Vì sao kinh tế Việt Nam được kỳ vọng "lấy lại hào quang", tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á?

An Linh Thứ sáu, ngày 26/07/2024 11:01 AM (GMT+7)
Các tổ chức quốc tế kỳ vọng, GDP trong năm 2024 của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao, bất chấp kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nội tại vẫn còn.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã phát hành báo cáo về kinh tế Việt Nam, có tên "Vietnam at a glance - Lấy lại hào quang".

Báo cáo đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 6,5% (trước đó là 6%) và giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%. Trong quý 2/2024, GDP của Việt Nam đã vọt lên 6,9% so với cùng kỳ năm trước, gần như là mức cao nhất trong 2 năm gần đây.

Kinh tế Việt Nam "lấy lại hào quang"

Với dự báo tăng trưởng 6,5%, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023.

Vì sao kinh tế Việt Nam được kỳ vọng "lấy lại hào quang", tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á?- Ảnh 1.

KInh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và "lấy lại ánh hào quang" là nhận định của các báo cáo tổ chức quốc tế (Ảnh: Lê Tiên).

Theo báo cáo của HSBC, tình hình thương mại tươi sáng, chỉ số quản trị thu mua (PMI) tăng lên 54,7 điểm, vượt ngưỡng, cao nhất trong hai năm liền kề.

Triển vọng FDI dài hạn vẫn luôn là một điểm sáng. Mặc dù đã giảm so với đỉnh của năm 2017, FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn với vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10 tỷ USD trong 6 tháng (tương đương 4% GDP). Vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng nổi lên với tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình suy giảm năm ngoái.

Xu hướng xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, trong đó 6 tháng đầu năm kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 371 tỷ USD, xuất siêu hơn 12,1 tỷ USD (tương đương số xuất siêu cả năm 2022, bằng 43% so với cả năm 2023).

Trước đó, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng quý 6 tháng cuối năm 2024, trong đó có đề cập kịch bản tăng trưởng thấp nhất là GDP tăng trưởng 6,5%, kịch bản tăng trưởng cao lên tới 7,0%.

Theo các kịch bản tăng trưởng cao mà Bộ KH&ĐT đưa ra, các chuyên gia của Trường Đại học Thương mại cho rằng năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt trên 790,5 tỷ USD, xuất siêu có thể đạt trên 27 tỷ USD. Mức xuất siêu này chỉ thấp hơn 1 tỷ USD so với mức xuất siêu kỷ lục được lập ra trong năm 2023.

Một chính sách đang nhận được sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư nước ngoài là Quỹ hỗ trợ đầu tư sau khi Việt Nam áp dụng thuế Tối thiểu toàn cầu 15% từ năm tài chính 2024 đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu hơn 750 triệu Euro/năm.

Theo chuyên gia của WB, nếu Việt Nam sớm cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi thuế Tối thiểu toàn cầu 15%, chắc chắn quy mô và dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng rất mạnh, đặc biệt là các tập đoàn toàn cầu; Việt Nam có nhiều lợi thế về địa chính trị, hợp tác FTAs và là nền kinh tế trẻ, năng động và mức chi tiêu ngày càng tăng.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhìn nhận, qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. "Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39-40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023", ông Phương nói.

Về kịch bản tăng trưởng, lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định: Sẽ cố gắng thực hiện ở mức cao nhất trong khả năng. "Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%".

Ông Phương lý giải, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trên nếu khắc phục được những hạn chế, bất cập và hiện nay có nhiều điều kiện để tăng trưởng cao như kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế quan trọng, nền kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội phê chuẩn thực thi sớm 3 luật Đất đai, Kinh doanh Bất động sản, Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thay vì ngày 01/01/2025 được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn và "lực đẩy cho nền kinh tế phát triển tốt hơn.

Khơi thông thị trường vốn, gỡ "nút thắt" cho đầu tư công

Theo chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh, cơ hội để tăng trưởng từ nay cuối năm tốt lên nhờ vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu, xuất khẩu là cứu cánh cho Việt Nam. Trong khi đó, tình hình trong nước, chúng ta cần khơi thông tín dụng vào sản xuất, tiền phải quay lại vào hệ thống ngân hàng để gia tăng phát triển. Thị trường vốn cần lực đỡ, lực đẩy để hút vốn dài hạn cho doanh nghiệp. Đầu tư công cần kiên quyết, có giải pháp mạnh để giải ngân nhanh, nhiều và hiệu quả làm lực đỡ, lực đẩy cho các khu vực khác.

Vì sao kinh tế Việt Nam được kỳ vọng "lấy lại hào quang", tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á?- Ảnh 2.

Cần khơi thông dòng tiền cho thị trường vốn để hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài. Bên cạnh đó cần giải pháp gỡ vốn đầu tư công khi 6 tháng mới chỉ giải ngân được chưa đầy 30% (Ảnh: Bộ KH&ĐT).

"Chúng ta đang đứng trước cơ hội phát triển và hoàn thiện được hệ thống đường bộ cao tốc, đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Khi chúng ta hoàn thành, sẽ giảm chi phí logistics, hình thành được nhiều doanh nghiệp xây dựng, cầu đường lớn, tạo bản lề cho hiện đại hóa quốc gia. Đó là cái được trước mắt cũng như lâu dài", ông Doanh phân tích.

Còn theo chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), muốn tăng trưởng cần xây dựng thị trường vốn lành mạnh, ổn định. Theo vị này, hiện chi phí vốn quá cao cho doanh nghiệp sản xuất, trong khi khó khăn đầu ra ngày một lớn.

"Những khó khăn của thị trường vốn đang khiến doanh nghiệp chưa mặn mà huy động cho dài hạn. Quan trọng nhất vẫn là thị trường vốn (kênh chứng khoán, trái phiếu) vẫn có chi phí rẻ, dài hạn và dễ cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần sớm ổn định thị trường này để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận hơn", vị chuyên gia bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem