Vì sao Ga liên vận quốc tế Sóng Thần ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia xuất khẩu?

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 05/11/2024 17:19 PM (GMT+7)
Việc nâng cao năng lực Ga liên vận quốc tế Sóng Thần (TP.Dĩ An) phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất khẩu không chỉ mở ra dịch vụ mới cho ngành đường sắt, phục vụ đắc lực cho doanh nghiệp xuất khẩu phía Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế Bình Dương.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến Ga liên vận quốc tế Sóng Thần

Cuối năm 2023, lô hàng xuất khẩu tinh bột sắn gần 500 tấn, đóng trong 19 container 40 feet được vận chuyển đến ga liên vận quốc tế Sóng Thần, và làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.

Clip: Ga liên vận quốc tế Sóng Thần Bình Dương ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Mới đây, cũng tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần, Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Fado iExport (Fado) tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên đưa 3 container dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Phạm Tấn Đạt – Tổng Giám đốc Công ty Fado cho biết, công ty quyết định chọn đường sắt sau khi nghiên cứu các phương thức vận chuyển khác như đường bộ, đường biển, đường hàng không.

Ga Sóng Thần là ga cuối ở phía Nam, rất thuận tiện cho hàng hóa, nông sản kết nối vào đây để xuất khẩu. Riêng với thị trường Trung Quốc, phương thức vận chuyển bằng đường sắt giúp giảm hơn 20% chi phí.

Vì sao Ga liên vận quốc tế Sóng Thần ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia xuất khẩu? - Ảnh 1.

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần khởi hành chuyến tàu đầu tiên đưa 3 container dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thêm nữa, Việt Nam có nhiều loại trái cây nhiệt đới. Các mặt hàng nông sản này có nhược điểm là chín rộ theo mùa vụ, gây khó khăn cho thu hoạch, vận chuyển và chế biến.

Hiện nay, các doanh nghiệp logistics đã đầu tư giải pháp công nghệ và phương tiện chuyên chở tốt hơn. Có thể kể đến như container lạnh tự hành, không thay đổi nhiệt độ theo tốc độ di chuyển đoàn tàu. Hoặc xe rơ-mooc có thể giám sát hành trình 24/7; các yếu tố nhiệt độ, ẩm độ và thông gió được cập nhật liên tục.

"Những tiêu chuẩn đặc thù này phù hợp cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản dài ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng", ông Đạt nói.

Bước đầu, việc vận chuyển liên vận quốc tế có gặp khó khăn do đây là phương thức mới. Nhưng khi đã xây dựng được quy trình phối hợp tốt với đơn vị logistics, việc vận hành sẽ trơn tru và giúp nâng cao sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Điều này có ý nghĩa lơn cho doanh nghiệp khi khắc phục được những trở ngại trên đường bộ như ùn ứ, tắc biên hoặc tai nạn giao thông. Doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro tiêu hao hoặc phải bồi thường hợp đồng cho người mua trong xuất nhập nông sản.

Vì sao Ga liên vận quốc tế Sóng Thần ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia xuất khẩu? - Ảnh 2.

67,5 tấn dừa tươi đã chính thức rời ga liên vận quốc tế Sóng Thần (Bình Dương) đi Quảng Châu (Trung Quốc). Ảnh: Nguyên Vỹ

Sau 3 container đầu tiên, Fado sẽ ký kết hợp đồng với các đối tác, tiếp tục xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc cũng bằng đường sắt. "Hơn nữa, vận chuyển bằng đường sắt còn mở ra khả năng xuất khẩu nông sản sang các thị trường khác không có đường biển", ông Đạt chia sẻ.

Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics, đơn vị đầu tiên vận chuyển hàng hóa đi Trung Quốc qua ga Sóng Thần cũng đánh giá, việc vận hành đoàn tàu liên vận quốc tế đi Trung Quốc tạo thuận lợi cho xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nói riêng.

Trước đây, muốn đưa hàng sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải vận chuyển bằng đường bộ ra ga Yên Viên (Hà Nội), hoặc ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), sau đó mới làm thủ tục mở tờ khai để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

"Nay, doanh nghiệp có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, giảm 1/2 chi phí vận chuyển", ông Hà nói.

Vì sao Ga liên vận quốc tế Sóng Thần ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia xuất khẩu? - Ảnh 3.

Dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc được vận chuyển bằng container lạnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nâng cao năng lực Ga liên vận quốc tế Sóng Thần

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, bối cảnh địa chính trị trên thế giới còn nhiều biến động. Việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường sắt có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước kết nối được với thị trường Trung Á và châu Âu.

Việc khai thác vận chuyển đường sắt Á - Âu có thể giúp đưa hàng Việt đi sâu vào lục địa (như trong nội địa Trung Quốc) với lợi thế về chi phí và thời gian.

Thực tế tại Bình Dương, việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng đường sắt giúp giải quyết được tình trạng quá tải của vận chuyển đường bộ, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa.

"Thời gian tới, việc nâng cao năng lực ga liên vận quốc tế Sóng Thần còn có ý nghĩa quan trọng nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương", ông Bình chia sẻ.

Vì sao Ga liên vận quốc tế Sóng Thần ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia xuất khẩu? - Ảnh 4.

Ga liên vận quốc tế Sóng Thần tại TP.Dĩ An (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Lưu Văn Phi – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, các năm qua, tỉnh xuất khẩu nhiều loại trái cây sang thị trường Trung Quốc. Phương thức xuất khẩu mà các doanh nghiệp sử dụng chủ yếu là bằng đường bộ.

Tại lễ khởi hành chuyến tàu xuất khẩu dừa tươi vừa qua (phần lớn là dừa từ Tiền Giang), ông Phi cho rằng, phương thức vận chuyển mới không chỉ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản cho khu vực miền Nam qua ga Sóng Thần mà còn mở ra dịch vụ mới cho ngành đường sắt.

Bởi vì, theo ông Phi, trung tâm logistics được quy hoạch tại đây sẽ thực hiện các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Hàng hóa đến trung tâm sẽ được kiểm tra an toàn thực phẩm, nguồn gốc và các loại thủ tục khác.

"Nếu không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp có thể chuyển sang tiêu thụ nội địa. Việc này giúp cắt giảm được rất nhiều chi phí, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp", ông Phi cho biết.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần. Dự kiến giai đoạn 2025 - 2030, sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm; trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn trong nhất hệ thống các ga đường sắt Việt Nam.

Vì sao Ga liên vận quốc tế Sóng Thần ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia xuất khẩu? - Ảnh 5.

Phương thức vận chuyển mới không chỉ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu cho khu vực miền Nam qua ga Sóng Thần mà còn mở ra dịch vụ mới cho ngành đường sắt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sau khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics được hoàn thiện và đáp ứng đủ yêu cầu, VNR sẽ lập kế hoạch khai thác ga liên vận quốc tế Sóng Thần để tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến, chạy thẳng từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ 3 và ngược lại.

Theo ông Phan Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Bình Dương là địa phương phát triển năng động của khu vực phía Nam. Ga liên vận quốc tế Sóng Thần nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng trái cây xuất khẩu.

Trong xu thế hội nhập, VNR đang đẩy mạnh các hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu liên vận quốc tế bằng đường sắt từ các tỉnh thành trên cả nước ra thế giới. VNR sẽ từng bước nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt nói chung và hoạt động vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt nói riêng.

"VNR sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và các doanh nghiệp xuất khẩu đẩy mạnh hơn nữa việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Bình Dương đi ra các nước", ông Phan Quốc Anh nói.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem