Góc Nguyễn Lưu: Vì sao các môn truyền thống của Campuchia trở thành “mỏ vàng” của Việt Nam?

Nguyễn Lưu Thứ năm, ngày 11/05/2023 13:06 PM (GMT+7)
Tại SEA Games 32, Campuchia đã đưa vào danh sách thi đấu chính thức một số môn truyền thống của họ. Tuy nhiên, các đội tuyển của đoàn thể thao Việt Nam mới tạo ấn tượng khi giành rất nhiều HCV tại các môn độc lạ này.
Bình luận 0

Thể thao Việt Nam rất mạnh về võ, cờ

SEA Games 32 là lần đầu tiên có 4 môn có trong danh sách tranh tài gồm cờ ốc (ouk chaktrang), Kun Bokator, Kun Khmer và Jet Ski. Việt Nam không tham dự môn Jet Ski nhưng đã và đang tạo ấn tượng cực mạnh ở 3 môn còn lại.

Mục tiêu của Campuchia không chỉ là quảng bá những môn thể thao truyền thống của họ. Nước chủ nhà SEA Games 32 đương nhiên rất muốn giành được nhiều ngôi quán quân để hoàn thành mục tiêu giành hơn 100 HCV mà họ đã đề ra.

Góc Nguyễn Lưu: Vì sao các môn truyền thống của  Campuchia trở thành “mỏ vàng” của Việt Nam? - Ảnh 1.

Phạm Thanh Phương Thảo cùng đồng đội Tôn Nữ Hồng Ân đã giành HCV cờ ốc nội dung cờ tiêu chuẩn đồng đội nữ 2 người. Ảnh: Lê Đức

Để thi đấu được những môn như cờ ốc, Kun Bokator hay Kun Khmer, các VĐV của Việt Nam thực tế là các kỳ thủ cờ vua, võ sĩ Muay Thái đã phải tìm cách "phổ cập" luật thi đấu. Thời gian được rèn luyện những môn này rất ngắn, nhưng điều đó không ngăn cản các VĐV của chúng ta giành được nhiều HCV.

Môn cờ ốc thực tế có quy định không khác biệt quá nhiều với cờ vua. Ở môn cờ, chúng ta có những kỳ thủ rất tài năng và việc giành 2 HCV là điều không quá ngạc nhiên.

Đặc biệt, với môn Kun Bokator, Việt Nam lập đại công với 6 tấm HCV. Đây là thành tích vượt chỉ tiêu đề ra trước khi đội tuyển Việt Nam của môn thể thao này tham dự SEA Games 32. Có trận đấu, võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Tiền của Việt Nam còn  dồn ép khiến đối thủ của Campuchia phải… bỏ chạy để giành HCV đầy thuyết phục.

Việc ĐT Kun Bokator Việt Nam thắng 6/9 trận chung kết đối kháng khiến CĐV Việt Nam nức lòng. Chúng ta đứng thứ hai toàn đoàn sau Campuchia, nhưng trên thực tế là Kun Bokator đã không tham dự các nội dung biểu diễn. Vì vậy, thành tích này càng đáng trân trọng.

Góc Nguyễn Lưu: Vì sao các môn truyền thống của  Campuchia trở thành “mỏ vàng” của Việt Nam? - Ảnh 2.

Kun Bokator dù không có nhiều thời gian làm quen nhưng đã vượt chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 32. Ảnh: Lê Giang

Ở môn Kun Khmer chuẩn bị thi đấu chiều nay (11/5), Việt Nam đã có 5 võ sĩ giành quyền vào chung kết. Nếu thi đấu tốt, chúng ta hoàn toàn có thể đạt hoặc vượt chỉ tiêu 2 HCV.

Nếu phân tích rộng hơn, Việt Nam ngoài thế mạnh về cờ còn luôn chơi hay ở các môn võ dù đó là môn truyền thống của bất kỳ quốc gia nào. Trước Kun Bokator và Kun Khmer, thể thao Việt Nam luôn giành nhiều HCV ở các môn võ như Pencak Silat, Arnis, Kurash. Do vậy, đây là thành công lớn thể hiện phẩm chất xuất sắc có tính tiếp nối của thể thao Việt Nam trong nhiều kỳ đại hội chứ không chỉ bất ngờ xuất hiện tại SEA Games 32.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem