Vì sao nhiều "đại gia" thủy sản lâm cảnh vỡ nợ?

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 22/03/2017 13:20 PM (GMT+7)
Không chỉ có dự án liên kết sản xuất cá tra ở tỉnh An Giang đổ bể, thời gian qua, ở ĐBSCL, nhiều mô hình liên kết theo các hình thức khác cũng xảy ra tình trạng tương tự mà việc khắc phục hậu quả rất khó khăn.
Bình luận 0

Liên kết đầu vụ, cuối vụ tháo chạy

Như Báo NTNN đã thông tin, sau nhiều lần họp, đưa ra làng loạt phương án, mới đây, ngày 7.3, Tổ xử lý Dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra tỉnh An Giang, các hộ dân và ngân hàng đã có buổi họp thống nhất cách giải quyết chung.

img

Người nuôi cá tra ở An Giang trình bày với đại diện cơ quan chức năng về đổ vỡ của dự án liên      kết với Tafishco và ngân hàng.  Ảnh: H.X

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp, đại gia gặp hoàn cảnh khó khăn, vỡ nợ... đa phần chuyển từ doanh nghiệp thương mại sang  nuôi trồng, chế biến thủy hải sản. Do nghiên cứu thị trường không kỹ, không am hiểu luật pháp của các nước nhập khẩu dẫn đến đơn hàng không xuất được hoặc bị chậm, hủy, dẫn đến những hệ luỵ khó lường. Hoặc đang làm thủy sản, các doanh nghiệp, đại gia lại chuyển sang kinh doanh bất động sản, vàng... Đến khi thị trường sụp đổ thì các doanh nghiệp gặp khủng hoảng về nợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, những hộ dân bán cá cho Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An (Tafishco) tính ra số tiền lớn hơn số nợ vay ngân hàng thì sẽ được chi trả tiền (lấy từ nguồn hoàn thuế VAT trong năm 2015 và năm 2016 của Tafishco là khoảng 14,921 tỷ đồng), riêng những hộ bán cá tính ra số tiền thấp hơn số nợ vay thì những hộ này sẽ phải trả nợ cho ngân hàng.

Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng (phải trình UBND tỉnh An Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, thống nhất) nhưng với phương án trên những hộ dân tham gia dự án đã hết sức đồng thuận về cách làm của ngành chức năng.

Song song với cách giải quyết trên, ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh sẽ tìm công ty khác để thuê lại các nhà xưởng, ao nuôi của Tafishco.

“Chúng tôi đang có định hướng tìm kiếm công ty thủy sản khác thuê lại các nhà xưởng, vùng nuôi (18,6ha) của Tafishco để tiếp tục gia công, không để máy móc của công ty này bị hư. Theo đó, các vùng nuôi của công ty này cũng tiếp tục được khai thác” – ông Nưng nói.

Trong khi vụ việc trên vẫn đang chờ kết quả xử lý thì nhiều người dân nuôi cá tra theo mô hình liên kết ở ĐBSCL cho biết, tình trạng trên vẫn thường xuyên xảy ra, khiến cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn.

Ông Giảng Văn Bảy (ngụ xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cho hay: Trước đây, ông làm tổ trưởng tổ nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GlobalGAP, được ngành chức năng hướng dẫn quy trình sản xuất và có hợp đồng liên kết tiêu thụ với 2 công ty thu mua. Thế nhưng, đến thời điểm thu hoạch, giá cá giảm, 2 đơn vị thu mua trên không đến mua cá, không thực hiện đúng như thoả thuận trong hợp đồng. Vì vậy, dự án do Hiệp hội Thủy sản Trà Vinh và Tổ chức PATR­TV (dự án giảm nghèo các vùng nông thôn tại tỉnh Trà Vinh) triển khai trong dân nói trên không còn tồn tại được. Đến nay, giấy chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cũng đã hết hạn.

“Tâm huyết lắm chúng tôi mới đeo bám và giành được giấy chứng nhận GlobalGAP nhưng bị đơn vị thu mua bỏ rơi, không mua. Còn bán cho thương lái bên ngoài họ nói “GAP” hay “không GAP” cúng bằng giá, trong khi đó nuôi theo GlobalGAP cực hơn, chi phí cao hơn cách nuôi truyền thống. Hiện nay, tôi đã bỏ cá tra, chuyển sang nuôi cá lóc, cá trê đồng và tập trung thời gian còn lại để chăm sóc vườn cam. Những hộ dân khác trong tổ cũng chuyển sang sản xuất cây con khác” – ông Bảy nói.

img

Nông dân Cần Thơ cho cá tra ăn- Ảnh: H.X

Nhiều đại gia thủy sản vỡ nợ

Vài năm gần đây, không chỉ có lãnh đạo Tafishco là ông Nguyễn Thái Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc “chơi trò mất tích”; ông Lâm Ngọc Khuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cũng xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn, để lại món nợ trên 1.679 tỷ đồng khiến nhiều ngân hàng cho vay và hàng chục cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý.

Cũng tham gia mua bán cá tra, ông Phan Bá Tòng – Giám đốc Công ty Thiên Mã (một trong những đại gia thủy sản nổi tiếng ở TP.Cần Thơ) đã bị lực lượng công an bắt để điều tra xử lý trong năm 2016 vừa qua. Công ty của ông Tòng có tới 12 trang trại thủy sản; 3 nhà máy chế biến quy mô lớn với hơn 3.500 lao động; xuất khẩu 40.000 tấn cá da trơn mỗi năm, đạt giá trị hơn 70 triệu USD. Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, công ty này đã nợ nhiều ngân hàng và bên ngoài xã hội hàng trăm tỷ đồng và không có khả năng thanh toán.

Đây không phải các  trường hợp cá biệt gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, ở ĐBSCL vẫn có nhiều doanh nghiệp thủy sản cũng nhanh chóng suy sụp như Công ty thủy sản Bình An, An Khang…

“Ngoài nguyên nhân khách quan khó tìm đầu ra, những doanh nghiệp trên có năng lực tài chính yếu, sử dụng chủ yếu vốn vay ngắn hạn để sản xuất, lúc lãi suất tăng vọt, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi dẫn đến thua lỗ kéo dài” - ông Võ Thanh Hùng - Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.Cần Thơ nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem