đấu ở Kiev, Ukraine năm 1941, trong Thế chiến 2.

Ukraine từng có thời gian độc lập, sau trở thành một phần của Liên Xô, cuối cùng tách khỏi Liên Xô năm 1991.

Mối quan hệ của Ukraine với Nga kể từ đó đã trở thành một vấn đề nổi cộm đối với nhiều người Ukraine, đôi khi thúc đẩy các phong trào dân tộc.

Năm 2009, các nhà khảo cổ học Ukraine mở quan tài ở nhà thờ St. Sophia để phân tích mẫu xương của Yaroslav Thông thái và so sánh với các hậu duệ ở Pháp, Đức và Hungary, nhằm chứng minh Ukraine gần gũi hơn với phương Tây, thay vì Nga.

Trên thực tế, Liên Xô từng mở quan tài vào năm 1936, phát hiện hai bộ hài cốt, một nam giới và một phụ nữ, đều từng sống ở thế kỷ 11.

Điều khiến các nhà khảo cổ Ukraine ngỡ ngàng khi mở quan tài lần hai vào năm 2009 là hài cốt của Yaroslav Thông thái đã biến mất. Bên trong quan tài chỉ còn hài cốt của một phụ nữ, được cho là người vợ thứ hai của Yaroslav.

“Tôi thực sự bị sốc”, Nelia Kukovalska, một sử gia Ukraine, người tham gia mở quan tài năm 2009, nói. “Tôi đã hứa sẽ tìm ra sự thật và công bố cho toàn bộ người dân Ukraine”.

img

Sử gia Nelia Kukovalska đã mất nhiều năm tìm kiếm hài cốt của Yaroslav.

Theo các tài liệu thời Thế chiến 2, khi Liên Xô mở chiến dịch phản công ở Ukraine năm 1943, phát xít Đức được cho là đã đưa hài cốt Yaroslav tới nơi khác.

Sử gia Kukovalska lần theo manh mối là các tài liệu cũ, tin rằng hài cốt rơi vào tay một sĩ quan phát xít Đức. Người này sau đó lại đưa hài cốt cho một linh mục người Ukraine. Vị linh mục này sang Mỹ tị nạn sau chiến tranh.

Linh mục này được cho là Pallady Rudenko, người lập nên nhà thờ Holy Trinity ở New York (Mỹ) vào năm 1961. Mùa thu năm 2010, sử gia Kukovalska tới thăm nhà thờ, nhưng đều các linh mục ở đây đều nói không biết gì về hài cốt của Yaroslav.

Ở thời điểm đó, Ukraine vẫn có mối quan hệ gắn kết với Nga dưới thời Tổng thống Viktor Yanukovych. Có lẽ vì vậy mà các linh mục không muốn tiết lộ về bột hài cốt để tránh rơi vào tay Nga, Kukovalska phỏng đoán.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem