Vì sao BaoViet Bank “chây ì” nghĩa vụ lên sàn?

H.Anh Thứ tư, ngày 14/07/2021 07:30 AM (GMT+7)
Hiện đã quá hạn chót theo quy định, nhưng vẫn còn một số ngân hàng "phớt lờ", chưa đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Trong đó, BaoViet Bank là ngân hàng có tình hình tài chính công khai chậm trễ, kinh doanh “èo uột” và nợ xấu đáng lo.
Bình luận 0

BaoViet Bank "chây ì" nghĩa vụ lên sàn?

Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.

Trước đó, yêu cầu niêm yết đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng được đề ra tại Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.

Đến thời điểm hiện tại, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt và tính cả Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) sẽ lên sàn vào 20/7 này, chỉ còn 3 ngân hàng chưa niêm yết đó là: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Trong 3 ngân hàng này, ngoài SCB trong Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 7/12/2020 thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu trên HoSE chậm nhất vào năm 2025, thì với 2 ngân hàng còn lại là PVComBank và BaoViet Bank khá "dửng dưng" khi chưa lên sàn và cũng chưa công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn.

Vì sao BaoViet Bank “chây ì” nghĩa vụ lên sàn? - Ảnh 1.

BaoViet Bank "phớt lờ" quy định lên sàn?. (Ảnh: BaoViet Bank)

Đầu năm nay, thông tin về việc các cổ phiếu ngân hàng sẽ lên sàn trong năm 2021, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, nguồn cung đầu năm 2021 của thị trường sẽ dồi dào thêm ở 1 số ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với UBCKNN sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý I/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán được coi là bước tiến quan trọng giúp minh bạch hóa hoạt động, phát triển về mặt dài hạn của từng ngân hàng, giúp lành mạnh hóa hệ thống.

Đối với bản thân mỗi ngân hàng, việc niêm yết trên sàn sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng nhà đầu tư rộng rãi hơn, từ đó có nhiều điều kiện để tăng thêm vốn, không chỉ là từ các cổ đông hiện hữu, các nhà đầu tư cá nhân mà còn có thể thu hút cả những nhà đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh các ngân hàng đang phải "chạy đua" để đáp ứng tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định thì lên sàn sẽ là giải pháp hữu hiệu để tăng vốn.

"Mặc dù thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi, song có rất nhiều lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn, như sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém thì việc công bố thông tin hoạt động sẽ làm khó cho ngân hàng trong kinh doanh.

Hoặc có những ngân hàng vướng mắc về nợ xấu hay có nợ xấu lớn chưa được xử lý - chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại nếu lên sàn tại thời điểm này thì định giá cổ phiếu chưa tối ưu,…"TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tuy vậy, dù lý do có hợp lý đến đâu, theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nên yêu cầu các ngân hàng này phải có lộ trình niêm yết rõ ràng, thậm chí phải dùng biện pháp mạnh như xử phạt hành chính, không cho phép mở phòng giao dịch mới, cấp room tín dụng hạn chế… Đây cũng là động lực để các ngân hàng này tái cơ cấu mạnh mẽ hơn.

"Chây ì" lên sàn, BaoViet Bank kinh doanh thế nào?

Trong số 3 ngân hàng chưa chịu lên sàn, BaoViet Bank là ngân hàng có tình hình tài chính bí hiểm nhất. Báo cáo tài chính mới nhất mà ngân hàng này công bố là báo cáo quý I/2020 với kết quả kinh doanh "èo uột".

Cụ thể, BaoViet Bank ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong kỳ sụt giảm tới 68% với 2,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm liền trước ghi nhận gần 6,9 tỷ đồng.

Vì sao BaoViet Bank “chây ì” nghĩa vụ lên sàn? - Ảnh 3.

Quy mô vốn điều lệ tương đương, song lợi nhuận của BaoViet Bank đang bị Ngân hàng Bản Việt bỏ xa. (Đơn vị: tỷ đồng - Ảnh: LT)

Tổng tài sản của ngân hàng này cũng sụt giảm mạnh, xuống chỉ còn 47.690 tỷ đồng, tương ứng giảm 20% chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng của BaoViet Bank tuy có giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức trên 5%, cao hơn nhiều so với con số 3% của Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng thêm 10% so với đầu năm.

Chất lượng sử dụng nguồn tiền của BaoViet Bank cũng kém sáng trong quý đầu tiên của năm 2020. Theo đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 5.149 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 23,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm hơn 15,7 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm hơn 5.173 tỷ đồng,…

Trước đó, tại báo cáo tài chính năm 2019 tổng nợ xấu của BaoViet Bank tăng mạnh 26%, chiếm gần 1.292 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 25% lên hơn 188,7 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) hơn 209,3 tỷ đồng, tăng 38% và nợ có khả năng mất vốn tăng 24% lên mức gần 894 tỷ đồng.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tăng từ 3,98% lên mức 5,22% - cao nhất hệ thống.

Trong khi nợ xấu tăng phi mã thì ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 104 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 84 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 6% so với năm 2018.

Thậm chí, sau kiểm toán lợi nhuận trước thuế của BaoViet Bank còn ghi nhận tăng trưởng âm (giảm 3,5% so với năm 2018), chỉ còn 100 tỷ đồng.

Hiện, có cùng mức vốn điều lệ tương đương với BaoViet Bank (trên 3.100 tỷ đồng), song Ngân hàng TMCP Bản Việt trong những năm gần đây liên tục ghi nhận tăng trưởng dương về lợi nhuận, từ mức chỉ lãi trước thuế gần 37 tỷ đồng năm 2017, các năm tiếp theo 2018 đến năm 2020 lợi nhuận mà Bản Việt có được lần lượt đạt 116 tỷ đồng; 158 tỷ đồng và 201 tỷ đồng - cao hơn nhiều so với con số lợi nhuận của BaoViet Bank.

Riêng quý I/2020, Ngân hàng Bản Việt lãi trước thuế 48 tỷ đồng, bỏ xa khoản lãi trước thuế 2,7 tỷ đồng của BaoViet Bank.

Một trường hợp khác, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Mã: SGB) vốn điều lệ (3.080 tỷ đồng cuối năm 2020) và tổng tài sản (23.942 tỷ đồng) - thấp hơn so với vốn điều lệ và tổng tài sản của BaoViet Bank song nhà băng này năm 2019 có kết quả kinh doanh tích cực hơn so với BaoViet Bank với lợi nhuận trước thuế 181 tỷ đồng.

Năm 2020, Sài Gòn Công thương tiếp tục báo lãi trước thuế 121 tỷ đồng, trong đó quý I/2020 lợi nhuận trước thuế đạt 48,3 tỷ đồng và tiếp tục tăng trưởng dương trong quý I năm nay (đạt trên 53 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương đã lên sàn chứng khoán vào tháng 10/2020 với mã SGB. Hiện SGB đang giao dịch quanh mức 17.400 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem