Núi cao không chỉ là điểm “hội tụ” khí thiêng của đất trời, địa thế này còn đặc biệt phù hợp với tinh thần nguyên thủy của Phật Giáo: buông bỏ tất thảy mọi thứ thuộc về thế tục, xa lánh cám dỗ bụi trần để tu tậpnhanh chóng tìm được con đường Giác Ngộ.
Những sơn tự ngàn năm mây trắng bay
Là một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới, xuyên suốt chiều dài lịch sử, Đạo Phật đã để lại cho nhân loại hàng triệu công trình kỳ vĩ. Trong số đó, những sơn tự “ngàn năm mây trắng bay” luôn có một vị trí hết sức đặc biệt.
Trên thế giới, có thể kể tới tứ đại Phật Giáo danh sơn của Trung Quốc. Đây chính là bốn ngọn núi thiêng nơi tập trung của rất nhiều quần thể tâm linh độc đáo. Điển hình như Ngũ Đài Sơn tại tỉnh Sơn Tây của quốc gia này. Với độ cao 3058m, Ngũ Đài Sơn được mệnh danh là “Thanh lương thế giới” của các tín đồ khi đã chứng kiến sự phát triển Phật Giáo trong suốt hai thiên niên kỷ qua. Kể từ đời Đường, Tống, các nhà sư từ khắp châu Á cũng thường hành hương về đây để dâng hương.
Tại Tây Tạng, nổi tiếng nhất là tu viện Rongbuk – tu viện nằm ở độ cao lớn nhất thế giới. Với độ cao 5.000m so với mực nước biển, đây cũng là một trong những điểm đến linh thiêng nhất của tín đồ Phật giáo Mật tông. Những sơn tự nổi tiếng khác có thể kể tới là Taktsang Palphug (Bhutan), chùa Đá Vàng (Myanmar) hay Huyền Không tự (Trung Quốc)…
Tại Việt Nam, những ngôi chùa linh thiêng nhất cũng thường có vị trí “tọa sơn” tương tự.
Điển hình ở phía Bắc có chùa Đồng Yên Tử nằm trong quần thể Trúc Lâm Yên Tử tọa lạc trên đỉnh Yên Sơn với độ cao 1068m so với mực nước biển. Đây là vị trí hội tụ linh khí của đỉnh Bạch Vân Sơn nên quanh năm mây vờn gió cuộn. Vốn là “vùng đất thánh” của Thiền phái Trúc Lâm, không gian thanh tịnh và cách biệt với nhân gian của Yên Tử là nơi lý tưởng để người tu thiền đạt đạo.
Xa hơn về phương Nam, Linh Sơn Tiên Thạch Tự trên sườn núi Bà Đen Tây Ninh – nóc nhà Nam Bộ cũng là một điểm đến không thể bỏ qua. Ngôi chùa cổ hơn 300 năm tuổi gắn liền với sự tích về sự hiển linh của Bà Đen không chỉ định danh cho cả một vùng đất mà còn gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Linh Sơn của cư dân bản địa.
Nổi bật hơn cả chính là quần thể tâm linh Fansipan trên nóc nhà Đông Dương, có độ cao hơn 3000m so với mực nước biển. Bao gồm 12 công trình mang đậm kiến trúc của những ngôi chùa Việt cổ Bắc Bộ thế kỷ XV-XVI, quần thể khiến du khách như lạc vào miền thanh tịnh. Con đường La Hán trầm mặc uy nghiêm trong sương mờ; Đại tượng Phật A Di Đà từ bi bao quát vạn thế hay những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú như Phật quang, biển mây… tất cả khiến Fansipan trở thành điểm đến linh thiêng, an lạc.
Giải mã mạch thiêng linh sơn tự
Theo các nhà nghiên cứu về lịch sử - văn hóa, lý do khiến các vị cao tăng thường chọn núi cao để xây dựng chùa vốn xuất phát sâu xa từ tín ngưỡng Phật Giáo nguyên thủy. Theo đó, Phật Giáo nguyên thủy vốn chủ trương “xuất thế”. Người đi tu gọi là xuất gia, nghĩa là buông bỏ tất thảy mọi thứ thuộc về thế tục. Đạo Phật cho rằng: Muốn tu thì tâm phải tịnh, muốn tịnh thì lục căn (mắt, mũi, tai, miệng, thân và thần kinh) không nên tiếp xúc quá nhiều với trần thế. Thế nên, người xưa thường hay chọn những nơi vắng vẻ, xa lánh cám dỗ chốn bụi trần để tu học cho mau đạt Giác Ngộ.
Xét trên quan điểm phong thủy, địa thế trên núi là một trong những nơi lý tưởng, có phong thủy tốt, nhận được nhiều năng lượng từ đất trời, hội tụ linh khí, tạo ra không khí trang trọng uy nghiêm. Xây chùa cạnh các điểm tụ khí thiêng thì luôn được vượng khí, chùa sẽ linh thiêng và trường tồn cùng năm tháng.
Đó cũng là lý do tại sao quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan được nhiều nhà nghiên cứu phong thủy đồng tình rằng: Đỉnh cao 3143m của Việt Nam là một trong những điểm mốc trên đường kinh mạch khởi phát từ nóc nhà Thế giới đến tận Vịnh Mindanao Phillippines, hội tụ trong mình đầy đủ tinh hoa, linh khí của đất trời. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung Ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng từng nhận định: “Fansipan - ngọn núi cao nhất trong ngàn vạn ngọn núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, đại huyệt mạch của quốc gia, suối nguồn linh khí… Quần thể văn hóa tâm linh, trong đó có hệ thống các chùa như Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự, Đại Phật Tượng A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát… đã làm tôn thêm cõi tâm linh màu nhiệm của Fansipan hùng vỹ… tiếp tục khơi dậy nguồn tâm linh dồi dào, đem đến sự an lạc cho tất cả mọi người và sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Lào Cai”.
Tọa lạc trên “đại huyệt mạch” ấy, mỗi công trình trong quần thể lại có sự hài hòa gần như hoàn hảo với tự nhiên và đặc biệt phù hợp với các yếu tố phong thủy. Chùa được xây dựng trên mặt bằng bề thế nhưng các hạng mục công trình hầu hết đều có kích thước hạn chế để phù hợp với cảnh quan, địa thế nơi núi cao, đồng thời, tạo nên một quần thể kiến trúc phong cảnh hài hòa. Nổi bật như Kim Sơn Bảo Thắng Tự được thiết kế bám ghép thế núi, tựa sơn nghinh thủy. Ngôi thiền tự vì vậy giống như một phần cảnh quan thiên nhiên có sẵn tại nơi này. Nhìn từ xa, dáng chùa hòa quyện với màu xanh đại ngàn, ẩn hiện giữa màn sương, đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.
Ngày nay, khi lên tới đỉnh Fansipan, du khách sẽ không chỉ được chinh phục nóc nhà Đông Dương mà còn được lạc bước trong miền tâm linh linh thiêng. Ở đó, dường như mọi thứ bụi trần đều dừng lại hết bên ngoài thiền môn, chỉ còn những niềm an lạc hân hoan, thành tâm hướng thiện của đông đảo du khách và các tín đồ Phật giáo mười phương tìm về nơi đây chiêm bái, đảnh lễ.
Dạo bước giữa không gian tâm linh và cảm nhận sự an lạc giữa đất trời ở nơi huyệt mạch quốc gia, đỉnh Fansipan không chỉ là điểm đến du sơn mà còn trở thành địa chỉ cầu an bái Phật linh thiêng, một di sản cho ngàn đời sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.