Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy bị xử lý hành chính hay hình sự?

Quang Trung Thứ ba, ngày 02/08/2022 19:03 PM (GMT+7)
Sau nhiều vụ cháy gây hậu quả chết người xảy ra, mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke ISIS tại quận Cầu Giấy khiến 3 chiến sỹ Cảnh sát PCCC hy sinh, bạn đọc đặt câu hỏi, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Nhiều vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng

Chiều 1/8, ngọn lửa bùng lên tại quán karaoke ISIS tại số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nguyên nhân hỏa hoạn được xác định do hàn xì trong quá trình sửa chữa quán hát.

Quá trình làm nhiệm vụ, tổ trinh sát gồm thượng tá Đặng Anh Quân (Đội trưởng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy) cùng thượng úy Đỗ Đức Việt và hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc đã hướng dẫn, đưa 8 người ra ngoài an toàn.

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy bị xử lý hành chính hay hình sự? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy quán karaok ISIS tại quận Cầu Giấy khiến 3 chiến sỹ Cảnh sát PCCC hy sinh. Ảnh: MQ

Khi họ quay lại tìm kiếm người mắc kẹt, các vật liệu làm trần giả và trang trí trong nhà sập xuống khiến 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Trước đó, nhiều vụ cháy gây hậu quả chết người liên quan đến các quán karaok đã xảy ra.

Điển hình như năm 2016, vụ cháy dãy nhà hàng, quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy khiến 13 người chết, thiêu rụi 4 nhà cao tầng cùng nhiều tài sản.

Nguyên nhân của những sự việc đau lòng trên, đa số đều do các quán karaoke không có giấy phép kinh doanh, không đáp ứng điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ bị xử lý thế nào?

Sau các sự việc này, bạn đọc đặt câu hỏi, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có bị xử lý hình sự?

Về góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, karaoke, vũ trường, quán bar là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt phải tuân thủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo đúng quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BCA.

Cụ thể: Tuân thủ đúng quy định về thiết kế, nghiệm thu công trình, kết cấu tòa nhà, nội thất chống cháy, lối thoát hiểm…

Thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng cháy, đặc biệt là quản lý chặt chẽ và sử dụng an toán các chất dễ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt. Trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy…

Nếu vi phạm, tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 đối về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác".

Về hình phạt, bà Thơ cho biết, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 nghìn đồng đối với hành vi không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ cho kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

Không cử người có trách nhiệm tham gia đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy; Không tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi như không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền; Không thực hiện các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

Trong trường hợp sau khi cơ sở được thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa cơ sở vào hoạt động người đứng đầu cơ sở không có văn bản thông báo và ký cam kết cơ sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu và duy trì các điều kiện về đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nhà, công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định sẽ bi phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, theo bà Thơ, Điều 313 tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy nêu rõ, người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp như làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng… sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Nếu làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%...sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến 8 năm.

Còn nếu làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên…sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem