Vị quan nước Việt giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc là ai?

Thứ hai, ngày 23/11/2020 11:35 AM (GMT+7)
Ông sống qua 8 đời vua Lê, được đánh giá là nhà chính trị, ngoại giao, giáo dục tài ba đất Thăng Long.
Bình luận 0
Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 1.

Vị quan triều Lê, Nguyễn Như Đổ chính là người đã giúp dân ta thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc.

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 2.

Nguyễn Như Đổ (1424-1526) quê làng Đại Lan Châu, huyện Thanh Đàm, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội. "Từ bé, ông ham học hỏi, cứ 2 năm lên được 3 lớp mà năm nào cũng xếp loại ưu", sách Những người thầy trong sử Việt viết.

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 3.

Năm 1442, vua Lê Thái Tông tổ chức thi hội cho nhân sĩ cả nước, Nguyễn Như Đổ đỗ tiến sĩ, khi 18 tuổi. Ông được phong Hàn lâm viện tri chế cáo, hai lần làm phó sứ sang Trung Quốc.

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 4.

Dưới thời vua Lê Nghi Dân, Nguyễn Như Đổ tiếp tục được giao trọng trách ngoại giao với triều đình nhà Minh, nhưng ở vai trò trưởng đoàn sứ. "Lần ấy trong danh mục tiến cống có ngọc trai, thậm chí phải kèm theo nước giếng Cổ Loa để rửa ngọc. Để có được ngọc trai, người ta phải nhịn thở lặn xuống tận đáy biển sâu vô cùng nguy hiểm, nhiều người đã mất mạng vì không kịp ngoi lên thở. Nguyễn Như Đổ diễn giải với vua Minh điều ấy, xin vua Minh xóa bỏ sản vật này khỏi danh mục triều cống. Vua nhà Minh nghe thấy có lý đồng ý cho bỏ, nhờ thế cất đi một gánh nặng cho ngư dân ven đảo", cuốn Những người thầy trong sử Việt ghi lại.

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 5.

Năm 1460, đoàn sứ đi Trung Quốc do Nguyễn Như Đổ dẫn đầu trở về Đại Việt. Khi ấy, Lê Nghi Dân đã bị triều thần lật đổ, đưa hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi, trở thành vua Lê Thánh Tông. Theo cuốn Những người thầy trong sử Việt, nhiều người trong đoàn sứ đã rất lo lắng khi tấm sắc phong mà họ cất công mang về là công nhận cho vua Nghi Dân. Các thành viên bàn nhau hủy tấm sắc đi, riêng Nguyễn Như Đổ quyết giữ lại rồi trình lên vua mới trong buổi chầu triều. "Lê Thánh Tông lật xem các bản tấu, nét mặt hồ hởi khi đọc tờ chiếu của vua Minh, miễn khoản ngọc trai trong số đồ tiến cống. Nhưng rồi ông nhíu mày khi xem đến tờ sắc phong cho Nghi Dân... Những vị quan trong đoàn sứ giả chờ đợi một trận lôi đình. Nhưng không, nhà vua đã mỉm cười, vua nhìn thẳng vào mặt viên chánh sứ, thấy ông vẫn điềm nhiên. Nhà vua úy lạo đoàn về sự vất vả đường trường, khen ngợi đã làm được một việc tốt cho dân mà không đả động đến tờ sắc phong kia", sách viết.

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 6.

Khi đọc tờ sắc phong của nhà Minh cho Nghi Dân do đoàn sứ mang về, vua Lê Thánh Tông đánh giá chánh sứ Nguyễn Như Đổ công tâm, rạch ròi, có thể tin cậy. Vua chọn ông làm bầy tôi tâm phúc, giao cho những vị trí quan trọng, cần sự tin cẩn. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại việc bổ nhiệm của vua Lê Thánh Tông cho Nguyễn Như Đổ. Năm 1460, "lấy Nguyễn Như Đỗ làm Lại bộ thượng thư", lại thêm chức Tả ty sảnh Môn hạ, Tả gián nghị đại phu, coi sổ sách quân dân ở Bắc đạo, kiêm Thừa chỉ học sĩ Viện Hàn lâm. Ông sau đó kiêm chức Thượng thư Bộ Lễ. Công việc của Nguyễn Như Đổ là giúp vua sắp xếp lại hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương, lựa chọn, tiến cử người tài để vua sử dụng. Nguyễn Như Đổ có thời gian được cử vào điện Càn Đức dạy các hoàng tử và được coi là học quan - người thầy có vai trò quan trọng trong thời đại này. Nhiều kỳ thi Đình, Hội do triều đình tổ chức (năm 1463, 1466, 1469), Nguyễn Như Đổ được giao làm Chánh chủ khảo (Đề điệu), Độc quyển (đọc và sắp xếp thứ tự các bài văn sách).

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 7.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép một số lần Nguyễn Như Đổ bị vua quở trách vì tiến cử người không tốt vào làm quan. Lại bộ Nguyễn Như Đổ sau đó bị vua giao cho pháp ty theo luật trị tội. Tuy vậy một thời gian sau, ông được triệu lại triều đình và cho phục chức, tiếp tục làm Thượng thư, phụ trách nhiều việc quan trọng của triều đình. Hơn 60 tuổi, Nguyễn Như Đổ vẫn được giao chủ trì trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rồi làm Tế tửu (hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám 10 năm mới về hưu. Trải qua nhiều công việc ở triều chính, ông hiểu cần chuẩn bị những gì cho học trò để trở thành vị quan tốt, phục vụ đất nước. "Sử cũ ghi lại một số cải cách của ông trong tuyển lựa khảo xét học trò, được vua Lê Thánh Tông rất khen ngợi", cuốn Những người thầy trong sử Việt viết.

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 8.

Nguyễn Như Đổ sống qua 8 đời vua Lê, mất khi 102 tuổi. Ông được đánh giá là tài năng chính trị, ngoại giao và giáo dục hiếm có. Sử gia Phan Huy Chú từng viết về Nguyễn Như Đổ rằng: "Ông lúc trẻ thi đỗ khôi nguyên, khi lớn làm quan to, lên được cõi thọ trăm tuổi, trải qua 8 triều vua, cũng là sự ít có trong hoạn đồ". Tôn vinh và tri ân danh nhân đất Thăng Long, thành phố Hà Nội đã đặt tên một con phố ở quận Đống Đa theo tên ông. Con phố dài 90m này nối từ phố Trần Quý Cáp đến phố Ngô Sĩ Liên, song song với phố Y Miếu.

Sử Việt: Ai là người giúp dân thoát cảnh mò ngọc trai cống cho vua phương Bắc? - Ảnh 9.

Thơ văn của Nguyễn Như Đổ được lưu truyền sang đời sau, nhưng đến nay chỉ còn lại 6 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn[4]. Bài thơ nổi tiếng nhất là Thành Nam viên cư (Vườn ở phía nam thành). Ngoài ra còn có bài Thư trai xuân mộ (Tiết cuối xuân trong phòng khách).

 

Kim Dung (Theo Ngày Nay)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem