Vì sao ba dự án mở đường nội đô Hà Nội dừng triển khai?

Nguyễn Bình Thứ sáu, ngày 01/12/2023 06:11 AM (GMT+7)
Ba dự án mở đường ở Hà Nội là dự án đường Ngô Thì Nhậm, Võ Thị Sáu kéo dài, quận Hai Bà Trưng và dự án mở đường Phan Văn Trị dừng triển khai vì 3 lý do, theo UBND TP Hà Nội.
Bình luận 0

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản trả lời nội dung kiến nghị của cử tri về các dự án mở đường Ngô Thì Nhậm kéo dài, Võ Thị Sáu kéo dài (quận Hai Bà Trưng) và mở đường nút giao Phan Văn Trị (quận Đống Đa) hiện đang dừng triển khai.

Theo đó, hiện dự án đường Ngô Thì Nhậm kéo dài không có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Thành phố. Trong giai đoạn 2016-2020, dự án đã được Thành phố giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư bằng ngân sách Thành phố. Tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp khó khăn vướng mắc về quy hoạch, chồng lấn với khu nhà ở Nguyễn Công Trứ do đó không thể thực hiện được.

Vì sao ba dự án mở đường nội đô Hà Nội dừng triển khai? - Ảnh 1.

Dự án đường Võ Thị Sáu kéo dài nối với đường Minh Khai nhiều năm chưa thể triển khai. Ảnh: H.V.

Căn cứ Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phổ, tuyến đường thuộc nhiệm vụ đầu tư của quận (quy mô mặt cắt ngang 17,5m). UBD thành phố Hà Nội đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng phối hợp với Sở GT-VT tiến hành rà soát, xây dựng phương án đầu tư đảm bảo tính khả thi đồng thời cân đối nguồn lực và xem xét quyết định đầu tư đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Văn bản của UBND Thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: Ngày 8/9/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản số 4147/QHKT-HTKT về chỉ giới đường đỏ tuyến đường Ngô Thì Nhậm - Trần Khát Chân (đoan từ phố Trần Cao Vân đến đường Trần Khát Chân), trong đó đề nghị Ban QLDA ÐTXD công trình giao thông Thành phố phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND quận, UBND phường Phố Huế tiếp tục tổ chức công khai, lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án chỉ giới đường đỏ tuyến đường (đảm bảo đúng quy định hiện hành, trong đó lưu ý báo cáo rõ về cơ sở pháp lý, quy hoạch và quá trình quản lý kết hợp tuyên truyền, giải thích vận động nhân dân để đồng thuận); Ngày 17/3/2022, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Thành phố có văn bản số 448/BQLCTGT-KH gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư đề xuất chuyển chủ đầu tư dự án. Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu UBND Thành phố xem xét đề xuất của Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông Thành phố.

Về dự án đường Võ Thị Sáu kéo dài đến phố Minh Khai mà cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay chưa được triển khai, đề nghị Thành phố quan tâm sớm giải phóng mặt bằng và triển khai dự án để giải toả áp lực giao thông cho khu vực, phục vụ người dân đi lại thuận tiện và tăng diện tích đất giao thông cho quận Hai Bà Trưng, UBND thành phố cho biết, nội dung kiến nghị của cử tri đang được giải quyết.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Võ Thị Sáu kéo dài (đường Thanh Nhàn với đường Vành đai 2) trước đây do Ban quản lý dự án Giao thông đô thị (trực thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội) làm chủ đầu tư tại Quyết định số 3237/QĐ-UB ngày 07/6/2001 và Quyết định số 1897/QĐ-UBND ngày 22/4/2009 của UBND Thành phố. Quy mô đầu tư đồng bộ mặt đường, vỉa hè, tổ chức giao thông, cây xanh, cấp thoát nước và hệ thống chiếu sáng và một số công trình phụ trợ khác, mặt cắt ngang khoảng 22m; Tổng mức đầu tư dự án tại thời điểm trình thẩm định, phê duyệt tháng 11/2012 khoảng hơn 812 tỷ đồng và sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Tuy nhiên, tại thời điểm thẩm định dự án (năm 2013), dự án không nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư năm 2013-2015 nên chưa có cơ sở để trình UBND Thành phố phê duyệt và dự án đã dừng triển khai.

Theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội thì tuyến đường thuộc nhiệm vụ đầu tư của quận, do theo quy hoạch phân khu đô thị H1-4, tỷ lệ 1/2000 được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1359/QĐ-UBND, tuyến đường được xác định là có bề rộng mặt cắt ngang theo quy hoạch 22,5m.

Ngày 28/6/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 2894/KH&ĐT-HT ngày 28/6/2022 đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng: "Rà soát, cân đối nguồn lực đầu tư tuyến đường bằng nguổn ngân sách quận, trường hợp không cân đối được nguồn lực, đề xuất ngân sách Thành phố hỗ trợ".

Trên cơ sở rà soát tổng thể hồ sơ tài liệu có liên quan đến dự án cũng như tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân tại các kỳ hop tiếp xúc, UBND quận Hài Bà Trưng xác định công việc đầu tư dự án là rất cần thiết để hoàn thiện mạng lưới giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ tuyến đường Vành đai I với Vành đai II; giảm ùn quy tắc giao thông trên địa bàn, đồng thời phục vụ công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan đến chỉ giới đường đỏ tuyến đường.

Trên cơ sở cân đối nguồn lực, UBND quận đã có văn bản số 310/UBND-TCKH ngày 15/3/2023 gửi UBND Thành phố, Sở KH-ĐT; Sở Tài chính đề nghị xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện dự án. Trong đó, nguồn vốn Thành phố, thực hiện công tác GPMB khoảng 900 tỷ đồng; Nguồn vốn quận, khoảng 300 tỷ đồng thực hiện các nội dung còn lại. Yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 3041/VP-ĐT ngày 27/3/2023 báo cáo UBND Thành phố.

Vì sao ba dự án mở đường nội đô Hà Nội dừng triển khai? - Ảnh 3.

Dự án mở đường Phan Văn Trị đã có quy hoạch từ năm 1990. Sơ đồ: Hạ Vũ.

Dự án mở đường Phan Văn Trị thuộc nút giao thông Tôn Đức Thắng- Bộ Tư lệnh Thông tin - Núi Trúc (đã có quy hoạch mở đường từ những năm 1990), UBND Thành phố Hà Nội cho biết, nội dung kiến nghị này của cử tri đang được giải quyết.

Theo UBND Thành phố Hà Nội, dự án mở đường Phan Văn Trị được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2427/QĐ-UBND ngày 22/5/2009 và phê duyệt dự án tại Quyết định số số 4888/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 giao Ban quản lý dự án công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai được do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Để chủ động phương án đầu tư hiệu quả, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đang gặp phải, UBND Thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo tại văn bản số 12810 ngày 30/11/2022, theo đó UBND Thành phố yêu cầu dừng thực hiện dự án đồng thời chỉ đạo UBND quận Đống Đa nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư.

Hiện nay, dự án không thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Để có cơ sở triển khai thực hiện dự án, đề nghị UBND quận Đống Đa phối hợp với Sở GTVT rà soát đánh giá về khả năng thực hiện, báo cáo UBND Thành phố để xem xét, quyết định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem