Vì sao doanh nghiệp đóng cửa không hẹn ngày trở lại?
Vì sao doanh nghiệp đóng cửa không hẹn ngày trở lại?
Thanh Phong
Thứ năm, ngày 09/09/2021 15:53 PM (GMT+7)
Có 1001 lý do, từ khách quan đến chủ quan khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Trong đó, lý do liên quan đến giấy đi đường chỉ là bề nổi của "tảng băng chìm" khiến cho doanh nghiệp phải chọn cách đóng cửa, dừng hoạt động chưa hẹn ngày "tái ngộ".
Thời gian qua, TP. Hà Nội liên tục thay đổi quy định về giấy đi đường. Mới đây, ngày 7/9, Hà Nội thông báo tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới (có mã QR) kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư.
Theo đó, đây là lần thứ 5 trong vòng 46 ngày cách ly xã hội chống dịch, Hà Nội thay đổi phương thức cấp giấy đi đường. Tình trạng chính sách đưa ra vào cuối tuần, giờ muộn khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, bối rối.
Phản ánh với Dân Việt, một số đại diện doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất không thuộc 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường bày tỏ sự bức xúc. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã phải chọn cách dừng hoạt động dù vẫn có đơn đặt hàng vì lo không đảm bảo công việc.
Theo chị Yến, giám đốc một doanh nghiệp in ấn tại huyện Hoài Đức chia sẻ, với quy định mới ngành sản xuất này "không thiết yếu". Trong các đợt giãn cách trước, doanh nghiệp của chị Yến có thể hoạt động theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến", "3 tại chỗ".
Đến nay, sau một thời gian hoạt động theo phương án "3 tại chỗ, doanh nghiệp này đã không cầm cự nổi do các chi phí điện, nước, lương thực, thực phẩm liên tục tăng. Trong khi đó, giá thành sản phẩm không thể thay đổi do đã ký hợp đồng từ trước dịch.
Hiện tại, tình hình càng thêm khó khăn khi các công nhân ngành in ấn không được cấp giấy đi đường do không thuộc nhóm đối tượng sản xuất "hàng hóa thiết yếu". Do vậy, doanh nghiệp đành chọn cách hoàn thành hợp đồng còn dở, dừng ký kết hợp đồng mới.
"Xếp chúng tôi vào nhóm ngành "không thiết yếu" là khá vô lý khi sản phẩm có phục vụ cho các ngành thiết yếu như y tế, giáo dục cũng như các ngành kinh tế khác. Hiện tại, chúng tôi "càng làm càng lỗ", tuy nhiên, vẫn phải duy trì để giữ khách hàng. Nguyên nhân là do giá chúng tôi đã báo trước khi có dịch không thể thay đổi giá trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Nếu thực hiện không đúng tiến độ hợp đồng sẽ bị phạt, dù có đàm phán nhưng đối tác không thể thông cảm cho việc chậm đơn hàng đến mấy kỳ giãn cách xã hội. Ví dụ, vào đợt TP. Hà Nội giãn cách xã hội lần thứ nhất, tôi đã đàm phán với đối tác xin chậm 15 ngày vì không phải sản xuất mặt hàng thiết yếu và được đồng ý. Tuy nhiên, đây là lần giãn cách xã hội thứ 4, không đối tác nào chấp nhận chậm trễ mãi được", chị Yến chia sẻ.
Chị Yến cho biết, trung bình đơn hàng chậm sẽ bị phạt tính theo 1% lãi suất ngân hàng 1 tháng/giá trị của đơn hàng chậm giao. Cùng với đó, những chi phí phòng chống dịch doanh nghiệp đang phải chi trả phát sinh lên tới hơn 10%.
Trước tình hình trên, doanh nghiệp này đã phải chọn cách dừng hoạt động, không nhận thêm đơn hàng mới để tránh bị phá sản.
"Hiện tại, chúng tôi không dám nhận dù đơn hàng về cuối năm sẽ có nhiều vì không thể đảm bảo thời gian. Ví dụ như các đơn hàng lịch hay một số sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán, năm mới nếu không đảm bảo thời gian sẽ vừa mất uy tín vừa thiệt hại kinh tế.
Một số đối tác có hỏi dừng hoạt động đến khi nào nhưng tôi cũng không thể trả lời. Khi nào thành phố kiểm soát được dịch và có chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động mới có thể tính tiếp được", chị Yến lo lắng.
Đồng cảnh ngộ trên, ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty đồ bảo hộ Hương Dũng bày tỏ sự bức xúc về việc TP. Hà Nội liên tục thay đổi quy định về giấy đi đường. Theo đó, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, phòng chống dịch, dây chằng khu vực cách ly phong tỏa,… cũng được xếp vào nhóm "không thiết yếu" là quá vô lý.
Hiện tại, doanh nghiệp này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động và phải tạm dừng việc cung ứng đồ bảo hộ lao động cho các khu công nghiệp.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Dũng đề xuất quy định cấp giấy đi đường như thời gian đầu, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan chức năng và tự cấp giấy đi đường, tự chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, việc cấp giấy đi đường cần dựa trên tiêu chí người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và áp dụng công nghệ để kiểm tra, rà soát tránh gây mất thời gian cho doanh nghiệp.
69% doanh nghiệp đóng cửa chưa hẹn ngày trở lại
Số liệu từ Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ số doanh nghiệp "tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch" chiếm tỷ lệ cao nhất là 69%.
Số doanh nghiệp cố gắng "duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh" mặc dù không thể hoạt động toàn công suất chiếm 16%. Số doanh nghiệp "giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể" là 15% (tương đương với 3.272 DN).
Trong số 14.890 doanh nghiệp trả lời "tạm thời ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch", gần 32,5% doanh nghiệp là diện "tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát". Gần 2,5% doanh nghiệp "buộc phải đóng cửa do có người bị nhiễm Covid-19 (F0)", hơn 6% doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động theo yêu cầu khi áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16/16+ của các tỉnh/thành phố nơi đăng ký hoạt động.
Cũng theo thông tin từ Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỷ lệ này là chiếm tới 35,4%.
"Do việc thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh/thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép "hàng thiết yếu" được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau.
Điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm "hàng thiết yếu" được các cấp thực thi ở mỗi địa phương/địa bàn hiểu một kiểu. Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông "trừ hàng cấm" thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn", Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp "buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch của địa phương" cũng chiếm tới hơn 21%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.