Vì sao người Việt xưa đặt tên "nam Văn, nữ Thị"?

Thứ hai, ngày 20/11/2023 18:32 PM (GMT+7)
Người Việt từ xưa khi đặt tên cho con thường không quên chữ đệm: "Văn" cho con trai, "Thị" cho con gái để phân biệt giới tính ngay trong cách gọi hàng ngày.
Bình luận 0

Từ thuở xa xưa, trong cách đặt tên con của người Việt đã xuất hiện các cụm từ thường xuyên đệm trước tên chính như nam Văn nữ Thị, đây cũng là một nét truyền thống lâu đời được gìn giữ tới tận hôm nay.

Điều này cũng giống như ở phương Tây, khi đọc tên một cá nhân, người ta có thể biết được đàn ông hay phụ nữ vì đặc trưng riêng của nó. Người Việt xưa cũng vậy, các cụ thường đệm chữ "Văn" cho con trai và chữ "Thị" cho con gái để giúp người khác có thể phân biệt giới tính ngay trong cách gọi.

Tại sao lại như vậy?

Vì sao người Việt xưa đặt tên "nam Văn, nữ Thị"? - Ảnh 1.

Tên con trai thường đệm Văn

Trong tên người đàn ông Việt Nam có nhiều từ được sử dụng làm tên đệm, nhưng chữ Thị nhất định không bao giờ được sử dụng. Thông thường nhất vẫn là chữ Văn.

Ông bà ta từ xưa đã tương truyền câu nói "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhằm muốn chỉ ra rằng một người con trai bằng mười con gái, bởi vốn dĩ trong các triều đại phong kiến, chỉ có đàn ông mới là thành phần được trọng dụng.

Họ được đi học, đi thi để có kiến thức sau này sẽ làm được việc lớn, cống hiến hiền tài cho quốc gia,gọi là người có chữ nghĩa.

Vì sao người Việt xưa đặt tên "nam Văn, nữ Thị"? - Ảnh 2.

Do đó, chữ Văn thường đặt kèm trong tên đệm của đàn ông Việt được ví như ước mơ của bậc cha mẹ muốn con cái của mình là người có học thức, được công thành, danh toại, xây được nghiệp lớn.

Cuối cùng, thói quen đặt tên cho con trai dần được hình thành và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt đến tận bây giờ.

Do đó, hiện nay nhiều người thường đặt tên con theo công thức sau: Họ + Văn + Tên.

Thậm chí, khi xã hội phát triển, một số phụ huynh vẫn giữa lại Văn trong tên của con như để nhớ đến cội nguồn cha ông, đồng thời mong ước con cái mình khi lớn lên sẽ có một tương lai, con đường sự nghiệp phát triển, thuận buồm xuôi gió.

Tên con gái thường đệm Thị

Về nguồn gốc chữ Thị trong tên lót của con gái bắt đầu xuất hiện sau thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Theo đó Thị là một từ Việt gốc Hán dùng để chỉ phụ nữ.

Trong quyển Từ nguyên từ điển có câu Phu nhân xưng thị (đàn bà gọi là thị). Ngoài ra nó là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng.

Xung quanh việc sử dụng chữ Thị để đặt tên cho con gái cũng có nhiều tranh cãi. Từ Thị nguyên gốc có nghĩa là họ hoặc ngành họ. Người Trung Hoa thường dùng chữ Thị sau tên của người chồng thay cho tên cúng cơm của người phụ nữ đó.

Nhưng khi sang đến Việt Nam thì có sự khác biệt: Phụ nữ trong nhà quyền quý Việt Nam thì vẫn giữ họ cha và thêm chữ Thị phía sau.

Vì sao người Việt xưa đặt tên "nam Văn, nữ Thị"? - Ảnh 3.

Ví dụ: như Cù Hậu khi chưa lên ngôi hoàng hậu thì gọi là Cù Thị hay lâu lâu trong những tài liệu cổ vẫn nghe những danh xưng như: Hoàng hậu Dương thị, bà phi Nguyễn Thị… dịch ra là bà hậu họ Dương, bà phi họ Nguyễn…

Đến khoảng thế kỷ 15, chữ Thị dần gắn liền với tên và họ của nữ giới, như một cách khẳng định gốc gác của người đó, tạo thành công thức đặt tên: Họ + Thị + Tên.

Tuy nhiên, ngày nay công thức đặt tên "nam Văn, nữ Thị" dường như đã được thay đổi ít nhiều. Do làn sóng hội nhập quốc tế, văn hóa phát triển nên mọi thứ đã dần được đổi khác. Có không ít gia đình đã sử dụng các tên đệm khác có ý nghĩa đẹp hơn để kết hợp với tên chính thức.

Tuy nhiên, nói đi nói lại, cách đặt tên "nam Văn nữ Thị" vẫn tồn tại như một điều đã ăn sâu vào thói quen và văn hóa của người Việt đến tận bây giờ.



PV (Theo SHTT&ST)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem