Vì sao Bình Định chưa thể xây bảo tàng 700 tỷ đồng trên khu "đất vàng" 86 Lê Duẩn?

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 15/01/2025 07:10 AM (GMT+7)
Từ năm 2023, HĐND tỉnh Bình Định đã có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng tỉnh Bình Định với tổng vốn 700 tỷ đồng, giao UBND tỉnh triển khai tại khu đất 86 Lê Duẩn, TP. Quy Nhơn (thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2028). Nhưng đến nay, khu đất này vẫn chưa xong phương án giải phóng mặt bằng.
Bình luận 0

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Định trên khu đất 86 Lê Duẩn, được UBND tỉnh Bình Định xác định, là một trong những công trình trọng điểm, chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. 

Tuy nhiên, thời gian qua, việc điều chuyển tài sản công liên quan đến khu đất này, gặp nhiều vướng mắc, chưa thể hoàn thành.

Điều chuyển tài sản công trên "đất vàng"...gặp nhiều vướng mắc

Khu "đất vàng" 86 Lê Duẩn (TP. Quy Nhơn) rộng gần 1,3 ha, ngoài là trụ sở Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, thì lâu nay phần lớn diện tích được dành cho việc kinh doanh quán cà phê. 

Ông Hà Duy Trung, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Định, cho biết trên khu đất 86 Lê Duẩn, trước đây, các đơn vị kinh doanh quán cà phê đã ký kết hợp đồng thuê tài sản để kinh doanh, dựa trên đề án được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt. Đến nay, hợp đồng thuê này, đã hết hạn. 

Tuy nhiên, để tránh lãng phí tài sản công, Liên đoàn lao động tỉnh đã xin ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho thuê theo ngày (dưới 30 ngày). 

Đến khi, UBND tỉnh Bình Định thu hồi khu đất 86 Lê Duẩn, thì các đơn vị thuê tự động chấm dứt kinh doanh, trả lại mặt bằng cho tỉnh. Về việc này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể.

"UBND tỉnh Bình Định và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất phương án UBND tỉnh sẽ thu hồi khu đất 86 Lê Duẩn, để xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Định. Khi có quyết định thu hồi, các hộ kinh doanh trên khu đất này chấm dứt ngay hoạt động, để trả lại mặt bằng, không yêu cầu bồi thường", ông Trung nói.

Vì sao Bình Định chưa thể xây bảo tàng 700 tỷ đồng trên khu "đất vàng" 86 Lê Duẩn?- Ảnh 1.

Khu "đất vàng" 86 Lê Duẩn (TP.Quy Nhơn), ngoài là trụ sở Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, thì lâu nay phần lớn diện tích được dành cho việc kinh doanh quán cà phê. Ảnh: Dũ Tuấn.

Từ năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Tài chính có quyết định điều chuyển cơ sở nhà, đất của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định tại số 2 đường Phan Đình Phùng, TP. Quy Nhơn cho Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, làm cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Ở chiều ngược lại, Bình Định đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính điều chuyển cơ sở nhà, đất của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định tại số 86 Lê Duẩn, TP. Quy Nhơn cho UBND tỉnh Bình Định, để bố trí xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, việc điều chuyển, tiếp nhận 2 cơ sở nhà, đất nêu trên gặp nhiều vướng mắc, nên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo Luật Đất đai năm 2024, cơ sở nhà, đất tại số 86 Lê Duẩn thuộc trường hợp thu hồi đất, nên UBND tỉnh Bình Định và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất, xử lý theo hình thức thu hồi đất, không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất này, theo quy định về tài sản công.

Bình Định xin ý kiến quyết định từ Bộ Tài chính

Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện vị trí công trình Bảo tàng tỉnh Bình Định đặt tại số 86 Lê Duẩn, còn Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định đặt tại số 2 Phan Đình Phùng.

Hiện, UBND tỉnh Bình Định đã xác định việc đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Bình Định trên khu đất số 86 Lê Duẩn, là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

HĐND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng tỉnh Bình Định và bố trí vốn đầu tư công tại Nghị quyết số 87/NQ-HĐND ngày 6/12/2023; thông qua việc thu hồi đất tại khu đất 86 Lê Duẩn, để thực hiện dự án Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Theo Nghị quyết số 87/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND tỉnh Bình Định, dự án Bảo tàng tỉnh Bình Định có tổng mức vốn đầu tư 700 tỷ đồng, được thực hiện trong 4 năm (từ năm 2024 - 2028).

Bình Định dùng vốn ngân sách tỉnh giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, để thực hiện dự án. Nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025: Đã bố trí 75 tỷ đồng (Kế hoạch vốn được HĐND tỉnh khóa XIII thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 14/7/2023), ưu tiên thực hiện triển khai xây dựng các hạng mục chính, các hạng mục hạ tầng ngoài nhà.

Trong quá trình điều hành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, sẽ rà soát nguồn vốn của các dự án không sử dụng hết trong giai đoạn hoặc chưa giải ngân hết theo tiến độ cam kết để điều chuyển bổ sung cho dự án hoặc bổ sung vốn từ nguồn vốn trung hạn, khi có bổ sung nguồn.

Nguồn vốn giai đoạn 2026 - 2030: Bố trí nhu cầu vốn còn lại của dự án để triển khai hoàn thành công trình.

Vì sao Bình Định chưa thể xây bảo tàng 700 tỷ đồng trên khu "đất vàng" 86 Lê Duẩn?- Ảnh 2.

Bảo tàng Bình Định tại khu đất 26 Nguyễn Huệ, sẽ được xây dựng mới tại 86 Lê Duẩn (TP.Quy Nhơn). Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, cơ sở nhà, đất cũ của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định tại số 2 Phan Đình Phùng, đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hình thức điều chuyển cho Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định, tại Quyết định số 294/QĐ-UBND ngày 1/2/2023.

Hiện nay, cơ sở nhà, đất nêu trên đang dôi dư, để trống do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định đã được bố trí trụ sở mới tại số 1 Nguyễn Tất Thành, TP. Quy Nhơn.

Để việc quản lý, sử dụng tài sản công đem lại hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy hoạch, ngày 7/1, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Tài chính đồng ý điều chuyển tài sản công là cơ sở nhà, đất cũ của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định sang cho Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định. Với lý do, việc điều chuyển tài sản mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, đã giao UBND TP. Quy Nhơn chủ trì việc xây dựng kế hoạch lập thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất đối với cơ sở nhà, đất số 86 Lê Duẩn, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 1.

Bảo tàng Bình Định di dời, khu đất 26 Nguyễn Huệ dùng vào việc gì?

Bảo tàng tỉnh Bình Định hiện đang ở khu đất 26 Nguyễn Huệ (TP. Quy Nhơn), có vị trí gần biển và nhiều toà nhà, khách sạn lớn.

Trước đó, cử tri đã gửi kiến nghị đến Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII đề nghị tỉnh này xem xét, vì "có dư luận thông tin UBND tỉnh chủ trương dời Bảo tàng Bình Định về Nhà văn hóa Lao động tỉnh, đồng thời giao mặt bằng Bảo tàng cho Tòa nhà TMS (28 Nguyễn Huệ) làm điểm đậu đỗ xe"?.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã phản bác "tin đồn" này, và phản hồi: "Đến nay, chưa có chủ trương giao mặt bằng Bảo tàng Bình Định cho Tòa nhà TMS (28 Nguyễn Huệ) làm điểm đậu đỗ xe".

Theo đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, 12 phường nội thành TP. Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 6/5/2020, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 21/02/2023, thì vị trí khu đất Bảo tàng Bình Định (ký hiệu D3.9) được định hướng chức năng sử dụng đất là đất trường học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem