Vì sao 1 điệp viên Anh trở thành đại tá tình báo KGB của Liên Xô?

Thứ bảy, ngày 09/01/2021 20:30 PM (GMT+7)
Điệp viên George Blake của tình báo đối ngoại Anh là một trong các điệp viên nhị trùng thời Chiến tranh Lạnh làm việc cho Liên Xô vì lý tưởng chứ không phải vì tiền. Ngay cả sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống XHCN cũng không ngăn Blake giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản.
Bình luận 0

Vào ngày 26/12/2020, George Blake qua đời ở tuổi 98. Người đàn ông này là một trong các điệp viên nhị trùng nổi tiếng nhất kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Điệp viên này của MI-6 đã làm việc cho tình báo Xô viết trong gần 10 năm, trở thành một trong các gián điệp có giá trị nhất trong lịch sử.

Vì sao 1 điệp viên Anh trở thành đại tá tình báo KGB của Liên Xô? - Ảnh 1.

Chân dung điệp viên George Blake thời trẻ và khi đã cao tuổi. Ảnh: RBTH.

Mật vụ Anh tự chuyển hóa và tin theo chủ nghĩa Marx

Blake sinh ra với cái tên George Behar vào năm 1922 ở Hà Lan. Nhưng sau khi sang Anh trong Thế chiến 2, ông đổi họ của mình thành Blake. Sau khi đăng ký gia nhập hải quân Anh, ông nhanh chóng được tình báo đối ngoại Anh (MI-6) để mắt tới và đưa vào hàng ngũ của họ.

Chuyên môn sâu của Blake là về Liên Xô. Đã học tiếng Nga, ông được gửi tới thường trú ở Seoul (Hàn Quốc) với tư cách là phó lãnh sự của đại sứ quán Anh tại đây. Tuy nhiên, nhiệm vụ thực sự của ông là thu thập tình báo về các vùng Viễn Đông, Siberia, và Mãn Châu thuộc Liên Xô.

Điệp viên nằm vùng của Anh sau đó bị kẹt trong Chiến tranh Triều Tiên. Khi bị quân đội Triều Tiên bắt giữ, Blake đã bị tống giam và phải đợi đến khi chiến tranh kết thúc mới được phóng thích.

Trong ba năm bị giam giữ, Blake có cơ hội đọc cuốn “Tư bản luận” (Das Kapital) của Karl Marx.

Blake nhớ lại: “Cuốn sách đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của tôi, nó có tác động giống như Kinh thánh vậy. Trong tôi dần hình thành khát khao cháy bỏng là mang tới tương lai tươi sáng mà Marx đã nói tới”. Đây chính là cách mà Blake trở thành một người cộng sản tận tụy.

Sốc trước cảnh tàn phá do máy bay ném bom Mỹ gây ra ở Triều Tiên

Vì sao 1 điệp viên Anh trở thành đại tá tình báo KGB của Liên Xô? - Ảnh 2.

Điệp viên Blake lúc trở về tới sân bay ở Anh sau khi được phóng thích (khỏi Triều Tiên) vào tháng 4/1953. Ảnh: Getty.

Điệp viên Xô viết đầy giá trị

George Blake quay trở lại Anh Quốc khi ông trên thực tế đã chuyển hóa thành điệp viên của đối phương. Nắm giữ chức vụ phó trưởng ban tác chiến kỹ thuật tại MI-6, ông được điều sang công tác tại Berlin, nơi ông bắt đầu thông tin cho Moscow về những gì mà người Anh và người Mỹ nắm được về các điệp viên của Liên Xô và các đặc điểm nhận dạng của họ.

Vào thời gian đó, Blake cố gắng tiết lộ tên của khoảng 400 điệp viên MI-6 hoạt động ở Đông Âu. Danh sách này bao gồm cả những người đã đổi phe.

Vào đầu thập niên 1950, các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh tiến hành “Chiến dịch Vàng”, trong đó có nội dung tạo một đường hầm dưới Tây Berlin, giúp đưa họ sang phía Đông với mục đích cài thiết bị để nghe lén sở chỉ huy Liên Xô liên lạc với quân Liên Xô ở Đức.

Nhờ có Blake, Liên Xô biết kế hoạch trên trước lúc việc đào hầm bắt đầu. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ vỏ bọc cho điệp viên giá trị của mình, Liên Xô cho phép việc đào hầm của tình báo Mỹ-Anh tiếp diễn. Thế là trong gần một năm, CIA (tình báo Mỹ) và MI-6 nhận được các tin thất thiệt đã được chuẩn bị một cách thận trọng, cho đến tháng 4/1956, khi binh sĩ Liên Xô “tình cờ” phát hiện ra đường hầm này.

Vỏ bọc của Blake bị lật tẩy bởi một điệp viên tình báo Ba Lan tên là Mikhail Golenevski trốn sang phương Tây. Vào năm 1961, Blake bị bắt và bị kết án 42 năm tù.

Vì sao 1 điệp viên Anh trở thành đại tá tình báo KGB của Liên Xô? - Ảnh 3.

Đường hầm bí mật dưới lòng đất Berlin bị Liên Xô phát hiện. Ảnh: Global Look Press.

Cuộc sống mới và niềm tin cộng sản mãnh liệt

5 năm sau các sự kiện trên, George Blake xoay sở để trốn khỏi nhà tù Anh HM Prison Wormwood Scrubs và chạy sang Cộng hòa Dân chủ Đức, từ đây ông được chuyển sang Liên Xô, nơi ông bắt đầu cuộc đời mới. Ông bỏ lại phía sau 3 đứa con trai và một người vợ, người đã ly dị ông chỉ một thời gian ngắn sau đó.

Silvie Breban, một người thân của Blake, nói: “Tôi luôn ngạc nhiên về mức độ dễ dàng thích ứng của anh ấy. Không như các điệp viên Anh khác như Philby và Maclena – những người đã có một thời gian khó khăn ở Nga, George chưa bao giờ trải qua sự khó khăn nào cả. Anh ấy có thể tới một quán bar ở đây, nhâm nhi chút rượu vodka và bánh mì gối với trứng cá muối mà không tốn mấy tiền. Anh ấy về sau tự nhận xét thế này: 'Một nước mà ai cũng mua được trứng cá muối thì trên thực tế đó là quê hương của chủ nghĩa cộng sản’”.

Blake đã mang một cái tên mới ở Liên Xô - Georgy Ivanovich Bekhter. Được phong hàm đại tá KGB, Blake bận rộn với việc huấn luyện các điệp viên Liên Xô và được thưởng một số phần thưởng danh dự, bao gồm Huân chương Lenin và Huân chương Cờ Đỏ.

Nhiều năm sau đó, huyền thoại tình báo này được gặp lại các con trai của mình. Họ không chấp nhận hành động của cha mình nhưng họ hiểu động cơ của ông. Theo Blake, họ cố gắng hàn gắn với nhau tương đối tốt.

Sống qua thời Chiến tranh Lạnh và cả sự tan rã của Liên Xô, George Blake vẫn tiếp tục hết lòng vì chủ nghĩa cộng sản cho đến những ngày cuối đời.

Blake nói: “Tôi mong mỏi chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng lợi... Những gì được xây dựng ở Liên Xô và Trung Quốc chưa được như các lý tưởng mà tôi kỳ vọng. Đúng là Liên Xô đã gánh trách nhiệm nặng nề của cuộc thử nghiệm vĩ đại này và không có được kết cục tốt lắm.... Nhưng nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ đó và thế giới rồi sẽ hiểu rằng chẳng có mô hình xã hội nào khác tốt hơn chủ nghĩa cộng sản, đơn giản là không có”.

Trung Hiếu (Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem