Vi phạm của Bí thư Nguyễn Xuân Anh và vấn đề kiểm soát quyền lực

Lương Kết (thực hiện) Thứ năm, ngày 21/09/2017 07:08 AM (GMT+7)
“Nếu cơ chế kiểm soát quyền lực ngang cấp làm tốt, bên cạnh đó là cơ chế kiểm soát quyền lực dọc (trên xuống dưới) cũng được làm mạnh, sẽ trở thành hai gọng kìm khiến cho cán bộ tuy ở vị trí quyền lực nhưng không thể lộng quyền, tha hóa quyền lực dẫn tới những hành vi vi phạm”, TS Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - nói.
Bình luận 0

img

TS Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Trong vi phạm, khuyết điểm của Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh như Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, có vi phạm như chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền…, việc làm này mang dấu hiệu của sự tha hóa quyền lực không, thưa ông?

- Nếu người làm lãnh đạo tâm không trong sáng, họ thường hay lạm dụng quyền lực đang có để củng cố địa vị của mình, phục vụ lợi ích riêng, rồi dùng ảnh hưởng để chi phối cả hệ thống. Người đứng đầu phạm phải điều này thì rất nguy hiểm, vì quyền hạn của Đảng và Nhà nước trao đã bị người đó sử dụng sai mục đích. Đấy chính là biểu hiện thoái hóa, tha hóa quyền lực. Nếu quyền lực trao cho ai đó nhưng không có sự kiểm soát tốt, nó sẽ là nguy cơ đối với cơ quan, tổ chức cũng như địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Anh là người trẻ tuổi đã trở thành lãnh đạo cấp cao, vi phạm của ông có trách nhiệm của tập thể trong vấn đề kiểm soát quyền lực, ông nghĩ sao?

- Có thể nói vấn đề ở đây là tính chiến đấu của các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.Đà Nẵng, cao hơn nữa là tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng.

Ở góc độ chung, nếu như một tập thể xuôi chiều dễ dẫn tới việc người đứng đầu lạm dụng quyền. Xuôi chiều ở đây ý muốn nói là tình trạng nể nang, e ngại không dám đấu tranh, sợ đấu tranh sẽ bị trù dập của những cá nhân trong tập thể. Nếu bản lĩnh của người đảng viên bị sa sút, buông xuôi trước những việc làm lạm quyền của người đứng đầu chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xuôi chiều trong tập thể, rồi đồng thuận cả với cái sai.

Một nguyên nhân nữa không kiểm soát được quyền lực là tính bè phái, bè nào, phái nào mạnh thì có sự lấn át, nghĩa là người đứng đầu tạo ra vây cánh, áp đảo chi phối trong tập thể.

Nếu mỗi thành viên trong tập thể có quyền lực không ý thức được sứ mệnh, vai trò, trách nhiệm của mình, buông xuôi, nhắm mắt trước những cái sai cầu vinh, cầu an cho bản thân, đó là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng không kiểm soát được quyền lực trong một tập thể, một cơ quan, khiến cho người đứng đầu lộng hành, sử dụng quyền lực sai quy định phục vụ cho ý đồ riêng.

Từ vụ việc vi phạm của Bí thư Đà Nẵng là bài học về vấn đề kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu, theo ông cần phải làm thế nào để làm tốt việc này?

- Vấn đề kiểm soát quyền lực phải có cơ chế kiểm soát. Chúng ta không tổ chức bộ máy theo mô hình tam quyền phân lập, tuy nhiên cơ chế của chúng ta có lồng ghép để kiểm soát lẫn nhau, nếu bàn về vấn đề này sẽ là câu chuyện dài.

Từ câu chuyện vi phạm của Bí thư Đà Nẵng, để kiểm soát quyền lực tốt ở địa phương nói chung, tôi nghĩ cần phải thể hiện qua mấy vấn đề. Trước hết là từ Đại hội Đảng bộ của địa phương, đại hội phải là nơi kiểm soát thứ nhất về định hướng phát triển; thứ hai là kiểm soát bộ máy lãnh đạo của cấp ủy; thứ ba là phải bầu được Ủy ban Kiểm tra thực sự có chất lượng.

img

Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. (Ảnh: Infonet)

Sau khi đại hội chọn được cấp ủy thực sự đủ tiêu chuẩn thì vai trò của mỗi cấp ủy viên phải được thể hiện. Nếu như cấp ủy ở đó không thể hiện được vai trò qua hoạt động của từng cá nhân thì sẽ khó kiểm soát được Ban Thường vụ.

Đến Ban Thường vụ, nếu như không kiểm soát được Bí thư, Phó Bí thư thông qua hoạt động của từng thành viên thì đương nhiên quyền lực sẽ tập trung vào hết cho Bí thư.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ của tỉnh, thành sẽ phải được Thành ủy, Tỉnh ủy cụ thể hóa nhưng không được vượt quá ranh giới của nghị quyết và không được trái với các văn bản của cấp ủy Đảng cấp trên. Tương tự như vậy, các quyết định của Ban Thường vụ cũng phải tuân thủ Nghị quyết của Ban Chấp hành và các văn bản hướng dẫn của cấp ủy Đảng cấp trên. Tiếp đến, Thường trực Thành ủy, Tỉnh ủy (gồm Bí thư và các Phó Bí thư) khi thực hiện cũng không được phép vượt qua nghị quyết đó. Đấy chính là cơ chế kiểm soát quyền lực.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, địa phương như Đà Nẵng hay các tỉnh, thành khác phải tuân thủ các nghị quyết, chủ trương của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Để thực hiện điều đó, vai trò các ban Đảng ở T.Ư phải giúp cho Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm soát.

Có mấy vấn đề cần phải kiểm soát, Ban Tổ chức T.Ư phải kiểm soát tốt được việc bổ nhiệm cán bộ của các tỉnh, thành, các bộ, ngành. Đặc biệt vai trò của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong kiểm soát những sai phạm của tập thể, cá nhân cấp ủy Đảng cấp dưới.

Như phân tích ở trên, từ Đại hội Đảng bộ địa phương đến Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy, đó là quan hệ kiểm soát ngang. Còn quan hệ kiểm soát dọc là cấp trên với cấp dưới. Thời gian vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc và thực hiện xuất sắc vai trò này.

Nếu cơ chế kiểm soát quyền lực ngang cấp làm tốt, bên cạnh đó là cơ chế kiểm soát quyền lực theo hệ thống dọc (trên xuống dưới) cũng được làm mạnh, sẽ trở thành hai gọng kìm khiến cho cán bộ tuy ở vị trí quyền lực nhưng không thể lộng quyền, tha hóa quyền lực dẫn tới những hành vi vi phạm. Hiện nay cơ chế này chúng ta đã có vấn đề có phát huy tốt hay không.

Xin cảm ơn ông!

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 có các vi phạm, khuyết điểm sau:

Chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, tự phê bình và phê bình; vi phạm Quy định số 42 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và quan hệ công tác của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy và Quy chế làm việc của Thành ủy, đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban Thường vụ Thành ủy.

Việc xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng.

Không nghiêm túc thực hiện Thông báo kết luận số 156-TB/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 558-TB/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong việc khắc phục vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đã ra một số quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công sản, triển khai dự án…

Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong nhân dân.

Quyết định chủ trương cho chỉ định thầu 4/6 dự án xây dựng trụ sở các cơ quan, vi phạm Luật Đấu thầu.

Đồng ý tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng sai quy định.

Trích thông báo kết luận phiên họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem