Các chuyên gia cho rằng, có khoảng 40% doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang gặp khó khăn bởi các rào cản phi thuế quan (Ảnh: Quốc Hải)
Gặp khó vì hàng rào phi thuế quan
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, chiếm 19%; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, chiếm 14%; thứ ba là Ấn Độ với 20 vụ, chiếm 13% và thứ tư là EU với 14 vụ, chiếm 9%. Trong đó, các vụ việc điều tra chống bán phá giá có tỷ lệ cao nhất với 87 vụ việc, chiếm 56%; tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 33 vụ, chiếm 21%; thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ việc, chiếm 13% và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp với 15 vụ việc, chiếm 10%.
Trong đó có một số vụ việc hàng hóa Việt Nam bị phán xét, áp thuế bất hợp lý, gặp nhiều vướng mắc và dù đã thực hiện nhiều giải pháp trong đối ngoại. Nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả, như mặt hàng thủy hải sản trong Chương trình thanh tra cá da trơn, theo đạo Luật Farm Bill, lệnh cảnh báo “thẻ vàng” của EU. Mặt hàng điều nhân và hồ tiêu bị Ấn Độ tăng mức giá nhập khẩu tối thiểu MIP, tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở BCD; mặt hàng gạo bị Philippines áp dụng thuế tự vệ...
Các chuyên gia hiến kế các giải pháp vượt rào cản phi thuế quan (Ảnh: Quốc Hải)
Ông Vianney Lesaffre, Đại diện dự án NTM của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) - cho biết, các biện pháp phi thuế quan liên quan đến tiêu chuẩn hay tài chính, thủ tục hải quan ngày càng được đưa ra nhiều trên thị trường thế giới. Trong đó, SPS (Sanitary and Phytosanitary Measure - Các biện pháp kiểm dịch động thực vật), TBT (Technical Barriers to Trade Agreement - Hàng rào kỹ thuật trong thương mại) là những rào cản phi thuế quan đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới; và những rào cản này sẽ là “nút thắt” lớn với các DN xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam trong qua trình tìm kiếm thị trường nước ngoài.
Cụ thể, ông Vianney Lesaffre dẫn chứng, ITC đang triển khai một dự án để xác định các khó khăn mà DN Việt gặp phải và từ đó có những tham vấn phù hợp. Dự án này có 2 bước, trước hết là nhận các phản hồi của doanh nghiệp, từ đó tham vấn và đưa ra các cảnh báo mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt. Hiện dự án đang triển khai bước 1, và đã thu thập 1.638 ý kiến doanh nghiệp Việt Nam và đang phân tích, trong đó có tới 40% doanh nghiệp nông sản gặp vấn đề về các rào cản nhập khẩu, xuất khẩu. Các ghi nhận cũng cho thấy có tới 63% doanh nghiệp phản hồi là rào cản thủ tục đã ngăn cản dòng chảy xuất nhập khẩu.
“Đầu năm tới chúng tôi sẽ kết thúc bước 1 và chuyển sang bước 2 là đưa ra các tham vấn cũng như hệ thống cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để được hỗ trợ, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia các khóa huấn luyện về nâng cao đối phó với các rào cản phi thuế quan”, ông Vianney Lesaffre chia sẻ thêm.
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt rào cản
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian qua, Bộ Công thương đã và đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để chủ động nắm bắt tình hình, áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp ứng phó; kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường… Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Quyền giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại (INTEC) thuộc Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, Cục Xúc tiến thương mại và ITC đã xây dựng dự án thương mại vì sự phát triển bền vững - T4SD. Theo đó dự án sẽ hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn bền vững tự nguyện, hỗ trợ tiếp cận tài chính xanh.
“Hiện mô hình thí điểm của dự án đã được triển khai từ tháng 9/2019 với việc huấn luyện cho 4 chuyên gia và có 20 doanh nghiệp hồ tiêu, trái cây, chè xanh… đang được hỗ trợ tư vấn. Dự kiến đến năm 2020 dự án sẽ tổng kết đánh giá hiệu quả và tiến tới nhân rộng thêm để nhiều doanh nghiệp được tiếp cận”, bà Minh nói.
Các doanh nghiệp vẫn phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm... (Ảnh: Quốc Hải)
Ông Lê Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) – cũng cho biết: Cục Xúc tiến thương mại đang tiếp tục hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào kênh phân phối toàn cầu. Chương trình này tập trung vào đào tạo kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon cho các doanh nghiệp để xúc tiến đưa hàng hóa xuất khẩu. Tới nay đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng tốt nền tảng này và đưa hàng hóa sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU… qua Amazon.
Trước những khó khăn của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết: Hiện nay, trong điều kiện ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia được ký kết thì DN Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, môi trường hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi các DN cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó, vượt qua các rào cản thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế.
“Các doanh nghiệp vẫn phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, đầu tư vùng nguyên liệu cũng như kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi chỉ khi làm tốt các vấn đề này, hàng hóa của doanh nghiệp Việt mới tạo được niềm tin với người tiêu dùng và từ đó mới có chỗ đứng trên thị trường quốc tế”, thứ trưởng Hải nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.