Vì sao dùng chữ Trung Quốc trong ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Thứ năm, ngày 04/05/2017 10:14 AM (GMT+7)
Nhà ga La Khê của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được chọn là điểm mẫu để trưng bày tổng thể hệ thống dự án. Nhiều người thắc mắc, tại sao trong nhà ga hiện nay lại có các chỉ dẫn và thuyết minh bằng chữ Trung Quốc.
Bình luận 0

Theo ghi nhận, nhà ga mẫu La Khê đến nay đã cơ bản hoàn thiện cả phần kết cấu và trang trí bên trong, bên ngoài. Bên trong nhà ga La Khê có trưng bày các mô hình, la bàn và hình ảnh trên công trường nhằm tái hiện rõ nét về toàn bộ dự án, hoạt động thi công, các dấu mốc đáng nhớ trong quá trình thực hiện dự án.

Tuy nhiên, một điểm gây thắc mắc là các thuyết minh, chỉ dẫn trong nhà ga này, ngoài viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh thì còn được viết bằng tiếng Trung Quốc.

imgimgNhững dòng chữ Trung Quốc xuất hiện song song cùng tiếng Việt trong nhà ga La Khê.

img

Mô hình trưng bày nhà ga La Khê được viết song ngữ tiếng Việt và tiếng Trung Quốc

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt khẳng định: La Khê là ga mẫu, ngôn ngữ tiếng Trung ở đây chỉ có mục đích trưng bày. Thời điểm này tiếng Trung được duy trì trong thuyết minh để phía Tổng thầu tiện theo dõi và thi công dự án.

“Sau khi dự án hoàn thiện và đưa vào vận hành, toàn bộ tiếng Trung Quốc sẽ được gỡ bỏ. Các chỉ dẫn trong và ngoài nhà ga, hệ thống hạ tầng và hoạt động khai thác trên toàn tuyến sẽ sử dụng song ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh” - lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, sử dụng vốn vay của Trung Quốc với tổng mức đầu trên 18.000 tỷ đồng. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao.

img

Mô hình ga Cát Linh được trưng bày tại nhà ga mẫu La Khê hiện tại

Hiện nay, đoàn tàu đầu tiên đã được phía Trung Quốc bàn giao và đặt tại điểm ga La Khê. 12 đoàn tàu còn lại sẽ được phía Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam vào khoảng từ tháng 6 - 7 năm nay để tập kết ở khu Depot Hà Đông, sau đó có thể sẽ chạy thử nghiệm không tải về các nhà ga.

Thiết kế đoàn tàu chạy trên cao gồm loại 4 toa trong giai đoạn đầu và 6 toa ở giai đoạn sau. Mỗi đoàn tàu 4 toa có sức chở hơn 1.200 hành khách, tốc độ tối đa 80 km/h. Tàu có thời gian khai thác hàng ngày từ 5h sáng đến 23h đêm (18 tiếng, với tần suất tối đa 2 phút/chuyến). Năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ.

Ban Ban Quản lý Dự án đường sắt cho hay, hiện khối lượng xây lắp công trình của Dự án, phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính và cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện các nhà ga.

img

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm vào tháng 10/2017

Hơn 28.000 m đường ray chính tuyến và 1.200 m đường ray đường thử tàu đã hoàn thành, đang triển khai thi công đường ray kết nối khu Depot và ray nhánh nội bộ đến các phân khu rà soát, sửa chữa, lập tàu. Ngoài ra, dự án đã lắp đặt tường chống ồn, chống thấm mặt cầu. Một số hạng mục thiết bị phòng cháy chữa cháy, thoát nước, cấp điện... đang tiến hành lắp đặt.

Dự kiến, tháng 10/2017 dự án sẽ thử liên động toàn hệ thống, căn chỉnh tổng hợp, vận hành chạy thử không tải, vận hành thử chở khách mô phỏng... Quá trình chạy thử này kéo dài từ 3 - 6 tháng trước khi đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Châu Như Quỳnh (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem