Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chuyên gia nói về giá vé máy bay.
Đánh giá về việc giá trần vé máy bay đang kìm hãm sự tăng trưởng của hãng hàng không, đại diện các hãng hàng không, chuyên gia đều bày tỏ quan điểm kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay nội địa nhằm đảm bảo đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.
Nói về giá trần vé máy bay, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào.
Ông Quân cho rằng: "Bỏ giá trần vé máy bay với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác".
"Bỏ giá trần vé máy bay hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng," ông Quân nhấn mạnh.
Về phía hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hiện khung giá vé máy bay được quy định bởi Luật Hàng không và có giá trần giá sàn.
"Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015. Từ đó đến nay, dù các hãng hàng không đều phải báo cáo giải trình giá thành các yếu tố đầu vào thay đổi như thế nào, có những kiến nghị điều chỉnh trần giá vé nhưng tuyệt nhiên giá vẫn đóng khung từ đó đến giờ," ông Thành ngan ngán nói.
Theo quan điểm của ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, giá trần vé máy bay còn tồn tại đến nay là sự vô lý khủng khiếp và cần chấm dứt càng sớm càng tốt.
Lý giải điều này, ông Nam dẫn chứng, trên thế giới không nước nào quản lý giá vé máy bay bằng giá trần (đơn cử như Thái Lan, Indonexia, riêng Trung Quốc thì Nhà nước phê duyệt giá vé máy bay, không có hàng không giá rẻ nên không có giá trần…).
"Giá trần vé máy bay đã tước đi các hãng bay cơ hội về tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm (giai đoạn Hè vào tháng 6 - 7 và dịp Tết chỉ cao điểm 1 chiều)", ông Nam bày tỏ quan điểm.
"Nếu bỏ giá trần vé máy bay thì các hãng hàng không cải thiện được các giai đoạn thấp điểm. Giá trần vé máy bay kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa vì thị trường này hoàn toàn không phụ thuộc vào giá vé đắt. Quan điểm là sửa Luật, Nghị định bỏ trần giá vé cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường," ông Nam nói.
Đồng quan điểm với những ý kiến nêu trên, ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: "Giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường bởi giá hàng hóa thông thường niêm yết giá và mặc cả được, còn mua vé máy bay đến khi mua mới biết giá bao nhiêu".
Ông Đạt nhìn nhận giá dịch vụ hàng không xét phương diện cấu trúc giá vé máy bay phức tạp hơn rất nhiều khi phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê tàu bay, nhân lực, biến động tỷ giá…
Theo ông Đạt, rất ít nước trên thế giới áp giá sàn và trần vé máy bay, sớm hay muộn nên bỏ giá trần vé máy bay và có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân.
"Cơ chế quản lý giá vé máy bay có yếu tố đặc thù nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không ổn định lâu dài bền vững," ông nói.
Trong khi đó, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương đưa ra chính kiến nên có một Ủy ban độc lập về quản lý hàng không.
Trong đó, có các thành viên độc lập chịu trách nhiệm về pháp lý trên cơ sở đó các hãng có đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời hơn so với thị trường thế giới để phản ánh đúng đủ các biến số đầu vào như giá xăng dầu bay, biến động của tỷ giá.
"Đơn cử như cơ chế giá xăng dầu đã có sự điều chỉnh giữa liên Bộ Tài chính và Công Thương", ông Doanh nêu ý kiến.
Theo ông Doanh, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét có sự điều chỉnh thích nghi để cơ chế quản lý giá bám sát với thị trường, phản ánh diễn biễn của thị trường, là công cụ cạnh tranh của các hãng bay. Với nỗ lực của Nhà nước, thay đổi cơ chế điều chỉnh giá, tới đây kỳ vọng tình hình thị trường hàng không có cải thiện và tiến bộ mới.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đông tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng: "Bỏ giá trần vé máy bay cần có điều kiện. Giá cả và các yếu tố cấu thành giá thay đổi nhanh, nếu áp giá trần vé máy bay không điều chỉnh kịp"
TS. Lực cho hay, thị trường hàng không đã và đang cạnh tranh hơn nhiều so với trước đây. Nên xem xét đầy đủ và khách quan hơn vì giá cả theo thị trường và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Hiện nay, dự thảo Luật giá không đưa giá vé vào Luật giá điều tiết. Cơ chế giá cho thị trường cần công khai minh bạch hơn, quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng bay để xứng đáng với đồng tiền khách bỏ ra, nên có nhiều loại ra vé khác nhau để hợp tùng túi tiền phân khúc bay; các vấn đề về quản trị chi phí rủi ro, tái cơ cấu, chuyển đổi số cần phải quyết liệt và minh bạch hơn.
Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá vé 1,6-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ 3 hãng trở lên sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.