Vì sao nhiều doanh nghiệp cà phê thay đổi nhân sự giữa lúc giá cà phê biến động tăng giá?
Vì sao nhiều doanh nghiệp cà phê thay đổi nhân sự giữa lúc giá cà phê biến động tăng giá?
Nguyễn Phương
Thứ ba, ngày 19/09/2023 07:00 AM (GMT+7)
Theo thông tin mà Dân Việt ghi nhận được, giữa lúc giá cà phê đang biến động mạnh, thì một loạt doanh nghiệp cà phê lớn lại thay đổi nhân sự điều hành- ở chức danh Tổng Giám đốc/Giám đốc.
Công ty CP Minh Khang Capital Trading Public (Mã: CTP) mới đây đã diễn ra việc cổ đông lớn lần lượt rút vốn. Theo đó, Ngày 4/8, ông Nguyễn Lê Việt Hùng đã bán toàn bộ 754.000 cổ phiếu CTP của Minh Khang Capital Trading Public, tương đương tỷ lệ 6,23% và chính thức không còn là cổ đông của công ty. Hiện tại những người có liên quan đến ông Nguyễn Lê Việt Hùng còn đang sở hữu hơn 1,49 triệu cổ phiếu, ứng với 12,36% vốn điều lệ của CTP.
Cũng trong ngày này, ông Lê Hoàng Hiệp đã bán thành công 803.900 cổ phiếu CTP, tương ứng với 6,64% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Cả ông Hùng và ông Hiệp đều bắt đầu mua cổ phiếu CTP và trở thành cổ đông lớn từ tháng 6/2022.
Ngày 7/8, CTCP Đầu tư Landmarks cũng thoái toàn bộ 605.000 cổ phiếu CTP, tương ứng 5% vốn điều lệ.
Tới ngày 15/8, ông Phạm Mai Anh Tài, Ủy viên HĐQT tại CTP cũng đã hoàn tất bán 604.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 4,99% nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Trước đó vào tháng 7, ông Khấu Minh Quân, em vợ của Chủ tịch HĐQT đã thoái vốn tại CTP khi đăng ký bán hết 119.180 cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,98%). Giao dịch kết thúc vào ngày 19/7.
Thời điểm các cổ đông lớn của CTP rời đi, giá cổ phiếu có dấu hiệu khởi sắc và cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây, với biên độ dao động từ 4.800 - 5.000 đồng/cp.
Như vậy với việc rời đi của các cổ đông lớn, cơ cấu cổ đông của CTP hiện tại còn ông Nguyễn Tuấn Thành, Chủ tịch HĐQT sở hữu 23,76% vốn điều lệ, CTCP Thương mại Quốc tế Justwin nắm 12,36% và các cổ đông khác.
Hay CTCP Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) cũng bị yêu cầu thanh tra công tác cổ phần hóa. Theo đó, ngày 17/8, tại Hội trường CTCP Cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đối thoại để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của hàng nghìn người dân về việc nhận khoán tại công ty.
Tại buổi đối thoại, đại diện người nhận khoán (khoán vườn cây) tại Cà phê Thắng Lợi đã tập trung kiến nghị việc xác định nguồn gốc của 616,4 ha đất mà bà con đang liên kết với công ty. Nguyện vọng của người dân nhận khoán là công ty bàn giao lại phần đất này về cho địa phương quản lý. Sau đó, địa phương xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để người dân yên tâm sản xuất, đóng thuế cho nhà nước.
Bên cạnh đó, đại diện người nhận khoán cũng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra công tác cổ phần hóa tại Cà phê Thắng Lợi do cho rằng, quá trình cổ phần hóa công ty có nhiều điểm chưa được công khai, minh bạch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận khoán…
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc, thanh tra toàn diện Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi để làm rõ những vấn đề đúng và chưa đúng trong thực hiện quy định của pháp luật.
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng do Nhà nước nắm 36% vốn điều lệ.
Đã xuất khẩu được gần 3 tỷ USD cà phê
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước. Đồng thời đây là tháng giảm thứ 5 liên tiếp do nguồn cung hạn hẹp.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá nhờ giá bán tăng cao kỷ lục trong kỳ.
Như vậy, tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng đầu niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023) đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Với sản lượng trong niên vụ hiện tại được dự báo chỉ vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 10 - 15% so với niên vụ 2021-2022, nguồn cung cà phê của ta dành cho xuất khẩu đến nay gần như đã cạn và dự kiến chỉ có thể cải thiện kể từ tháng 11 tới khi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới 2023-2024 được đưa vào thị trường.
Tuy nhiên, tồn kho ở mức thấp đã đẩy giá cà phê xuất khẩu trong tháng 8 vừa qua lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 30% (gần 700 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng gần 9% lên mức 2.463 USD/tấn.
Nhu cầu từ các thị trường lớn biến động trái chiều
8 tháng đầu năm nay, cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới 38 thị trường khác nhau trên thế giới.
Trong đó, EU chiếm tới gần 38% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu với 455.111 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ cà phê của châu Âu.
Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam tại EU gồm Đức đạt 145.896 tấn (-9,2%), Italy 114.030 tấn (+17%), Tây Ban Nha 65.932 tấn (-23%), Bỉ 48.906 tấn (- 51,3%)…
Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang thị trường đứng thứ hai là Mỹ tăng 11,1% so với cùng kỳ lên 90.151 tấn, chiếm 6,6% thị phần.
Lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trưởng khá tích cực như: Algeria tăng 71,4%, Mexico tăng 45,6%, Hàn Quốc tăng 14,3%, đặc biệt Indonesia tăng tới 157,8%...
Tại thị trường trong nước, tính đến ngày 12/9, giá cà phê Robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 65.100 – 66.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với mức đỉnh 67.200 – 68.000 đồng/kg đạt được vào tháng trước nhưng vẫn tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc thiếu hụt nguồn cung khiến giá cà phê nội địa thời gian qua tăng phi mã, liên tục phá vỡ những kỷ lục cũ.
Nguồn cung suy giảm, trong khi đó, bối cảnh suy thoái kinh tế khiến nhu cầu người tiêu dùng chuyển sang dùng hạt Robusta để phối trộn với Arabica hoặc thay hoàn toàn Arabica vì giá rẻ ngày càng cao.
Ngoài ra, chi phi phí trồng thời gian qua cũng bị đẩy lên do giá phân bón, xăng dầu tăng. Tổng hoà các yếu tố này đã khiến giá cà phê thiết lập kỷ lục thời gian qua.
Hiện nay đã ở mức cao và đã phản ánh hết sự thiếu hụt hàng trong thời gian qua. Các nước sản xuất Robusta ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia đều ghi nhận sản lượng giảm khoảng 20%. Còn ở Việt Nam thì gần như không còn hàng. Tuy nhiên, đã có hiện tượng một số nhà rang trên thế giới sử dụng Arabica giá thấp hoặc Robusta từ Brazil để thay thế, tránh dẫn tới việc tăng giá quá mức có thể chấp nhận được.
Với các nhà rang xay trong nước, với mức giá hiện tại, họ không thể tồn tại nên ít người mua. Một số ít nhà rang xay cần hàng phục vụ cho nhu cầu cuối năm nên chấp nhận mua do đó, đôi lúc giá sẽ bị đẩy lên một chút nhưng sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, dù giá liên tục đẩy lên nhưng người dân cũng không còn hàng.
Việc tăng giá cà phê thời gian vừa qua cũng không có lợi cho doanh nghiệp FDI bởi họ đã giao hàng cho các nhà rang xay trước đó theo hợp đồng. Do đó, hàng tồn kho của các doanh nghiệp FDI năm nay cũng thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Các nhà dự báo cho rằng nhịp giảm giá cà phê thời gian qua chỉ là ngắn hạn do nguồn cung từ Brazil được bổ sung. Tuy nhiên, đánh giá chung nguồn cung cà phê Robusta trên toàn thế giới vẫn đang thiếu hụt.
Do đó, dự báo giá cà phê Robusta sẽ phục hồi trong ngắn hạn do thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung. Thị trường lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino dự báo xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây khô hạn một phần cho các quốc gia sản xuất cà phê chính quanh vành đai Thái Bình Dương, trong khi khối lượng cà phê được Chứng nhận trên cả hai sàn vẫn ở mức rất thấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý xu hướng giá cà phê nội địa có thể đảo chiều khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2023 - 2024 (diễn ra trong quý IV/2023 và đầu quý I/2024). Khi đó, nguồn cung từ Việt Nam bổ sung, giá cà phê thế giới và nội địa có thể giảm xuống. Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng giá cà phê đã thiết lập mặt bằng mới, quanh mốc 60.000 đồng/kg dưới tác động của chi phí đầu vào như điện, phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.