Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc thích mua lá dong, lá chuối, lá tre mọc đầy vườn, cho không ai lấy ở Việt Nam?

Minh Huệ Thứ ba, ngày 11/10/2022 06:00 AM (GMT+7)
Vài năm gần đây, Công ty CP Ameii thường xuyên có đơn hàng xuất khẩu các loại lá đi nước ngoài, như lá chuối, lá dong, lá nếp, lá chanh… Sản lượng xuất khẩu mỗi loại từ 5 – 10 container (khoảng 250 tấn), trong đó thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu rất ưa chuộng các loại lá từ Việt Nam.
Bình luận 0

Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu các loại lá dong, lá chuối, lá tre... 

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii cho biết, vài năm gần đây, Ameii thường xuyên có đơn hàng xuất khẩu các loại lá đi nước ngoài, như lá chuối, lá dong, lá nếp, lá chanh… Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu. Ngoài ra, công ty cũng xuất khẩu một số mặt hàng khác như củ sả, hành tím, tỏi, củ riềng, gừng... 

Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc thích mua lá dong, lá chuối, lá tre mọc đầy vườn, cho không ai lấy ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Công ty CP Ameii Việt Nam thu mua 750 đồng/lá dong, 10.000 đồng/kg lá chuối của nông dân để xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc... Ảnh: baohaiduong

Trung bình Ameii xuất khẩu mỗi loại từ 5 – 10 container (khoảng 250 tấn). Các loại lá chuối, lá tre, lá chanh ở Việt Nam rất phổ biến, giá bán rất rẻ, thậm chí nếu không phải vào mùa làm bánh hay ngày rằm, lễ tết, nhiều nơi người ta chỉ vứt đi. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu, những loại lá này rất hiếm, giá đắt đỏ mà nhiều khi không mua được. 

Ví dụ như ở Nhật Bản, do cây chuối chỉ có thể trồng ở hòn đảo Okinawa - nơi khí hậu ấm áp, vì vậy lá chuối Okimana được bán với mức giá khá cao.

Hay lá tre vốn được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng vì chúng dùng để gói bánh, gói thực phẩm hay trang trí thức ăn. Lá tre xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách. 

Hiện giá lá tre tươi xuất khẩu khoảng 10.000 đồng/kg, cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ.

Trong khi đó, lá chanh được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn ở phương Tây và cũng được doanh nghiệp thu mua để xuất sang thị trường châu Âu. Lá chanh xuất khẩu với 2 dạng: dạng gia vị được đóng gói chung với riềng, ớt hiểm và sả cây cho món lẩu Thái; dạng bao gói lá chanh nhỏ và được cấp đông hoàn toàn.

Bà Ngô Thị Thu Hồng cho biết, mặc dù nhiều thị trường có nhu cầu mua các loại lá của Việt Nam, song Ameii cũng chủ yếu làm theo thời vụ, nhất là những loại lá dong, lá chuối, lá tre thường được dùng làm bánh, gói giò nên lượng xuất khẩu thường tập trung nhiều vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán. 

"Có lúc chúng tôi thu mua củ sả giá 12.000 đồng/kg để xuất khẩu, trong khi cùng thời điểm nếu bán trong nước thì chỉ được 2.000 đồng/kg. Tương tự, lá chuối thu mua trong nước giá khoảng 10.000 đồng/kg, lá dong 750 – 800 đồng/lá. Mặc dù lâu nay nhiều loại lá bà con thường vứt đi, nhưng khi chúng tôi cần thì không phải lúc nào cũng có hàng, phải đi vét sạch hết các vùng" – bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, nước ta có rất nhiều loại lá có thể xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần giải quyết bài toán luân canh của bà con nông dân. Hiện tại chủ yếu bà con trồng xen chứ chưa có vùng tập trung, vì vậy doanh nghiệp muốn phát triển, đẩy mạnh thu mua cũng khó. 

"Hiện nay, thị trường tiềm năng nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, họ thu mua nhiều và thu mua với giá cao. Vận chuyển bằng đường biển nên khá thuận lợi,thị trường châu Âu có thu mua nhưng vì đi đường máy bay, phải đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản lượng xuất khẩu không được nhiều" - bà Hồng thông tin. 

Vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc thích mua lá dong, lá chuối, lá tre mọc đầy vườn, cho không ai lấy ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam thu về 0,84 triệu USD từ xuất khẩu lá chuối.

Về tiêu chuẩn xuất khẩu các loại lá, tuỳ theo từng thị trường, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều chỉ tiêu khác nhau. 

"Ví dụ xuất khẩu lá dong, lá chuối, hay lá chanh đi Nhật, chúng tôi phải test tổng cộng hơn 800 chỉ tiêu, gồm các chỉ tiêu về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng các loại hoá chất cấm, các quy định về kiểm dịch thực vật... Sản phẩm nào phải có tiêu chuẩn của sản phẩm đó, vì thế chúng tôi phải kiểm tra từ vùng trồng, đạt tiêu chí mới thu mua. Hạn chế hiện nay là bà con trồng chủ yếu tự phát, không có quy hoạch, không theo tiêu chuẩn, nên doanh nghiệp khi thu mua mất nhiều công sức kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm" - bà Hồng cho biết thêm. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam bất ngờ thu lượng ngoại tệ lớn từ việc bán đủ các loại lá, lại là những thứ lá rất bình dân, từ trước đến nay chỉ để bổ sung làm thức ăn cho gia súc hoặc bỏ đi.

Cụ thể, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt 1,122 triệu USD, tăng tới 35,8% so với tháng 8/2021; tính chung 8 tháng năm 2022, Việt Nam thu được 6,059 triệu USD nhờ bán đủ thứ lá chuối, lá sắn, lá chuối, lá diễn,.. cho thị trường thế giới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, xuất khẩu lá sắn thu về 1,6 triệu USD; lá tre là 1,1 triệu USD; lá chuối, lá khoai lang và lá diễn thu về lần lượt là 0,84 triệu USD, 0,52 triệu USD và 0,35 triệu USD. Trong khi, các loại lá khác xuất khẩu đạt 1,66 triệu USD.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem