Vì sao bà Trương Mỹ Lan có thể lũng đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Vì sao bà Trương Mỹ Lan có thể lũng đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Nguyễn Minh
Thứ bảy, ngày 25/11/2023 06:30 AM (GMT+7)
Sự vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan huy động tổng giá trị 30.081 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Tân Hoàng Minh phát hành 9 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.030 tỷ đồng… đến nay vẫn không có khả năng trả nợ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường tài chính Việt Nam.
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là bất động sản và ngân hàng
Theo thống kê của Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), tính đến cuối tháng 10/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có giá trị gần 336,8 nghìn tỷ đồng, tương đương đạt 12,6% GDP. Trong đó, ngân hàng và bất động sản là hai ngành phát hành lớn nhất, tương ứng 36% và 31%. Điều đáng nói, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, nhiều công ty được thành lập với mục đích chỉ để huy động vốn không có hoạt động kinh doanh đã phát hành trái phiếu ra thị trường. Cụ thể, năm 2021, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành hơn 500 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu của các công ty được thành lập với mục đích huy động vốn đạt 369 nghìn tỷ đồng.
Gần đây nhất, câu chuyện phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Vinam Land đã thu hút sự chủ ý của nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Cụ thể, Công ty CP Vinam Land thành lập vào tháng 5/2018 với vốn điều lệ 3,6 tỷ đồng và đến tháng 4/2023 đã tăng vốn điều lệ lên 490 tỷ đồng; tháng 05/2023 tiếp tăng vốn điều lệ lện 520 tỷ đồng. Đến tháng 6/2023 đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mã trái phiếu là VNLCH2329001 có giá trị 1.500 tỷ đồng, lãi suất 14%/năm. Trị giá lô trái phiếu này cao gấp 3 lần vốn điều lệ của công ty khiến không ít nhà đầu tư lo ngại sau cú sốc từ Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan và Tân Hoàng Minh.
Trái phiếu chậm trả gốc/lãi chủ yếu đến từ nhóm bất động sản, xây dựng và năng lượng tái tạo cùng với các công ty được thành lập chỉ để huy động vốn khiến nhà đầu tư lo ngại về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp và điều này ảnh hưởng tới chất lượng cũng như quá trình phát triển thị trường.
Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cho việc khắc phục chậm trả lãi trái phiếu, điều này đã mở "đường máu" cho nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn phương án khả thi để giải quyết tình trạng trả chậm là gia hạn trái phiếu. Nhiều tổ chức phát hành dã chủ động đàm phán gia hạn nợ để tránh rơi vào tình trạng chẩm trả gốc và lãi.
Theo ông Trần Lê Minh, Tổng Giám đốc VIS Rating, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước vào chu kỳ mới khi giá trị trái phiếu có rủi ro cao giảm dần trong vòng 12-18 tháng tới.
Cụ thể, giá trị trái phiếu có độ rủi ro cao trong quý 4 năm nay là 19.000 tỷ đồng; quý 1/2024 còn 8.000 tỷ đồng; quý 2/2024 là 13.000 tỷ đồng; quý 3/2024 là 13.000 tỷ đồng và quý 4/2024 là 9.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu ổn định từ tháng 7 vừa qua.
"Toàn bộ quy định trong Nghị định 65 (về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…) sẽ có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với các bên liên quan, khôi phục niềm tin của thị trường và mở đường cho thị trường chuyển sang chu kỳ mới bền vững hơn", ông Minh nói.
Tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ thanh toán trái phiếu sẽ đạt đỉnh vào năm 2024
Nhận định về thị trường trái phiếu năm 2024, ông Simon, Giám đốc khối xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating, cho hay năm 2022 – 2023 là thời kỳ thị trường trái phiếu "giảm tốc"/suy thoái. Năm nay là thời kỳ điều chỉnh sau giai đoạn phát triển nhanh trong một thời gian dài. Năm ngoái, những gì chúng ta thấy là cú sốc về thanh khoản trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đã tạo ra nhiều vấn đề cho các nhà phát hành, dẫn đến xu hướng lãi và gốc trái phiếu không được thanh toán đúng hạn. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, chúng tôi đưa ra 3 dự báo chính.
"Điểm đầu tiên, chúng tôi dự báo rằng tốc độ gia tăng các trái phiếu không được thanh toán lãi và gốc sẽ chậm lại. Xu hướng này chủ yếu đến từ môi trường lãi suất thấp do 4 lần cắt giảm của Ngân hàng Nhà nước giúp việc huy động vốn trở nên dễ dàng hơn. Chính phủ cũng có các biện pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế trong năm nay. Tuy nhiên, chúng ta cần thời gian để các biện pháp này có tác động tối đã đến thị trường. Năm 2024, các biện pháp này sẽ giúp cải thiện điều kiện kinh doanh tại các lĩnh vực có nhu cầu huy động vốn bằng trái phiếu. Sự tổng hòa những yếu tố này sẽ cải thiện điều kiện kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi dự báo rằng dòng tiền sẽ được ổn định, hỗ trợ khả năng thanh toán của nhiều đơn vị phát hành trái phiếu. Tốc độ gia tăng trái phiếu không được thanh toán sẽ giảm xuống trong năm 2024", ông Simon phân tích.
Nhận định thứ 2 là thị trường sẽ phát triển theo hướng kỷ luật và chặt chẽ hơn. Cụ thể, theo ông Simon, Bộ Tài chính đã có những sáng kiến mới, giúp cải thiện cách các nhà đầu tư, đơn vị phát hành trái phiếu và bên trung gian hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Từ năm 2024, các quy định còn lại trong Nghị định 65 sẽ chính thức có hiệu lực. "Điều này có nghĩa những bên phát hành trái phiếu sẽ phải công bố nhiều thông tin hơn và thường xuyên hơn. Những thông tin mới này đặc biệt quan trọng đối với nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa trên số liệu cụ thể. Theo đó, nhà đầu tư dựa vào thông tin được cung cấp khi ra quyết định và yêu cầu đối với các nhà đầu tư cũng sẽ cao hơn khi hoạt động trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp", ông Simon bình luận.
Nhận định thứ 3 là niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đần được khôi phục. Bên cạnh đó hoạt động phát hành sẽ dần phục hồi. Theo ông Simon, giá trị trái phiếu chậm thanh toán phát sinh mới sẽ giảm dần. Đây là những thay đổi tích cực giúp phục hồi niềm tin của cà nhà đầu tư và đơn vị phát hành vào thị trường trái phiếu. "Trong 2-3 tháng qua, hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi và nhiều doanh nghiệp bất động sản trờ lại thị trường trái phiếu. Tôi nghĩ rằng đây là những thông tin đáng mừng khi niềm tin với thị trường và tính thanh khoản tăng trở lại. Trong số các lĩnh vực, các ngân hàng sẽ là đầu tàu thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu", ông Simon nhận định.
Không mấy lạc quan, bà Wendy, Tổng giám đốc và Trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Moody's Investor Service, Thành viên HĐQT VIS Rating, cũng cho hay có 4 nhân tố, định hình trạng thái "bình thường mới" của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024. Sự chậm lại trong phát triển kinh tế và các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát. Hai yếu tố trên làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, làm bộc lộ các rủi ro mới.
"Ngoài lạm phát và lãi suất ngân hàng, chúng tôi dự báo năm 2024 sẽ có một số vấn đề lớn bao gồm sự dịch chuyển cấu trúc rủi ro khí hậu, các công nghệ mới và già hóa dân số sẽ tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh hiện nay", bà Wendy phân tích.
Nhân tố thứ 3 là các công ty cần phải thay đổi hoạt động để thích ứng những quy định mới, được đưa ra để giải quyết các áp lực kinh tế và xã hội. Nhân tố cuối cùng là sự chia rẽ giữa các cường quốc trên thế giới. Một số quốc gia sẽ điều chính chính sách công nghiệp và đầu tư. Đối với thị trường nội địa, điều này có nghĩa các quy định mới có thể được đưa ra chậm hơn.
"Từ 4 yếu tố này, chúng tôi tin rằng rủi ro tái cấp vốn đối với các tổ chức phát hành trái phiếu lãi suất cao sẽ tăng lên, tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ thanh toán trái phiếu sẽ đạt đỉnh ở mức 4,5 – 5% trong năm 2024, cao hơn mức trung bình dài hạn là 4%. Tuy nhiên, khi nhìn toàn cảnh, mức này vẫn thấp hơn con số 7% trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hoặc thậm chí là 13,4% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Moody's dự kiến các công ty có cấu trúc vốn nợ với lãi suất thả nổi, không phòng ngừa rủi ro, được xếp hạng B2 hoặc thấp hơn, đặc biệt trong các ngành có nhu cầu thấp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn", bà Wendy bình luận.
Với những diễn biến trên, để thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển lành mạnh và an toàn, các trái phiếu doanh nghiệp cần được xếp hạng tín nhiệm. Theo kinh nghiệm quốc tế, thị trường nào càng minh bạch, hoạt động xếp hạng tín nhiệm hoạt động tốt thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng phát triển, sí như thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Singapore chiếm 92% tỷ lệ được xếp hạng tín nhiệm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.