Hình phạt có nặng?
Cụ thể, Sở GD-ĐT quy định rõ: Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
Ngay sau khi quy định được đưa ra, trên nhiều diễn đàn của phụ huynh và học sinh, các bậc cha mẹ tỏ ý không hài lòng với quy định này và cho rằng nó quá khắt khe.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-03-10/1457592990-phat-hoc-sinh-vi-pham-giao-thong1.jpg)
Hình ảnh học sinh vi phạm luật giao thông không hiếm gặp tại Hà Nội (Ảnh từ internet)
Phụ huynh N.T.L (Hoàng Mai – Hà Nội) viết trên Facebook cá nhân: “Đọc xong quy định mà thấy như trò đùa. Giáo dục chả liên quan gì đến luật giao thông cả. Cho nghỉ học 1 tuần thì ai quản lý con, lại ra đường rồi vi phạm tiếp thì sao?”.
Một phụ huynh khác có nickname Thanh Phuong bình luận: “Luật gì mà quái gở? Kiểu này học sinh Hà Nội muốn nghỉ học chẳng cần giấy xin phép, chỉ cần... vi phạm luật giao thông là được”.
Trong khi đó, phụ huynh Trần Thị Hồng (Tân Ấp – Ba Đình – Hà Nội) lại cho rằng, việc phạt học sinh nghỉ học 1 tuần là quá nặng: “Chỉ cần bắt học sinh đi học luật giao thông hoặc lao động công ích tại trường là được. Buộc nghỉ học là vi phạm công ước quyền trẻ em, trong đó có quyền được đi học”.
Trong khi rất nhiều phụ huynh cảm thấy bất mãn thì ngược lại nhiều học sinh lại tỏ thái độ lo lắng, thận trọng hơn. Em Nguyễn Phương Liên – Học sinh trường THPT Vân Nội (Đông Anh – Hà Nội) cho biết: “Nhiều bạn đi xe đạp điện vẫn không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 3, hàng 4 rất nguy hiểm. Nếu quy định này được áp dụng thì chắc chắn các bạn sẽ có ý thức. Ít nhất vì sợ bị đình chỉ học, xấu hổ mà không vi phạm”.
Đừng để trẻ trả giá bằng tính mạng
Ngạc nhiên trước phản ứng trái chiều của nhiều phụ huynh trên các diễn đàn, TS Vũ Thu Hương – giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Không hiểu các bậc cha mẹ thiếu hiểu biết hay hồ đồ mà phát biểu như vậy?”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-03-10/1457592990-phat-hoc-sinh-vi-pham-giao-thong.jpg)
Phản ứng của phụ huynh trên các diễn đàn
TS Hương phân tích, ngay trong chương trình giáo dục mầm non, phần giáo dục ý thức giao thông cũng đã có và là mục quan trọng. Bậc học phổ thông nào cũng nói đến việc này. Như vậy, nếu học sinh đã biết mà vẫn vi phạm thì phải có hình phạt thích đáng. Không thể để các em vi phạm hết lần này đến lần khác được.
“Để giáo dục trẻ giúp trẻ trưởng thành cần có nhiều biện pháp - nhận sự trả giá cũng là 1 bài học giúp trẻ rút kinh nghiệm rất nhanh. Có 2 loại trả giá, một là các hình thức phạt và 2 là hậu quả do chính hành động của trẻ gây ra. Về an toàn giao thông, nếu cho trẻ chịu đượng hình thức hậu quả do chính chúng gây ra thì có nhiều trường hợp chính là mạng sống của chúng và những người xung quanh. Khi ấy, trẻ có khi cũng chẳng còn tồn tại để mà rút kinh nghiệm nữa. Vì vậy, phạt là hợp lý” – TS Hương nói.
TS Hương cũng đồng tình với quan điểm: Con an toàn rồi mới cần học tốt.
“Việc nghiêm khắc đưa ra những hình phạt tác động trực tiếp đến phụ huynh và học sinh sẽ cho chúng ta nhiều hi vọng về một xã hội mà giao thông an toàn hơn trong tương lai. Điều đó chính lá bùa bảo vệ mạng sống cho tất cả chúng ta nên cần cứng rắn, cương quyết 1 chút”, TS Hương nói.
Đồng tình với quan điểm của TS Vũ Thu Hương, lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, đó là một hình phạt hợp lý.
Theo cô Nguyễn Thị Thơm - Phó Hiệu trưởng trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Nội), trường THPT Hồng Thái là trường cách xa trung tâm thành phố, chủ yếu các em đến trường bằng xe đạp thường, hoặc bằng xe bus, ít tham gia bằng mô tô, xe gắn máy nên học sinh vi phạm luật giao thông ít.
"Phạt nghỉ học 1 tuần là hợp lý. Chỉ có như vậy với giúp các em nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để sau này các em ra trường, ra xã hội biết phấp hành luật giao thông một cách tốt nhất. Giảm thiểu những tai nạn thương tâm xảy ra, đặc biệt trong những ngày gần đây”, cô Thơm bày tỏ.
Tương tự, cô Phan Thị Thanh Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã triển khai theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT ngay từ đầu năm học, quán triệt các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông.
Hiện nay, không con tình trạng học sinh đi xe đạp điện đến trường không đội mũ bảo hiểm: “Nhiều khi đi dọc đường nhìn thấy học sinh của trường mình, mặc áo đồng phục, đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, thầy cô rất là tự hào. Học sinh đã có ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông là có lợi cho chính các em. Chủ trương hoàn toàn đúng, vì làm để răn đe các em không phải để xử lý học sinh” - cô Thảo nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.