Vì sao hàng nhái thương hiệu Chanel, Gucci, Adidas... tràn lan trên các kênh thương mại điện tử?
Vì sao hàng giả thương hiệu Chanel, Gucci, Adidas... tràn lan trên các kênh thương mại điện tử?
Quang Dân
Thứ tư, ngày 15/07/2020 13:09 PM (GMT+7)
Nhiều ông chủ 9x, 2000 sử dụng hình ảnh hào nhoáng, siêu xe để lôi kéo đối tượng khác cùng làm giàu bằng những cách bất hợp pháp. Hay như sinh viên nữ, cán bộ văn phòng xách túi LV đi làm, mặc áo Gucci, đi giày Adidas... chính là "đất diễn" cho hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng trên các kênh thương mại điện tử.
Liên tục phát hiện hàng nhái, hàng giả số lượng lớn
Chiều ngày 7/7/2020, Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An đã tấn công vào một kho hàng lậu hơn 10.000m2 có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai.
Bên trong kho hàng rộng khoảng 10.000m2 chứa hàng trăm nghìn mặt hàng gồm giày, dép, đồng hồ, túi xách... không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí còn nghi giả mạo nhãn hiệu của các hãng lớn như Nike, Adidas, LV, Chanel, Gucci... Lực lượng Quản lý thị trường vẫn đang phân loại, kiểm đếm số hàng lậu để tạm giữ.
Cơ quan chức năng vẫn đang phân loại, thống kê nên chưa có con số chính thức, song ước tính số lượng hàng hóa bày bán và chứa trữ trong kho phải lên đến hàng trăm ngàn.
Qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện nhóm đối tượng này bán ra thị trường trên 90.000 đơn vị sản phẩm mỗi tháng, phục vụ cho 30.000 đơn hàng, với doanh số bình quân khoảng 10 tỷ đồng mỗi tháng. Như vậy, đã có hàng triệu sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua.
Tiếp đó, ngày 10/7, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 03), Công an tỉnh Bắc Ninh và Công an TX.Từ Sơn kiểm tra 7 cửa hàng kinh doanh quần áo và phụ kiện thời trang tại dốc Baza P.Đình Bảng, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh.
Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh các mặt hàng quần áo thời trang, túi xách, phụ kiện thời trang, giày dép có dấu hiệu giả nhãn Burberry, Lacoste, Gucci, Chanel, LV... và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 33.488 sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang, giày dép có dấu hiệu vi phạm trên để xác minh làm rõ theo quy định.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 5 chủ trì, phối hợp cùng Đội 3 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Blue Kinh Bắc, phát hiện số hàng hóa trị giá hơn 1,12 tỷ đồng là sản phẩm lưỡi cưa, mũi khoan mang dấu hiệu giả mạo các thương hiệu như Bosch, Damahad.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường. Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn và bán lẻ, trong đó có hình thức bán hàng thông qua việc livestream rất thịnh hành thời gian gần đây.
Vụ việc này gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn, đặc biệt với các mô hình thương mại điện tử.
Tâm lý "làm màu, sống ảo" của giới trẻ là tác nhân giúp hàng nhái hàng giả gia tăng
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phan Anh, CEO PA Maketing, Chuyên gia Maketing online, cho biết vấn nạn này đã có từ lâu trước khi xuất hiện thương mại điện tử. Thời điểm xã hội bắt đầu hình thành thị trường thương mại, hoạt động mua bán, trao đổi nhằm tìm kiếm lợi nhuận thì "con buôn, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái" cũng đồng thời xuất hiện.
"20 năm trước, không có thương mại điện tử nhưng mình vẫn ra chợ mua Adidas, vẫn mua túi Gucci đầy đấy thôi. Câu chuyện thương mại điện tử chỉ làm cho vấn nạn đó trở nên trầm trọng hơn, trước tốc độ của trao đổi thông tin chúng ta cảm thấy nó nhiều hơn", ông Phan Anh cho hay.
Theo ông Phan Anh, ngoài mặt tích cực của thương mại điện tử trong việc thương mại hóa, kênh bán hàng này hiện đang tồn tại nhiều lỗ hỏng giúp người bán hàng dễ dàng qua mặt được các cơ quan quản lí. Trong đó, đáng kể như việc đăng ký bán hàng dễ dàng; khó xác minh thông tin, địa chỉ, chất lượng hàng hóa được bày bán trên các kênh... Chính điều này dẫn đến tâm lý ham lợi, coi thường pháp luật của một bộ phận nhỏ người bán hàng.
"Trường hợp shop, cửa hàng bán offline, phải đăng ký thông tin tới cơ quan chức năng, quản lí thị trường. Lúc này, người bán hàng lo sợ bị thanh tra, kiểm tra nên bán hàng chính hãng, hoặc hàng có nguồn gốc rõ ràng. Còn bán hàng online việc kiểm tra rất khó. Do vậy, xu hướng bán hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng nhiều hơn. Cái đó phần nào bởi tâm lý con người, ví dụ như đi ban ngày người ta vượt đèn đỏ ít hơn là đi ban đêm", ông Phan Anh phân tích.
Bên cạnh đó, phương pháp của người bán hàng Việt Nam vẫn có tư duy manh mún, chộp giật, làm giàu ăn xổi. Vấn đề này thuộc về tư duy hệ tư tưởng, mà thể hiện rõ nhất là các lớp dạy làm giàu vẫn khuyến khích bán hàng bất chấp.
Nhiều ông chủ 9x, 2000 sử dụng hình ảnh hào nhoáng, siêu xe để lôi kéo đối tượng khác cùng làm giàu bằng những cách bất hợp pháp.
Đồng thời, xét ở góc độ tiêu dùng, người Việt cũng thích dùng hàng hiệu nhái, đó là tâm lí tiêu dùng. Ví dụ như sinh viên thích xách túi LV đi học, hay công sở thì thích mặc áo Gucci đi làm, trong khi đó tài chính hạn hẹp, buộc phải mua hàng giả hàng nhái.
Ngoài ra, chế tài chưa đủ mạnh không đủ sức răn đe cho nhiều người buôn bán hàng nhái hảng giả. Mức phạt với các trường hợp vi phạm quá ít so với lợi nhuận mang lại. Trong khi đó, đa số người kinh doanh hàng hóa này đều hoạt động lén lút nên nguồn thu thuế cho ngân sách cũng bị hao hụt đáng kể.
"Ví dụ như chuyện rượu bia, từ khi nghị định 100 có hiệu lực, tỉ lệ người có nồng độ cồn ra ngoài đường đã hạn chế đi đáng kể. Tương tự, chúng ta không cho phép hàng giả hàng nhái nữa thì các hình thức xử phạt thật nặng. Đối với các hành vi gây tổn hại sức khỏe, an toàn người tiêu dùng nên hình sự hóa phạt tù nhiều năm, nhiều tháng hoặc bồi thường rất nặng sẽ phần nào giảm được nạn hàng nhái, hàng giả hiện nay", ông Phan Anh phân tích.
CEO PA Maketing Phan Anh nhận định, nền thương mại của những nước phát triển như nước Nhật, Mỹ... có tỷ lệ hàng nhái ít, bởi vì pháp luật rất nghiêm. Bên cạnh đó, doanh nhân, người bán hàng luôn nghĩ đến việc kinh doanh bền vững, tuân thủ đạo đức, tuân thủ pháp luật. Người bán hàng lấy lợi ích của người tiêu dùng đặt lên hàng đầu.
Để Việt Nam hướng tới môi trường như vậy, ông Phan Anh cho rằng, trước hết nhà nước phải bảo vệ cho những người làm ăn chân chính. Bởi hiện nay tình trạng thanh tra, kiểm tra vòi vĩnh khiến DN có phần "mỏi mệt".
Ngoài ra, cần chế tài xử phạt nặng hơn cho các trường hợp vi phạm. Mong muốn Chính phủ có những chính sách cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận tốt hơn với thương mại điện tử, kích thích tiêu dùng hàng trong nước.
"Vốn dĩ hàng Việt Nam khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc vì hàng Trung Quốc rẻ, đẹp, lại luôn có số lượng lớn, vận chuyển nhanh sang Việt Nam được. Các rào cản về thuế, kiểm tra không có nên những người làm ăn chân chính thường bị thua thiệt nhiều hơn", ông Phan Anh nói.
Sợ người tiêu dùng tẩy chay vì "công khai hàng giả"
Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào, nói: “Doanh nghiệp cực kỳ mệt mỏi với hàng giả, hàng nhái, nhưng không thể né tránh sự thật mà phải chủ động “sống chung với lũ”. Chúng tôi đầu tư nhiều công nghệ hiện đại, tem chống giả, đầu tư hệ thống chính sách bán hàng tại các tỉnh và nếu phát hiện hàng nghi vấn giả mạo sản phẩm công ty, chúng tôi sẵn sàng thu hồi về, chấn chỉnh khâu phân phối, tiếp thị, có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng”.
Một doanh nghiệp khác cho biết đang phải chi hàng tỷ đồng mỗi năm cho công tác chống hàng giả, hàng nhái. Vì nếu doanh nghiệp không chủ động bảo vệ thương hiệu mà chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng là không hiệu quả, rơi vào cảnh “được vạ, má sưng”. Thế nhưng, như doanh nghiệp thừa nhận, đang có tình trạng hàng thật “sợ” hàng giả.
Nếu lực lượng chức năng phát hiện hàng giả nhiều quá, báo chí vào cuộc thì người tiêu dùng tẩy chay, ảnh hưởng đến mãi lực. Do vậy, chính doanh nghiệp thừa nhận, họ từng phối hợp với cơ quan chuyên trách bắt hàng loạt vụ sản xuất hàng giả quy mô lớn, nhưng thông tin xử lý sau đó giấu hết.
Không cạnh tranh nổi về giá
Theo một giám đốc doanh nghiệp chuyên doanh mỹ phẩm có thương hiệu tại TPHCM, công ty ông nhiều năm qua phải chật vật với các sản phẩm nhái bán tràn ngập ở chợ truyền thống. Vị này cho biết, một chai nước hoa chính hãng, loại 50ml-100ml, của công ty có giá từ 1 - 2 triệu đồng/chai, tùy loại, nhưng giá trên thị trường chỉ 100.000 - 200.000 đồng/chai. Hàng hóa tập trung nhiều tại chợ lẻ, điểm kinh doanh gần khu công nghiệp, khu chế xuất… Doanh nghiệp phải âm thầm tự đi xử lý các trường hợp vi phạm bằng cách yêu cầu họ ngưng làm nhái nhưng rất khó khăn.
Tương tự, chị Nguyễn Khánh Vân, chủ một cửa hàng chăn ga gối nệm tại Hà Nội cho biết, ngoài mức giá nhập vào cao hơn so với hàng nhái hàng giả của hàng chị còn phải tập trung thủ tục giấy tờ cho các kỳ kiểm tra của lực lượng chức năng, rất mất thời gian. Ngoài ra, với hệ thống livestream trên mạng internet, các cơ sở khác không ngại sử dụng các chiêu trò như "khoe hàng, ăn mặc hở hang", thậm chí chụp giật các khách đã có tương tác về sản phẩm bên cửa hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.