Vì sao bà Quy đưa đón trẻ trường Gateway không được tại ngoại?

Phi Long Thứ tư, ngày 28/08/2019 15:45 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, các luật sư đưa ra những phân tích xung quanh việc bà Nguyễn Bích Quy, người đưa đón trẻ trường Gateway không được tại ngoại, bị tạm giam 3 tháng.
Bình luận 0

Ngày 27/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy cho biết  đã Quyết định 422 ngày 23/8 về việc khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Bích Quy (SN 1964, Dịch Vọng, Cầu Giấy) về tội Vô ý làm chết người, quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự.

Quyết định này đã được Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy phê chuẩn. Bà Quy được tại ngoại. Tuy nhiên, đến tối ngày 27/8, trả lời báo chí, luật sư Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn và đồng sự cho biết: Vào lúc 18h cùng ngày, Công an quận Cầu Giấy đã ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Bích Quy.

img

 Vì sao bà Quy đưa đón trẻ trường Gateway không được tại ngoại? (Ảnh: IT)


Trao đổi với Dân Việt, luật sư Lê Hồng Huấn - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: "Việc áp dụng biện pháp tại ngoại hay áp dụng biện pháp ngăn chặn được đưa ra khi có dấu hiệu bỏ trốn hoặc không đảm bảo an toàn cho bị can, bị cáo để tiến hành các thủ tục tố tụng thông thường.  Bị can, bị cáo có bị áp dụng hay không áp dụng cho tại ngoại là do nhận định tình huống của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc bắt tạm giam hay không phải được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát không phải bắt buộc trả lời cho công dân hay báo chí về việc này".

Về vấn đề bà Quy chưa có hợp đồng đưa đón học sinh với trường, Công ty cung cấp dịch vụ xe đưa đón, luật sư Huấn cho biết hợp đồng trong bộ luật dân sự có thể có hợp đồng bằng miệng và hợp đồng bằng văn bản.

Trường hợp của bà Nguyễn Bích Quy có thể chưa ký hợp đồng hoặc chỉ có hợp đồng bằng miệng nhưng đã thực hiện việc đưa đón trẻ, nghĩa là đã chấp thuận công việc và trong quá trình thực hiện công việc đó đã xảy ra trường hợp trẻ tử vong. Còn nguyên nhân trẻ tử vong, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ.

“Quan hệ giữa bà Quy với Công ty Ngân Hà và với Trường Gateway là quan hệ dân sự. Nhưng nội dung thực hiện công việc của bà Quy có thể dẫn đến hậu quả chết người là là quan hệ hình sự nên các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ trách nhiệm”, luật sư Huấn phân tích.

Cùng chung nhận định trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp – Công ty Luật Hoàng Sa phân tích: Trách nhiệm bà Quy là kiểm đếm, đón học sinh lên xe, sau đó cho học sinh xuống xe và bàn giao với nhà trường. Việc có hợp đồng hay không có hợp đồng không quá quan trọng, bà Quy đã thực hiện công việc này thì phải có trách nhiệm của mình. 

img

Quyết định khởi tố Bị can 

Luật sư Giáp cũng cho biết, Tội vô ý làm chết người được quy định tại  Điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, quy định tại Khoản 1, người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Với hành vi đang bị khởi tố, bà Quy có thể được tại ngoại. Tuy nhiên,  theo Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát có thể đưa ra biện pháp ngăn chặn đối tượng khi có dấu hiệu cho rằng, có thể bỏ trốn, khai báo gian dối không đúng sự thật… 

"Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp này,  Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy nhận thấy và cho rằng bà Quy có khai báo không thống nhất. Trước đó bà Quy nhận quên, sau khi có luật sư bào chữa lại khai báo đã giao đủ 13 cháu bé cho cô giáo và nhà trường.  Sau khi có Luật sư, bà Quy đã thay đổi lời khai so với trước đó, Cơ quan điều tra có thể nhận thấy bà Quy khai báo không thống nhất sẽ làm khó cho cơ quan điều tra. Do đó, cơ quan điều tra đã tách bà Quy ra với người thân và Luật sư để tạm giam. Việc tạm giam là vẫn phù hợp với  quy định của pháp luật" - luật sư Giáp cho hay.

Các luật sư cũng cho rằng, trong vụ việc này rất nhiều tình tiết cũng cần được cơ quan điểu tra làm rõ như camera của trường còn đầy đủ không, nếu hỏng là vì sao, chiếc áo mầu đỏ và rèm cửa xe lúc đóng lúc mở?

Tương tự như nhận định trên, luật sưTrần Tuấn Anh – Công ty Luật Minh Bạch cho rằng trách nhiệm của bà Nguyễn Bích Quy là đưa đón giao nhận, kiểm tra học sinh nhưng đã không thực hiện hết. Bà Quy nói mới làm 2 ngày nên không biết, nhưng pháp luật chỉ xác định đủ năng lực dân sự phải chịu trách nhiệm.

Khi thực hiện việc đưa đón học sinh, bà Quy đủ năng lực dân dự thì phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra. "Ở đây không quan tâm tới việc bà Quy có ký hợp đồng với nhà xe hay nhà trường bởi kể cả có hợp đồng hay không cũng không quan trọng vì bà Quy đã thực hiện công việc đưa đón và nhận thù lao cho công việc này thì phải chịu trách nhiệm với công việc của mình" - luật sư Tuấn Anh nhận định.

Bên cạnh đó, luật sư Tuấn Anh cho rằng việc tạm giam hay cho bị can tại ngoại là quyền của cơ quan điều tra. Nếu có chứng cứ để phục vụ công tác điều tra tốt hơn, cơ quan điều tra căn cứ là bà Quy thay đổi lời khai liên tục và  nhận thấy cần phải có biện pháp tạm giam để phục vụ tốt cho công tác điều tra là hoàn toàn phù hợp.

"Cơ quan tư pháp làm trên chứng cứ chứ không chịu áp lực trước dư luận xã hội nên tôi cho rằng quyết định tạm giam bà Quy không có chuyện bị tác động bởi mạng xã hội, báo chí hay luật sư" - luật sư Tuấn Anh cho hay.  

“Quan điểm của tôi cho rằng không phải vì báo chí, luật sư hay mạng xã hội mà dẫn tới bà Quy bị tạm giam. Luật sư làm việc theo quy định của pháp luật, luật sư tư vấn cho bà Quy như thế nào và bà Quy có nghe hay không vẫn là do quyền của bà Quy quyết định. Theo quan điểm của tôi là không có tác động nào của dự luận, cơ quan điều tra đã quyết định căn cứ vào quy định của pháp luật để tạm giam bà Quy là phù hợp”, luật sư Giáp nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem