Vì sao cựu đại úy Lê Thị Hiền không trực tiếp “dí bill” nhưng vẫn bị truy tố tội cướp tài sản?

Quang Trung Thứ tư, ngày 23/03/2022 11:28 AM (GMT+7)
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tại sao cựu đại úy Lê Thị Hiền không trực tiếp "dí bill" ép khách hàng nhưng vẫn bị truy tố về tội cướp tài sản? Chuyên gia pháp lý đã có phân tích về việc này.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, cựu đại úy Công an Lê Thị Hiền và 17 người khác, vừa bị VKSND quận Đống Đa truy tố về Tội cướp tài sản. Theo cáo buộc, Hiền cùng đồng phạm mở quán Magic Lounge với chiêu "dí bill" để ép khách thanh toán tiền.

VKS xác định, từ tháng 1/2021 nhóm này đã gây ra 4 vụ cướp tài sản. Trong quá trình điều tra, cựu đại úy Hiền khai báo quanh co, không thừa nhận cáo buộc nhưng VKS xác định có đủ chứng cứ, tài liệu để xác định hành vi phạm tội.

Vì sao cựu đại úy Lê Thị Hiền không trực tiếp “dí bill” nhưng vẫn bị truy tố tội cướp tài sản? - Ảnh 1.

Cựu đại úy Lê Thị Hiền và đồng bọn được xác định có hành vi "dí bill" khách hàng. Ảnh: Minh Huế

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Lê Thị Hiền và đồng phạm đều bị khởi tố về một tội danh là Tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự.

Điều luật này quy định tội cướp tài sản được coi là hoàn thành khi bị cáo thực hiện hành vi sử dụng vũ lực hoặc các hành vi khác đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân khiến nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, cơ quan tố tụng phải làm rõ bị can với vai trò là người thực hành, thực hiện hành vi dùng vũ lực để tấn công nạn nhân như thế nào? Hành vi tấn công, đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân như vậy đã khiến nạn nhân rơi vào tình trạng không thể tự vệ được để chiếm đoạt tài sản hay không?

Cần lưu ý trong trường hợp này cơ quan điều tra khởi tố nhiều vị can về cùng một tội danh cướp tài sản, trong đó sẽ xác định ai là chủ mưu, ai là người thực hành (trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội), ai tham gia với vai trò xúi giục, giúp sức.

Trong quá trình chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra phải chứng minh hành vi của người thực hành thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản và chứng minh vai trò của những người khác là cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm với người thực hành trong vụ án này.

Theo ông Cường, nếu kết quả tranh tụng cho thấy trong số các bị can đã có bị can thực hiện hành vi sử dụng vũ lực để tấn công nạn nhân, hậu quả khiến nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được buộc phải giao tài sản cho đối tượng, đối tượng này sẽ bị xử lý về tội cướp tài sản.

Các đối tượng khác nếu thỏa mãn có căn cứ cho thấy có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội với vai trò chủ mưu, giúp sức, xúi giục cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm.

Theo kết luận của cơ quan điều tra và nội dung cáo trạng cho thấy phương thức thủ đoạn ép buộc khách hàng phải thanh toán tiền đã được các bị can thống nhất từ trước, hoạt động kinh doanh gian dối và chiếm đoạt tiền của khách bằng vũ lực cũng được các bị can thống nhất với nhau.

Chính vì vậy, cựu đại úy công an Lê Thị Hiền dù không trực tiếp "dí bill" ép khách hàng trả tiền nhưng đã biết trước việc này và thống nhất với các bị can khác để thực hiện hành vi nên Hiền bị truy tố về Tội cướp tài sản là phù hợp.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định các bị can phạm tội nhiều lần với nhiều bị hại, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, Lê Thị Hiền và các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt theo khoản 3 Điều 168 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Còn trường hợp phạm tội có tổ chức, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc trường hợp chiếm đoạt số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hình phạt sẽ là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, không thừa nhận hành vi phạm tội sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc hơn. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức, xúi giục, thứ yếu, nhận thức được hành vi của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả sẽ phải chịu mức án ít nghiêm khắc hơn.

"Trong vụ án này, hiện cựu đại úy Lê Thị Hiền đang không thừa nhận hành vi phạm tội, bởi vậy cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào lời khai của các bị can khác, các tài liệu chứng cứ khác để chứng minh tội phạm.

Trong trường hợp bị can không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng có đủ căn cứ cho thấy bị can đã có vai trò chủ mưu hoặc xúi giục các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội, tòa án vẫn sẽ kết tội về tội cướp tài sản" – ông Cường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem