Xem xét phê duyệt dự án đường sắt đi qua 10 tỉnh thành tới Trung Quốc

Thế Anh Chủ nhật, ngày 03/11/2024 14:10 PM (GMT+7)
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố với dài toàn tuyến là 447,66km.
Bình luận 0

Tuyến đường sắt đi qua 10 địa phương

Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT xem xét, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Theo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tuyến đi qua 10 tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Quy mô dự án có chiều dài toàn tuyến là 447,66km; điểm đầu là điểm kết nối với đường sắt Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai, điểm cuối là ga Cái Lân thuộc TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Xem xét phê duyệt dự án đường sắt đi qua 10 tỉnh thành tới Trung Quốc - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt đi qua cầu Đuống, Hà Nội.

Đoạn tuyến đường sắt đi qua địa phận tỉnh Lào Cai có chiều dài 64,82km; qua Yên Bái có chiều dài 76,95km; qua Phú Thọ 60,05km; qua Vĩnh Phúc 41,75km; qua TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh 40,93km; qua Hưng Yên 18,57km; qua Hải Dương 40,97km.

Riêng qua địa phận TP.Hải Phòng có chiều dài 81,66km, trong đó: Tuyến đường chính tuyến xuống cảng Lạch Huyện có chiều dài 46,25km; tuyến nhánh xuống cảng Nam Đồ Sơn dài 12,63km; tuyến nhánh xuống cảnh Đình Vũ dài 7,88km; tuyến nhánh kết nối tỉnh Quảng Ninh dài 14,9km.

Cuối cùng, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Quảng Ninh có chiều dài 36,62km, trong đó: Tuyến xây dựng mới dài 25,95km; tuyến đường sắt hiện tại dài 10,67km.

Ga hỗn hợp bao gồm ga lập tàu và ga trung gian. Ga lập tàu có các ga: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Trong đó, ga Lào Cai còn đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế; ga Hạ Long chỉ lập tàu khách và ga Cái Lân chỉ lập tàu hàng. Còn ga Yên Thường, đề xuất phương án 1 là ga lập tàu khách và tàu hàng cho các tuyến đường sắt phía Bắc khổ 1435mm, phương án 2 là ga chỉ lập tàu hàng cho các tuyến phía Bắc khổ 1435mm.

Ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố gồm: Cam Cọn, Bảo Hà, Sơn Hải, An Thịnh, Yên Bái, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bình Xuyên, Phúc Yên, Thạch Lỗi, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Đại Đồng, Bình Giang, Nam Hải Dương, Nam Hải Phòng.

Ga hàng hóa gồm các ga: ga cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.

Ga kỹ thuật (nhường tránh) gồm: Thái Niên mới, Châu Quế Thượng, Đông An, Xuân Ái, Y Can, Lệnh Khanh, Lập Thạch, Trung Màu, Tứ Kỳ, Tân Viên, Phong Hải, Quảng Yên, Minh Khai.

Tuyến cũng được quy hoạch có khoảng 145 cầu với chiều dài 106,628km đi qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Bạch Đằng và các cầu vượt đường bộ cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh các đường quốc lộ và một số đường tỉnh.

Về hầm, quy hoạch khoảng 42 hầm với chiều dài 23,28km trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

Trên cơ sở phương án quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch đã tính toán nhu cầu vốn để đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (trong thời kỳ quy hoạch đến 2050) khoảng 183.856 tỷ đồng.

Theo đó, chi phí giải phóng mặt bằng 24.065 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 110.138 tỷ đồng; chi phí khác 16.104 tỷ đồng; chi phí dự phòng 33.551 tỷ đồng.

Về lộ trình, Cục Đường sắt VN kiến nghị, đến năm 2030 triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đối với đoạn tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được nghiên cứu triển khai sau năm 2030 cùng với lộ trình đầu tư tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cần đảm bảo vốn ngân sách Nhà nước

Theo lộ trình đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2030 cơ bản được thi công xong tuyến đường đơn, điện khí hóa, khổ 1435mm đoạn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Do đó, tư vấn lập quy hoạch dự kiến phân kỳ đầu tư: Giai đoạn 1 (trước 2030, giai đoạn thi công) tổng nhu cầu vốn là 160.770 tỷ đồng, trong đó: Chi phí giải phóng mặt bằng (100%) 24.065 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị (95%) 104.631 tỷ đồng, chi phí khác (95%) 15.299 tỷ đồng, chi phí dự phòng (50%) 16.775 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (sau 2030, giai đoạn hoàn thiện, quyết toán), tổng nhu cầu vốn là 23.086 tỷ đồng.

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch như: Huy động và phân bổ vốn đầu tư; về phát triển vận tải đường sắt; về phát triển công nghiệp giao thông vận tải đường sắt; về môi trường, khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế; về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch…

Về huy động và phân bổ vốn đầu tư, cần đảm bảo vốn ngân sách Nhà nước để quản lý, bảo trì và đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Do đó, cần ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỉ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi. Đây là nguồn lực mang tính đột phá trong lĩnh vực đường sắt cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, miền.

Để thu hút nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích tham gia đầu tư phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải (kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ...); cùng với đó cần lựa chọn mô hình, hoàn thiện khung chính sách xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt.

Đặc biệt, cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để triển khai và huy động nguồn lực đầu tư ngay từ bước phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai trước. Đối với các loại thiết bị, công nghệ mới cần quy định lộ trình chuyển giao công nghệ sau khi đầu tư dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem