Vì sao giới trẻ ngày càng thích uống trà Việt, giữa dịch Covid-19, lập nhóm uống trà online?
Nguyễn Đình
Thứ năm, ngày 20/05/2021 11:03 AM (GMT+7)
Sở hữu hơn 130.000ha trà, là nước sản xuất trà xanh lớn thứ 2 thế giới, đứng thứ 5 thế giới về số lượng xuất khẩu, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về sản xuất, chế biến trà.
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) từ năm 2020 đã chọn ngày 21/05 làm ngày trà thế giới để tôn vinh cây trà, người làm trà với thông điệp cụ thể: "Trà – Kiên định, Bền vững, Sức khỏe, từ vùng nguyên liệu đến chén trà".
Theo nghiên cứu, khảo sát của FAO, cây trà hiện có ở hơn 35 quốc gia, hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bao gồm các hộ gia đình sản xuất và sống nhờ cây trà.
Xuất khẩu còn khiêm tốn
Từ thông điệp của FAO, có thể thấy rõ các mục tiêu cụ thể, chi tiết mà tổ chức này đặt ra cho ngành trà thế giới, nhấn mạnh vào các yếu tố bền vững, sức khỏe.
Bởi trà là thức uống có lịch sử lâu đời với hơn 5.000 năm, lượng tiêu thụ trà cũng chỉ đứng sau thức uống cơ bản nhất là nước, với các thành phần khoáng chất, dược tính tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dung.
Thế nên có được một chén trà sạch, an toàn là mong muốn của những người tiêu dùng, từ đó đặt ra cho ngành trà phải xây dựng những nhà sản xuất có đạo đức, trách nhiệm, người tiêu dùng thông minh.
Câu chuyện trà sạch, trà bẩn, từng tốn không ít giấy mực để bình luận. Không thể phủ nhận, vị thế ngành trà Việt trong và ngoài nước đã có lúc suy giảm, chỉ bởi những sản phẩm trà kém chất lượng, nhiều nhà sản xuất chỉ chăm chăm vào số lượng mà quên đi kiểm soát chất lượng, hạn chế việc nâng cao kỹ thuật chế biến để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường.
Câu chuyện trà trộn bùn đất, chất bẩn cho nặng ký, trồng trà gia tăng lượng thuốc kích thích lá phát triển, trà tồn đọng lượng thuốc trừ sâu, dư lượng bảo vệ thực vật cao… đã từng là một thực trạng gây mất uy tín, khiến trà Việt dù xuất khẩu số lượng đứng thứ 5, có khi lên thứ 4 thế giới, nhưng mức giá vẫn chỉ lẹt đẹt ở mức bình quân từ 1 - 1,6 USD/kg trà.
Nhìn vào con số xuất khẩu của trà Việt ra thế giới của năm 2020, lượng sản xuất của ngành trà Việt là 195.000 tấn, trong đó có 140.000 tấn xuất khẩu, thị trường trong nước đạt 45.000 tấn, và khoảng 10.000 tấn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, với cơ cấu sản phẩm gồm 50% trà đen, 49% trà xanh, 1% trà khác.
Nhưng so sánh về giá, giữa nội tiêu và xuất khẩu có độ chênh khá cao. Tổng doanh thu toàn ngành năm 2020 là 557 triệu USD, trong đó giá xuất khẩu chỉ ở mức 1.607 USD/tấn (chưa đầy 50.000 đồng/kg trà), doanh thu 225 triệu USD.
Giá nội tiêu lên đến 7.000 USD/tấn (tương đương 150.000 đồng/kg trà) với doanh thu 315 triệu USD. Doanh thu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD.
Ở thị trường hôm nay, có thể thấy rõ người tiêu dùng trà, các nhà nhập khẩu trà cũng đang ngày một khắt khe hơn trong vấn đề trà sạch, trà an toàn khi áp đặt những chứng nhận, tiêu chuẩn lên trà.
Các đơn vị đầu ngành cũng tổ chức các khóa tập huấn, xây dựng các mô hình hợp tác xã, hội nhóm, góp phần nâng cao ý thức của nông dân trong việc sử dụng các loại thuốc, phân bón ở mức cho phép để cho ra sản phẩm trà sạch, trà an toàn.
Tương lai cho trà Việt
Trà đem lại nguồn thu đáng kể, nếu không "kiên định", rất dễ chạy theo nhu cầu số lượng mà bỏ qua chất lượng của trà, việc đầu tư này chỉ là ngắn hạn, không thể đạt tiêu chí bền vững.
Qua đến phần sản xuất, người làm trà đạo đức, trách nhiệm, cũng sẽ biết chọn lọc nguyên liệu an toàn từ vùng trà mình có thể kiểm soát, đồng thời nâng cao kỹ thuật chế biến, chắc chắn sẽ mang lại những sản phẩm trà giá trị.
Điều đáng mừng là ngành trà Việt hiện tự tin để khẳng định những kỹ thuật hiện đại hàng đầu trong ngành trà thế giới, những tay nghề người làm trà thâm niên, Việt Nam đều có đủ để tạo ra nhiều dòng trà chất lượng, quý hiếm ở tầm thế giới.
Các thứ hạng cao của trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa, trà Hoàng Su Phì, trà Sùng Đô ở những cuộc thi trà thế giới tại Pháp, Mỹ, Trung Quốc đã minh chứng cho chất lượng và kỹ thuật trà Việt không thua kém với mặt bằng chung của ngành trà toàn cầu.
Người tiêu dùng trà Việt, nay cũng đã có thêm nhiều lựa chọn, thay vì chỉ một loại trà xanh sao sấy bằng phương pháp thủ công, móc câu như từ 15 - 20 năm về trước, nay ngành trà Việt đã có đủ những phẩm trà mà thế giới có như trà xanh, trà vàng, bạch trà, hồng trà, trà đen, trà lên men (ép bánh)…
Độ tuổi người uống trà Việt cũng đang trẻ hóa, nói như ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam: "Việc minh bạch trong sản xuất, cải tiến công nghệ, kỹ thuật, đăng ký mã số vùng trồng để quản lý vùng nguyên liệu trà, được nhiều doanh nghiệp và các hợp tác xã trà hưởng ứng.
Người uống trà Việt có độ trẻ hóa cao, đây là đội ngũ rất quan tâm đến trà, họ mở quán trà, tìm hiểu về trà, chơi trà, hình thành nên cộng đồng đông đảo và chính họ có những tác động tích cực đến người sản xuất, bởi biết đòi hỏi, kiểm soát, nhận xét, đánh giá cách gần gũi, thiết thực nhất từ phẩm trà họ tiêu dùng, qua đó doanh nghiệp cũng phải biết lắng nghe và điều chỉnh, thậm chí phải thay đổi để sản phẩm trà làm ra không chỉ sạch, chất lượng, mà còn phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay".
Hưởng ứng với Ngày Trà thế giới của FAO, cộng đồng uống trà Việt cũng đưa ra lời kêu gọi uống trà với chủ đề: "Vì sức khỏe gia đình tôi yêu".
Mục đích để lan tỏa văn hóa, thú vui uống trà, thúc đẩy tinh thần người Việt uống trà Việt, qua đó giới thiệu, chia sẻ những dòng trà quý hiếm, khác lạ, tìm hiểu về các vùng trà trên khắp Việt Nam qua tư liệu, hình ảnh, các bài viết trích đăng trên cộng đồng những người uống trà như nhóm Uống trà đi, Nghiện trà, Đỉnh trà, Yêu trà Việt…
Ở mùa dịch Covid -19, các hội nhóm, những người yêu trà cũng thường xuyên tổ chức các buổi uống trà online, gặp gỡ nhau qua mạng, dùng trà làm chất dẫn, làm cớ để hội tụ nhau.
Ở góc độ sức khỏe, uống trà ở nhà cùng gia đình, không chỉ là tăng kết nối giữa các thành viên với nhau, giúp cải thiện, bồi bổ tinh thần, thể trạng, mà còn là chung tay cùng xã hội góp phần đẩy lùi đại dịch đang trong nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.