Vì sao Hà Nội là địa phương chậm thay đổi nhất?

Infonet Thứ bảy, ngày 18/04/2015 15:00 PM (GMT+7)
Thời gian để 1 doanh nghiệp tại Hà Nội thực hiện đăng ký DN lên tới 15 ngày và một nửa thời gian này dành cho việc sửa đổi hồ sơ để hợp lệ, trong khi thời gian trung bình chỉ là 12 ngày.
Bình luận 0

Đó là một trong những điểm bất cập rút ra từ khảo sát thực tế của DN khi đánh giá mức độ cải thiện, tính năng động của chính quyền Hà Nội, được nêu lên trong bảng báo cáo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI) 2014 vừa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

Bảng xếp hạng PCI 2014 năm nay đánh dấu sự thay nỗ lực vươn lên của nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, khi thứ bậc xếp hạng tăng 7 bậc, từ vị trí 33 năm 2013 lên vị trí 26. Nhưng dù thăng hạng, trong con mắt đánh giá của các doanh nghiệp (DN) cả trong và ngoài nước, Hà Nội vẫn được coi là kém năng động và chậm thay đổi nhất trong điều hành của chính quyền địa phương.

img

Cải thiện thứ bậc xếp hạng PCI, nhưng Hà Nội vẫn bị đánh giá là kém năng động và chậm cải thiện nhất trong số các tỉnh, thành phố

Kết quả điều tra PCI năm 2014 cho thấy, trung bình 1 DN chuẩn bị thành lập mất 12 ngày để có được giấy đăng ký DN. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ DN, tổng thời gian bỏ ra để thực hiện đăng ký vẫn dài, chưa có dấu hiệu được rút ngắn, đặc biệt là khâu chuẩn bị, sửa đổi bộ hồ sơ cho đến khi được coi là hợp lệ. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu trong danh sách các tỉnh, thành có thời gian thực hiện đăng ký DN lâu nhất, tới 15 ngày và một nửa thời gian này dành cho việc sửa đổi hồ sơ để hợp lệ.

Và trong khi Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về mức độ cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài, thì Hà Nội lại là địa phương ít năng động nhất trong việc giải quyết vướng mắc cho DN FDI, với tỷ lệ 39% trì hoãn, xin ý kiến và chờ cơ quan  trung ương giải quyết. Chưa kể, Hà Nội cũng nhận điểm kém về lĩnh vực gia nhập thị trường, khi chưa đến 30% DN FDI có thể hoàn thiện thủ tục pháp lý để có được giấy phép kinh doanh.

Không chỉ các DN dân doanh tham gia khảo sát “kêu” về mức độ “chậm chạp” cải thiện của Hà Nội, mà kết quả điều tra từ các DN FDI cũng cho thấy, Hà Nội tuy là địa phương có tỷ lệ chung các DN nộp chi phí không chính thức thấp, nhưng lại gia tăng cao đáng kể tần suất tham nhũng “vặt” trong quá trình đấu thầu các hợp đồng với cơ quan Nhà nước.

Lý giải về những yếu kém của Hà Nội – dù là Thủ đô của cả nước, nhưng lại thua những tỉnh, thành khác về mức độ năng động của chính quyền, GS.TS Edmund Malesky - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho rằng, “tình hình Hà Nội có những điểm đặc thù, khó khăn hơn các tỉnh, thành khác. Bởi đây là nơi đặt các cơ quan hành chính trung ương, diện tích hành chính lại rộng, do sáp nhập với tỉnh Hà Tây (cũ) và gồm một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc … nên chính quyền địa phương gặp khá nhiều khó khăn trong việc quản lý, cũng như đưa ra được những giải pháp độc lập hoàn toàn”. 

Riêng về chi phí không chính thức, phí “bôi trơn” thì GS. Malesky thừa nhận, đúng là Hà Nội đang là địa phương chậm cải thiện nhất do liên quan tới sự gia tăng chi phí không chính thức mà DN phải chi trả. Không cần phải đi đâu xa mà ngay những dữ liệu mà nhóm nghiên cứu có được trong quá trình khảo sát cũng đủ để minh chứng.

 Theo ông, một số nhà đầu tư có thể không cảm thấy phiền khi phải trả chi phí “bôi trơn”, song điều này lại phản ánh thực tế khá tiêu cực. Và đa số các DN FDI này không phải là DN làm ăn hiệu quả, họ chấp nhận mất phí để có được hợp đồng làm ăn kinh doanh trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn đây lại là “con dao hai lưỡi”.

“Các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn chân chính tại Việt Nam không muốn phải đưa hối lộ cho quan chức, chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước… mà họ muốn được cạnh tranh trong môi trường thực sự minh bạch, lành mạnh. Nhiều DN buộc phải chấp nhận trả phí này để chờ đợi môi trường được cải thiện hơn”- ông nói.  

Đồng tình với GS. Edmund Malesky về vấn đề tham nhũng “vặt”, phí bôi trơn đang nhũng nhiễu và gây phiền hà cho DN cả trong nước và nước ngoài, ông Đậu Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho rằng, chi phí không chính thức vẫn không ngừng tăng lên, DN phải thường xuyên đối mặt và chi “khống” những khoản chi phí này sẽ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội, mà Việt Nam phải giải quyết.

 Vị này khuyến nghị, cần thêm nhiều sáng kiến mang tính chính thống, bao quát hơn để giảm thiểu chi phí “bôi trơn” không đáng có cho DN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem