Vì sao gọi Lâm Văn Phát là "chuyên gia đảo chính" của chính quyền Sài Gòn?

Đoàn Thiên Thứ tư, ngày 23/12/2020 06:30 AM (GMT+7)
Có bao nhiêu cuộc đảo chính, Lâm Văn Phát góp mặt đủ bấy nhiêu. Nhưng, kể cả những lần thành công, cũng chẳng ai giao cho ông ta một vai trò lãnh đạo then chốt nào
Bình luận 0

Chỉ tính từ ngày 1/11/1963, phút cáo chung của chế độ Ngô Đình Diệm, cho đến ngày 19/2/1965, chỉ 13 tháng đã có tới 4 cuộc đảo chính. Trong số những "chuyên gia" phản loạn, Thiếu tướng Lâm Văn Phát được xem là nổi bật nhất. Có bao nhiêu cuộc đảo chính, ông ta góp mặt đủ bấy nhiêu. Nhưng, kể cả những lần thành công, cũng chẳng ai giao cho ông ta một vai trò lãnh đạo then chốt nào. "Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ", trên sân khấu tranh giành quyền lực ở miền Nam, tướng Lâm Văn Phát cũng bị ngay chính phe nhóm nhất thời của ông ta ái ngại!

Cuộc đời muôn mặt của viên loạn tướng Lâm Văn Phát

Cuộc đời Lâm Văn Phát luôn có những thay đổi từ cực này sang cực khác, nhanh như hai mặt của một con thò lò. Ông sinh năm 1927 tại Cần Thơ, trong một gia đình có truyền thống Cách mạng lẫn học hành nổi tiếng, xứng đáng được kính trọng. Thân sinh ông ta là nhà giáo Lâm Văn Phận, tham gia Mặt trận Việt Minh rất sớm, từng có thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên Việt tỉnh Cần Thơ.

Vì sao gọi Lâm Văn Phát là "chuyên gia đảo chính" của chính quyền Sài Gòn? - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lâm Văn Phát.

Sau 1954, ông Phận tập kết ra miền Bắc và qua đời ở đó. Ông Phát có chị là Lâm Thị Phấn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên mẫu nhân vật Bạch Cúc trong phim "Người đẹp Tây Đô".

Bản thân Lâm Văn Phát, khi còn theo học bậc trung học đã gia nhập Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền tại Cần Thơ. Trớ trêu thay, sau khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ, trở về Cần Thơ học tú tài xong, Phát lại gia nhập quân đội Pháp, trở mặt với lý tưởng mà gia đình và bản thân từng đeo đuổi, được phong hàm thiếu úy.

Nhưng chỉ một năm sau (1946), ông lại đào ngũ, tham gia kháng chiến tại Khu 8 và trở thành một Trung đội trưởng Vệ quốc quân. Nếu cứ con đường chính nghĩa đó mà đi giữa lòng dân tộc, chắc chắn cuộc đời ông ta đã khác. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, năm 1948, ông ta lại bỏ chiến khu, trốn về lại Cần Thơ.

Quan ngại, ông Lâm Văn Phận đã tìm cách cách ly Phát khỏi sự dính líu chính trị, gửi Phát  sang Pháp theo học ngành cơ khí. Ngựa chứng không thích bị đeo cương học hành chưa đâu vào đâu, chẳng biết ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào, một lần nữa Lâm Văn Phát lại đi vào quân đội và theo học trường thiết giáp của lục quân Pháp tại Oran, Algeria, Bắc Phi.

Ra trường với cấp bậc trung úy, Lâm Văn Phát được đưa trở về Việt Nam, trực thuộc Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại mặt trận Đông Dương. Quân đội quốc gia thành lập (1951), Lâm Văn Phát được thăng đại úy và chuyển sang làm việc tại võ phòng của Quốc trưởng Bảo Đại. Năm 1952, Lâm Văn Phát được điều sang phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu quân đội quốc gia Việt Nam với hàm thiếu tá, đến năm 1954 thì lên trung tá.

Năm 1958, khi Ngô Đình Diệm đã thâu tóm hết quyền lực trong tay, phế truất Bảo Đại, lên ngôi tổng thống, Lâm Văn Phát lại được cử sang Mỹ theo học khóa sĩ quan - tham mưu tại Fort Leavenworth kéo dài một năm. Về nước, ông ta được thăng hàm đại tá, nhưng không được Ngô Đình Diệm tin dùng, nên chỉ nắm những chức vụ không có thực quyền, chuyên ngồi chơi, xơi nước! Bất mãn, Phát âm thầm nuôi dưỡng lòng thù hận với anh em Diệm - Nhu một cách sâu sắc. Lâm Văn Phát chẳng có chính kiến gì ngoài hám địa vị, danh lợi. Ông ta cũng chẳng có bạn bè thân tín trong quân đội mà chỉ "mạnh đâu, xâu đó". Thế là ông trở thành một "chuyên gia đảo chính!".

Có đảo chính là có Lâm Văn Phát

Biết rõ đại tá Lâm Văn Phát là người cay cú với chế độ Ngô Đình Diệm, khi mấy ông tướng của quân đội Sài Gòn họp nhau bàn chuyện đảo chính đã móc nối, ghi tên ông ta đầu tiên vào danh sách. Ngặt một nỗi, với chức vụ chỉ huy trưởng Bảo an - Dân vệ, ông ta không có quân trong tay. Lâm Văn Phát cũng chẳng có khả năng gì đặc biệt, lại chưa từng chỉ huy trận mạc nên chẳng biết xếp ông ta vào vai trò gì.

Theo kế hoạch ban đầu, Lâm Văn Phát được giao trách nhiệm xuống Mỹ Tho để thuyết phục, nếu không thành thì bằng mọi cách phải giành cho được quyền Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh do đại tá Bùi Đình Đạm nắm giữ. Mục đích trước tiên là để ngăn chặn sư đoàn này tiến về Sài Gòn giải cứu cho Ngô Đình Diệm. Thứ đến, nếu phe đảo chính chưa thật sự thắng thế, thì đơn vị này sẽ hỗ trợ. Nhưng vì từ lâu, mật vụ của hai anh em Diệm - Nhu biết Lâm Văn Phát thường tỏ thái độ bất mãn chế độ, nên theo dõi rất kỹ.

Cuối cùng, phe đảo chính sợ bị lộ, không giao trọng trách này cho Lâm Văn Phát mà thay thế bằng đại tá Nguyễn Hữu Có. Tiếng súng khai hỏa cuộc binh biến này bắt đầu từ trưa ngày 1/11/1963, mãi đến chiều tối, khi tình thế sắp ngã ngủ thì Lâm Văn Phát mới được giao chỉ huy Sư đoàn 5 Bộ binh, thay thế đại tá Nguyễn Văn Thiệu.

Ngày 2/11/1963, hai anh em Diệm - Nhu bị hạ sát một cách thê thảm. Chẳng đóng góp gì nhiều nhưng Lâm Văn Phát vẫn được thăng thiếu tướng ngay tối hôm đó, cùng với các đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hữu Có, Đỗ Mậu…

Một tháng sau, ngày 2/12/1963, thiếu tướng Lâm Văn Phát được chính thức nắm chức vụ Tư lệnh Phó Quân đoàn 3, kiêm Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh. Chưa thỏa mãn, Lâm Văn Phát nhìn quanh, thấy bộ máy quyền lực nằm trọn trong tay trung tướng Dương Văn Minh và phe cánh, như: trung tướng Trần Văn Đôn, trung tướng Tôn Thất Đính, trung tướng Mai Hữu Xuân, trung tướng Lê Văn Kim và thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ… mà theo Phát thì những tay này cũng chẳng có ai giỏi giang gì hơn mình. Thế là ông ta lại sinh bất mãn và cố tình rình rập để chờ thời cơ lật đổ.

Thời cơ đó đến chỉ sau có… nửa tháng. Trung tướng Trần Thiện Khiêm, một trong những nhân vật cầm đầu cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, đang giữ chức vụ Tham mưu trưởng Liên quân. Ngày 17/12/1963, Khiêm đang thay mặt Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sang thủ đô Seoul, Hàn Quốc dự lễ nhậm chức của Tổng thống Pak Chung-hee thì ở nhà có lệnh giáng chức Khiêm xuống làm Tư lệnh Quân đoàn 3 mà chẳng hề thông báo lý do.

Trở về, bề ngoài tỏ ra vui vẻ chấp hành nhưng bên trong Trần Thiện Khiêm kín đáo nuôi dưỡng âm mưu phục hận. Biết rõ trung tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh Quân đoàn 1, cũng bất phục đám tướng già đang nắm vận mệnh miền Nam, Khiêm thường xuyên liên hệ với Khánh bằng điện đàm trên hệ thống đặc biệt của quân đội.

Đầy tham vọng, Nguyễn Khánh đã dùng kế khích tướng với Khiêm để nắm chắc phần thắng trước khi hành động. Ngược lại, Khiêm muốn dùng Khánh đứng mũi chịu sào, nếu gặp phúc thì ông ta cũng được hưởng lớn mà gặp họa thì Khánh sẽ phải lĩnh nhiều hơn. Dự mưu còn có đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Lữ đoàn Dù. Ba nhân vật đầu não này dự tính sẽ rủ rê thêm một số tướng, tá làm hậu thuẫn. Lâm Văn Phát lại là người đầu tiên được chèo kéo.

Cuối tháng 1/1964, Nguyễn Khánh mặc thường phục, từ miền Trung bí mật bay về Sài Gòn trên một chuyến bay dân dụng. Người của Trần Thiện Khiêm ra sân bay đón ông ta, đưa về tận nhà. Đêm 30/1/1964, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên, ngồi tại nhà của Khánh, nơi đặt bộ chỉ huy cuộc đảo chính. Theo lệnh của Cao Văn Viên, một tiểu đoàn nhảy dù âm thầm chiếm cứ nhiều vị trí trọng yếu trong Bộ Tổng tham mưu.

Đến 3h sáng, khi quân Dù đã hoàn thành nhiệm vụ, thì một lực lượng bao gồm An ninh Quân đội, Quân cảnh, Nhảy dù do trung tá Nguyễn Văn Luông, một đàn em thân tín của Trần Thiện Khiêm chỉ huy, đồng loạt ập vào từng nhà, bắt giữ 4 ông trung tướng: Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim và thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ.

Cùng lúc, thiếu tướng Lâm Văn Phát có mặt tại Bộ Tổng tham mưu với một số sĩ quan cao cấp khác theo dõi tình hình. Đến hừng sáng, mọi việc đạt kết quả một cách hoàn hảo, không có tiếng súng, đến nỗi ít ai biết một cuộc binh biến vừa xảy ra trong đêm. Ngay hôm sau, 5 ông tướng bị bắt, được giải giao ra quản thúc tại Đà Nẵng, với tội danh mơ hồ: Chủ xướng trung lập, bị đặt dưới sự cai quản của đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh phó Quân đoàn 1.

Nguyễn Khánh lên ngôi, tự gọi đó là cuộc chỉnh lý. Ngày 2/2/1964, thiếu tướng Lâm Văn Phát được đưa lên làm Tư lệnh Quân đoàn 3, thay thế Trần Thiện Khiêm vừa nhảy tót lên chức Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Đến ngày 4/4/1964, Lâm Văn Phát lại được mời làm Tổng trưởng Nội vụ. Lên vù  vù, Lâm Văn Phát cũng chưa hài lòng. Trong mắt Phát, bộ ba Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên "ăn" dễ quá. Ông ta lại rắp tâm đảo chính.

Phát âm thầm móc nối với Trung tướng Dương Văn Đức, Tư lệnh Quân đoàn 4 để mưu cầu đại sự. Nếu thành công, tướng Đức hạ bệ được Nguyễn Khánh, Phát sẽ lăm le ghế thủ tướng, hay ít nhất cũng Tổng Tham mưu trưởng quân đội.

Ngày 13/9/1964, Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát xua Quân đoàn 4 tiến về Sài Gòn. Nhưng, chỉ là một cuộc đảo chính… tập sự. Người miền Nam trước năm 1975 thường có câu mai  mỉa: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Mỹ!".

Không được người Mỹ ủng hộ, Dương Văn Đức không biết giương ngọn cờ nào, không dám nhận là đảo chính, chỉ gọi cuộc binh biến của mình là "biểu dương lực lượng", dù cũng chẳng biết "biểu dương lực lượng" để làm gì? Lâm Văn Phát cũng chỉ là một tay ấm ớ hội tề, miệng hùm gan sứa. Khí thế đang hừng hực, cả hai bỗng ra lệnh dừng quân tại Phú Lâm để chờ, mà chưa biết mình chờ đợi cái gì!!!

Lập tức, tướng Nguyễn Cao Kỳ và một số tướng tá trẻ đang phò Nguyễn Khánh, vừa mở cuộc điều đình, vừa hăm dọa Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát. Theo đó, nếu hai kẻ hữu dũng vô mưu này chịu rút quân về sẽ được giữ nguyên chức vụ cũ, còn không sẽ bị ném bom. Hoảng quá, Dương Văn Đức ra lệnh lui binh. Mấy ngày sau, được mời về Sài Gòn, Dương Văn Đức vẫn ngây thơ đến độ tưởng Nguyễn Khánh muốn giải kết mâu thuẫn trong tình "huynh đệ chi binh". Nào ngờ, ông ta bị bắt tạm giam luôn!

Sau đó cả Dương Văn Đức - Lâm Văn Phát và một số sĩ quan khác đã bị Nguyễn Khánh cách chức và buộc phải rời khỏi quân đội. Giận mình thua trí người ta, trung tướng Dương Văn Đức phát luôn cơn tâm thần!

Ai cũng tưởng, tới đây Lâm Văn Phát đã hết lửa. Nào ngờ đến ngày 19/2/1965, ông ta lại tham gia cuộc đảo chính do Đại tá Phạm Ngọc Thảo (một chiến sĩ Cách mạng hoạt động trong lòng địch, nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”) cầm đầu.

Kế hoạch của Đại tá Thảo được thực hiện gần như hoàn chỉnh, tưởng chừng như đã gặt hái thành công khi lực lượng của ông đã chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, bến Bạch Đằng, Bộ Tổng tham mưu và suýt  bắt được Nguyễn Khánh. Vừa ăn trưa xong tại một biệt thự trong Bộ Tổng tham mưu, thấy có biến, Nguyễn Khánh vội trốn qua phi trường gặp tướng Nguyễn Cao Kỳ, Tư Lệnh Không quân, cả hai trốn lên phi trường Biên Hòa. Kỳ đã cho một máy bay chở Nguyễn Khánh xuống Vũng Tàu lánh nạn.

Các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi cầm đầu nhóm tướng trẻ chống lại đảo chính, chặn kế hoạch của Phạm Ngọc Thảo - Lâm Văn Phát nhưng cũng không phò trợ Nguyễn Khánh - người  đã bị nhóm đảo chính tước bỏ quyền lực.

Ngày 25/2/1965, Nguyễn Khánh buộc phải rời Việt Nam, sống đời lưu vong dưới danh nghĩa "đại sứ lưu động" của Việt Nam Cộng hòa, một đại sứ không có nhiệm sở, không biết trình ủy nhiệm thư ở đâu! Những người cầm đầu cuộc đảo chính và 13 sĩ quan tham gia bị gọi ra trình diện. Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã không chấp hành. Ông bị bắt và bị thủ tiêu một cách mờ ám. Còn Lâm Văn Phát thì đã nhanh nhảu ra trình diện và được tha.

Từ đó, Phát chìm vào bóng tối suốt 10 năm liền. Bỗng dưng, ngày 28/4/1975, người ta thấy Lâm Văn Phát tái xuất trong vai trò Tư lệnh Biệt khu Thủ đô của Chính phủ Dương Văn Minh, chỉ huy tàn quân phòng thủ Sài Gòn. Nhiều người cho rằng Lâm Văn Phát là kẻ bất trí, chỉ tham quyền chức. Chỉ hai ngày sau, ông ta được mang hia, đội mão để dẫn quân lính ra... đầu hàng Quân Giải phóng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem