Vì sao Đồng Tháp thành 'quán quân' cạnh tranh?

Thứ năm, ngày 21/03/2013 13:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2012, chỉ số PCI của tỉnh này đứng thứ nhất toàn quốc. Vì đâu một tỉnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng lại bứt phá mạnh mẽ như vậy?
Bình luận 0

Trả lời phỏng vấn của NTNN, ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đứng thứ nhất là kết quả rất đáng mừng, không chỉ cho lãnh đạo tỉnh mà còn cho doanh nghiệp. Kết quả này sẽ tạo hiệu ứng kích thích chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp cùng doanh nghiệp để đưa kinh tế tỉnh nhà đi lên.

Chỉ số này có công rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, họ không chỉ đến Đồng Tháp để kinh doanh mà còn chia sẻ, góp ý cho chính quyền, cho lãnh đạo tỉnh trong công tác điều hành, chỉ cho chúng tôi thấy được những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Ngoài những buổi gặp thường kỳ, những cuộc họp, hội thảo… thì lãnh đạo tỉnh luôn tiếp đón doanh nghiệp bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp cần. Đối với những doanh nghiệp ít đến UBND tỉnh thì lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống gặp gỡ doanh nghiệp để tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh, tâm tư, nguyện vọng… từ đó tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh.

img
Nông dân Đồng Tháp sẽ được tỉnh tạo điều kiện tham quan, học tập sản xuất ở nước ngoài.

Đồng Tháp không có nhiều khu công nghiệp, cũng ít doanh nghiệp lớn. Vậy trong thời gian tới, tỉnh có hướng hỗ trợ gì đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ?

- Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi sẽ rà soát để phân loại, phân nhóm theo quy mô cũng như ngành nghề để có những chính sách phù hợp hơn chứ không nói chung chung kiểu “nâng cao, đẩy mạnh, tăng cường...” nữa. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm doanh nghiệp tầm quản trị còn thấp. Thực tế, thời gian qua còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm lắm đến kiến thức quản trị, đây là một trong những điểm nghẽn đối với doanh nghiệp khi muốn vươn lên.

Khi còn ở quy mô nhỏ, họ làm rất thành công nhưng sau đó họ không dám phát triển quy mô, phần vì thiếu nhân lực, phần do thiếu thông tin thì trường nên tự co lại, tự bằng lòng với kết quả mà họ đạt được. Trong cơ chế thị trường, tự bằng lòng thì anh sẽ chết, nếu không đầu tư quản trị, đầu tư chiều sâu, đầu tư phát triển nguồn nhân lực thì sớm muộn gì cũng sẽ thụt lùi.

Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ bằng cách nào?

- Chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, chúng tôi đang xây dựng đề án hỗ trợ bằng nguồn nhân lực sẵn có, kể cả “Chương trình Mekong” (đào tạo sau đại học ở nước ngoài cho 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật ở ĐBSCL) chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Những người được đào tạo tốt, chuyên sâu, mình cứ “giữ khư khư” ở các cơ quan nhà nước chẳng những không phát triển được mà có khi còn làm họ thui chột vì cơ chế của chúng ta có nhiều điểm chưa phù hợp, chưa thể giữ được nhân tài. Họ vừa được đào tạo, bầu nhiệt huyết còn dồi dào, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để họ phát triển. Chúng tôi tin rằng khi giới thiệu cho các doanh nghiệp, họ sẽ sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ này.

Quan điểm của tỉnh là không ngừng đổi mới mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp theo hướng ngày càng thân mật, gần gũi. Những định hướng về phát triển kinh tế, quy hoạch của tỉnh… cũng được đưa ra để các doanh nghiệp đóng góp, bàn bạc. Đồng Tháp không cứng nhắc từ những báo cáo một chiều mà thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là đối tác gắn bó bền vững, là bạn đồng hành tin cậy, tương trợ nhau cùng đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển.

“Trong đề án đào tạo nhân lực sắp tới, chúng tôi có cơ chế 50 – 50, doanh nghiệp và tỉnh cùng nhau chịu chi phí đào tạo nhân lực. Một số ngành nghề ưu tiên đào tạo như công nghệ sinh học, nông nghiệp chất lượng cao...”.

Đối với nông dân, tỉnh có hỗ trợ gì, thưa ông?

- Vẫn là câu chuyện quản lý. Nói về chuyện quản trị, thực tế là cán bộ còn yếu huống gì nông dân. Chúng tôi tăng cường khả năng quản trị cho nông dân (ND) thông qua các lớp đào tạo. Thời gian qua, chúng ta đào tạo lẻ tẻ nên trình độ ND không đồng đều, luôn có sự khập khiễng nên khó phối hợp sản xuất. Hiện chúng tôi đang đào tạo một số mô hình hợp tác xã theo kiểu “trọn gói”, tức đào tạo từ ông chủ nhiệm cho đến xã viên. Cứ xong hợp tác xa này sẽ đến hợp tác xa khác.

Để phát triển nông nghiệp, nhất thiết phải có sự thay đổi tư duy, trước tiên là tư duy mùa vụ, cơ cấu lại ngành hướng đến các mục tiêu trung hạn, dài hạn, song hành với tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp từ tỉnh tới xã. Thay đổi tư duy tăng trưởng không chỉ dựa vào yếu tố tăng quy mô mà phải kết hợp vừa tăng quy mô vừa tăng chuỗi sản xuất theo từng ngành hàng, từng loại nông sản, tức là tăng về chất.

Năm ngoái Đồng Tháp tổ chức nhiều đợt “xuất ngoại” cho ND, năm nay sẽ thế nào?

- Năm 2012, Đồng Tháp đã đưa ND tiêu biểu đi nước ngoài tham quan nông thôn nước bạn. ND đi Thái Lan, đi Myanmar và Campuchia – những nước có nền kinh tế nông nghiệp tương đồng với nước ta. Cán bộ ngành nông nghiệp tuyên truyền, dân sẽ tiếp thu chậm hơn chính những ND tuyên truyền cho nhau. Đây vừa là cách mà chúng tôi hỗ trợ cũng như kích thích tinh thần học hỏi của họ. Năm nay, chúng tôi sẽ kết hợp doanh nghiệp đi cùng ND, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh để khi quay về sẽ cùng đóng góp ý kiến để xem làm cách nào là tốt nhất đối với ND…

Xin cảm ơn ông

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem