Vì sao chính sách thu hút bác sĩ về tuyến huyện ở Quảng Trị không hiệu quả?

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 07/12/2024 13:00 PM (GMT+7)
Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho biết chính sách thu hút bác sĩ về tuyến huyện chậm triển khai, thiếu hấp dẫn và kém hiệu quả.
Bình luận 0

Ngày 7/12, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng, cho biết sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 166/2021 ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo đội ngũ viên chức sự nghiệp y tế công lập của tỉnh Quảng Trị, địa phương này chỉ mới thu hút được 4 bác sĩ về tuyến huyện, đạt tỷ lệ 4% so với kế hoạch.

Chính sách thu hút bác sĩ ở Quảng Trị không hiệu quả- Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng, cho biết chính sách thu hút bác sĩ ở Quảng Trị không hiệu quả vì nhiều nguyên nhân. Ảnh: N.V.

Cụ thể, năm 2022, Quảng Trị thu hút được 2 bác sĩ, năm 2023 và 2024, mỗi năm chỉ thu hút được 1 bác sĩ về tuyến huyện công tác. Đến nay, việc thanh toán chế độ hỗ trợ theo chính sách thu hút cho 4 bác sĩ này vẫn chưa được thực hiện.

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 745 bác sĩ/659.214 dân, đạt tỉ lệ 11,3 bác sĩ/1 vạn dân.

Lý giải nguyên nhân, ông Hùng cho biết, hiện nay, để học tập, trở thành bác sĩ, mỗi người cần bỏ ra gần 1 tỷ đồng. Vì vậy, khi trở thành bác sĩ, họ phải tìm nơi làm việc có thu nhập cao để ít nhất là thu hồi số vốn đã bỏ ra trong quá trình học tập.

Theo nghị quyết 116, bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến huyện, tuyến xã: bác sĩ chuyên khoa cấp I, thạc sĩ y học, bác sĩ nội trú, bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại xuất sắc 300 triệu đồng; bác sĩ đa khoa đào tạo hệ chính quy tốt nghiệp loại giỏi (trừ trường hợp được thu hút, tuyển dụng vào công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh) 250 triệu đồng; tốt nghiệp loại khá được hỗ trợ 200 triệu đồng; tốt nghiệp loại trung bình khá được hỗ trợ 150 triệu đồng và được hỗ trợ 100 triệu đồng khi tốt nghiệp loại trung bình.

Chính sách thu hút bác sĩ ở Quảng Trị không hiệu quả- Ảnh 2.

Chính sách thu hút bác sĩ ở Quảng Trị cần được nghiên cứu theo hướng tăng sức hấp dẫn. Ảnh: N.V

Ngoài ra, các bác sĩ được thu hút công tác trong lĩnh vực điều trị và dự phòng tại các tuyến trong ngành y tế được hưởng phụ cấp đãi ngộ hằng tháng từ 0,5-1,0 mức lương cơ sở/tháng, tùy theo tuyến.

Người được hưởng chính sách thu hút sẽ nhận tiền một lần hoặc nhiều lần tuỳ theo nguyện vọng cá nhân; đồng thời phải cam kết công tác tại tỉnh Quảng Trị tối thiểu 10 năm.

Trong thời gian cam kết, nếu không chấp hành sự phân công công tác của tổ chức, bị kỷ luật buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, 2 năm công tác liên tục bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, tự ý bỏ việc thì phải bồi thường gấp 2 lần tiền nhận từ chính sách thu hút.

Theo ông Hùng, chính sách thu hút này chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, mức lương và phụ cấp của y tế công lập hiện nay thấp hơn nhiều so với y tế tư nhân, chưa đảm bảo ổn định cuộc sống cho cán bộ y tế… là nguyên nhân dẫn đến việc thu hút bác sĩ về tuyến huyện ở Quảng Trị chưa hiệu quả.

Theo ông Hùng, thời gian tới, nếu Quảng Trị thực hiện Thông tư 32/TT/BYT của Bộ Y tế về việc giao Trung tâm Y tế cho UBND cấp huyện quản lý thì việc thu hút bác sĩ về tuyến huyện còn khó khăn hơn nhiều.

Chính sách thu hút bác sĩ ở Quảng Trị không hiệu quả- Ảnh 3.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang cho biết, nhân lực y tế là nhân lực đặc biệt, cần chính sách thu hút và chính sách tạo nguồn để thu hút. Ảnh: N.V

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang cho biết, nhân lực y tế là nhân lực đặc biệt, cần nhiều thời gian để đào tạo. Thế nhưng, hiện nay Quảng Trị mới có chính sách thu hút, chưa có chính sách tạo nguồn để thu hút.

Giải thích rõ hơn, ông Quang cho hay, một em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chật vật ngược xuôi, nỗ lực vượt khó học tập suốt 7 năm mới đủ đức, đủ tài để trở thành bác sĩ. Trong 7 năm vất vả đó, chính sách địa phương chưa ban hành để hỗ trợ cho sinh viên học tập.

Khi em sinh viên đó thành tài, trở thành bác sĩ thì chính sách mới ban hành. Với mức hỗ trợ cao nhất 300 triệu đồng cho một bác sĩ tốt nghiệp loại xuất sắc là chưa hấp dẫn. Bởi lẽ, hiện nay nhiều cơ sở dịch vụ y tế thu hút bác sĩ với mức lương cao và chế độ đãi ngộ cao hơn.

"Khi em sinh viên đó đã trở thành bác sĩ sẽ có tâm lý chung là không cần nhận 300 triệu đồng hỗ trợ để rồi bị ràng buộc 10 năm công tác. Ở đâu cũng phục vụ đất nước, bác sĩ sẽ chọn nơi có thu nhập cao hơn để làm việc là điều đương nhiên. Vì vậy, chúng ta phải đánh giá lại chính sách thu hút, nếu tiếp tục như hiện nay là không ổn" – ông Quang nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem