Trả lời phóng viên, Trưởng BTC V.League, ông Nguyễn Minh Ngọc xác nhận đã nhận được văn bản của S.Khánh Hòa và “BTC sẽ ngồi lại với Ban trọng tài, đồng thời xem xét đề nghị đá lại của S.Khánh Hòa”.
Có thể hiểu, BTC V.League để ngỏ khả năng chấp nhận yêu cầu từ phía S.Khánh Hòa.
Kết thúc trận đấu tại sân 19/8, cầu thủ S.Khánh Hòa đã phản ứng rất mạnh với tổ trọng tài. Ảnh: Bá Duy.
Trước đó, ngay sau sự cố trên sân 19/8, Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi cho biết Ban trọng tài đang chờ băng ghi hình để xem xét và xử lý cho chính xác. Nhưng, ông Mùi cũng nói: “Trên tinh thần, trọng tài đã không nhận định chính xác… Không có quy định nào về việc chơi fair-play”.
Trong cuộc trao đổi, ông Mùi cũng nói tình huống bàn thắng của S.Khánh Hòa bắt đầu từ quả ném biên là hợp lệ.
Còn nhân vật chính, trọng tài Phùng Đình Dũng, chia sẻ trên Vnexpress về quyết định của mình: “Đầu óc tôi lúc đó cứ nghĩ phải chơi fair-play, rồi tôi nhầm tình huống này với tình huống trọng tài tung bóng, cầu thủ của đội nào đó chơi không đẹp, đá ghi bàn ngay thì tôi được quyền không chấp nhận bàn thắng. Giá như tôi phát hiện mình sai ngay sau đó thì còn sửa kịp...”
Trọng tài Phùng Đình Dũng đã rất kiên quyết từ chối bàn thắng của Uche. Ảnh: Bá Duy.
Yêu cầu đá lại của S.Khánh Hòa có hy vọng?
Trong các điều luật của FIFA không quy định rõ ràng, nếu trọng tài điều hành trận đấu sai luật hoặc mắc lỗi nhận định ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ số, kết quả và thứ hạng của các đội bóng, BTC giải phải tổ chức lại trận đấu đó.
Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sửa đổi năm 2015 (đang áp dụng cho mùa giải 2016) ở Điều 55. “Tổ chức tiếp hoặc tổ chức lại trận đấu” cũng không nêu rõ, việc trọng tài không công nhận bàn thắng hợp lệ vì sai luật thì phải tổ chức lại trận đấu.
Tuy nhiên, với sai sót như trọng tài Phùng Đình Dũng khi không công nhận bàn thắng hợp lệ của S.Khánh Hòa ghi vào lưới QNK.Quảng Nam ở phút 90+1, BTC giải hoàn toàn có thể xem xét, đánh giá mức độ quan trọng để tổ chức lại trận đấu.
“Quyết định của trọng tài Phùng Đình Dũng không nằm ở lỗi nhận định như các trọng tài khác thường mắc phải. Đây là điều hành trận đấu sai luật, không công nhận bàn thắng hợp lệ. Và nếu căn cứ vào những yếu tố như ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, thứ hạng các đội bóng, BTC giải buộc phải tiến hành tổ chức lại trận đấu đó”, một trọng tài (xin không nêu tên) đang hành nghề tại V.League cho biết.
Tiếp tục đặt câu hỏi với vị trọng tài này về rất nhiều trường hợp khác ở V.League và cụ thể là quả 11m tưởng tượng của trọng tài Hà Anh Chiến trong trận Thanh Hóa-SLNA ở vòng 9 V.League 2016.
“Chúng ta phải rõ ràng và rành mạch ở tình huống không công nhận bàn thắng giữa S.Khánh Hòa - QNK.Quảng Nam với các pha tranh cãi đã diễn ra trong thời gian qua. Bởi quyết định đưa điểm phạm lỗi từ ngoài vòng cấm vào trong để phạt 11m của trọng tài Hà Anh Chiến chỉ đơn thuần là lỗi nhận định.
Nếu là lỗi nhận định, thì trong quy chế, điều lệ của giải đấu quy định rất rõ. Các đội bóng không được quyền khiếu nại các tình huống dẫn đến bàn thắng, việt vị hay không việt vị và bàn thắng hay không bàn thắng.
Còn pha ghi bàn trên sân 19/8 ở Nha Trang, đó là bàn thắng hợp lệ đã được luật, quy chế, điều lệ công nhận. Vậy nên, lỗi của trọng tài Phùng Đình Dũng là không nắm được luật, điều khiển trận đấu sai luật làm ảnh hưởng tới kết quả trận đấu và thứ hạng các đội bóng khác.
Và nếu nhìn ở khía cạnh này, trận đấu trên sân 19/8 ở Nha Trang phải được tổ chức lại”, tiếp lời vị trọng tài trên.
Bóng đá thế giới đã có tiền lệ đá lại
Trong khuôn khổ vòng loại giải Vô địch U19 nữ châu Âu hồi tháng 4 năm ngoái đã xảy ra sự cố giữa trận U19 Anh gặp U19 Na Uy tại Belfast.
Khi trận đấu bước vào phút bù giờ cuối cùng, phút thứ 6, thời điểm kết quả đang là 2-1 nghiêng về Na Uy, các cô gái Anh được hưởng penalty. Leah Williamson đã thực hiện quả phạt đền thành công, nhưng trọng tài Marija Kurtes không công nhận bàn thắng vì một cầu thủ Anh xâm nhập vòng cấm trước khi Williamson chạm bóng. Na Uy sau đó bảo toàn được chiến thắng 2-1.
Hai trường hợp của U19 nữ Anh và Uzbekistan nằm ở Luật 14 trong Các điều luật trận đấu của FIFA:
-Nếu một thành viên của đội bị thổi penalty xâm nhập vòng cấm trước khi cầu thủ đá phạt đền chạm bóng, và đá thành công thì trọng tài phải công nhận bàn thắng. Nếu không vào, phải thực hiện lại.
-Nếu một cầu thủ của đội được hưởng penalty mắc lỗi, và pha đá phạt đền thành công thì phải thực hiện lại. Nếu không vào, đội bị thổi phạt đền được hưởng quả phạt gián tiếp.
|
Theo luật, trọng tài Kurtes phải cho U19 nữ Anh đá lại penalty. Nói cách khác, nữ trọng tài này quyết định không đúng luật và UEFA sau đó cho trận đấu được đá lại từ thời gian U19 Anh đá phạt đền, tức trận đá lại chỉ diễn ra vỏn vẹn 18 giây.
Năm 2005, FIFA cũng quyết định cho đá lại một trận đấu cũng vì sự cố tương tự.
Đó là trận play-off lượt đi vòng loại World Cup 2006 khu vực châu Á giữa Uzbekistan và Bahrain. Khi Uzbekistan đang dẫn 1-0, họ được hưởng một quả penalty và thực hiện thành công. Nhưng trọng tài chính Toshimitsu Yoshida đã không công nhận bàn thắng vì một cầu thủ Uzbekistan lao vào vòng cấm trước khi đồng đội đá phạt, và cho Bahrain đá phạt lên.
Trọng tài Marija Kurtes đã mắc "lỗi kỹ thuật" trong trận U19 nữ Anh và U19 nữ Na Uy.
Trận đấu kết thúc với chiến thắng 1-0 của Uzbekistan nhưng LĐBĐ Uzbekistan vẫn nộp đơn kháng cáo về quyết định của trọng tài Yoshida và muốn FIFA xử Bahrain thua 0-3.
Nhưng FIFA, khác với trường hợp U.19 nữ Anh, lại ra phán quyết trận đấu phải đá lại từ đầu bất chấp sự phản đối dữ dội từ Uzbekistan, kể cả yêu cầu đá lại từ phút 38 của LĐBĐ nước này – thời điểm họ được hưởng penalty. Trận đá lại kết thúc với tỷ số hòa 1-1.
Vì sao phải đá lại?
Hai phán quyết của UEFA và FIFA về trận đá lại khác nhau thời gian và đối tượng (một đội đang bất lợi, còn một đội đang có lợi thế), nhưng có chung một lý do mà như thông báo phát đi từ FIFA là “Lỗi kỹ thuật” của trọng tài.
“Trọng tài đã phạm lỗi kỹ thuật do vậy trận đấu cần phải đá lại” – Tiểu ban điều tra do FIFA thành lập đưa ra phán quyết về trận đấu giữa Uzbekistan và Bahrain.
“Lỗi kỹ thuật” là gì?
Trên trang Asktheref.com, một trọng tài giải thích: “Lỗi kỹ thuật là lỗi của trọng tài khi áp dụng luật trên sân, không phải bị ảnh hưởng tâm lý”.
Đội thiệt thòi vì sai lầm của trọng tài có thể kháng cáo yêu cầu điều tra. Một khi lỗi của trọng tài được chứng minh là “lỗi kỹ thuật” thì BTC sẽ đưa ra quyết định dựa trên quy tắc riêng của giải đấu và/hoặc quy tắc Liên đoàn và/hoặc quy tắc FIFA.
Tại sao trận đấu giữa S.Khánh Hòa và QNK.Quảng Nam phải đá lại?
Với thừa nhận về sai lầm của các nhân vật có liên quan, S.Khánh Hòa có thể chờ đợi yêu cầu của họ được BTC V.League chấp nhận.
Nhưng dù căn cứ và đưa ra một số dẫn chứng cụ thể cũng như thực tế nhưng cũng theo vị trọng tài chia sẻ ở trên, trận đấu giữa S.Khánh Hòa BVN – QNK.Quảng Nam được tổ chức lại còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
“Do quy chế và điều lệ V.League không có quy định rõ ở trường hợp trọng tài điều khiển trận đấu sai luật, BTC giải phải tổ chức lại trận đấu. Nên cũng rất khó để công văn xin đá lại của S.Khánh Hòa BVN được chấp thuận.
Tuy nhiên, luật luôn luôn có kẽ hở và BTC giải phải hoàn thiện ngay trong thời điểm giải đấu đang diễn ra để tạo sân chơi công bằng cho các đội tham dự. Cũng như trường hợp BTC giải cấm CĐV T.Quảng Ninh mang loa vào sân, điều này không hề có trong quy chế và điều lệ giải đấu nhưng họ vẫn bổ sung và thay thế được.
Vậy nên, ở trường hợp này, nếu muốn tổ chức lại trận đấu, BTC giải buộc phải sửa đổi quy chế, điều lệ giải đấu vì chính Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi và trọng tài Phùng Đình Dũng đã nhận làm sai luật. Sau đó, BTC giải phải tổ chức lại trận đấu”, tiếp lời trọng tài đang hành nghề ở V.League.
Cũng có một giả thiết nữa được chỉ ra, để trận đấu không phải tổ chức lại nhưng trong trường hợp nếu trận đấu này diễn ra vào cuối mùa giải và kết quả không ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng các đội, BTC không nhất thiết phải tổ chức lại trận đấu. Tuy nhiên, đây là thời điểm các đội đang cạnh tranh quyết liệt đến các vị trí trên BXH, nên BTC giải chắc chắn phải xem xét việc tổ chức lại trận đấu.
Quỳnh Mai-Trúc An (Webthethao)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.