Vì sao ông Đỗ Minh Phú chọn TPBank?

Vân Anh Thứ hai, ngày 25/12/2017 07:24 AM (GMT+7)
Quyết định lựa chọn rời ghế chủ tịch Doji và tiếp tục làm chủ tịch HĐQT TPBank của ông Đỗ Minh Phú được coi là sự lựa chọn khôn ngoan. Vì thực tế, Doji là gia đình nên ông Phú từ nhiệm chẳng ảnh hưởng gì, trong khi đó, TPBank được coi là cánh cổng tài chính cho những công ty trực thuộc Doji.
Bình luận 0

Những ngày cuối năm 2017, thị trường lại đón nhận thông tin TPBank dự kiến niêm yết trên HOSE vào quý II.2018. Đây là ngân hàng còn khá trẻ, được thành lập năm 2008, cùng thời với LienVietPostBank và BaoVietBank.

Cùng với tin này là thông tin ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch HĐQT TPBank và Doji đã quyết định sẽ chọn “ghế” chủ tịch HĐQT TPBank và từ nhiệm vị trí này tại Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji theo quy định mới của Luật các TCTC có hiệu lực vào ngày 15.01.2018 tới đây. Quyết định từ nhiệm này được đánh giá không ảnh hưởng đến quyền lực và lợi ích của ông tại cả TPBank và Doji.

Doji là công ty gia đình của ông Đỗ Minh Phú

Theo Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung một số điều vừa được Quốc hội thông qua ngày 20.11.2017 với quy định mới bổ sung vị trí Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV của ngân hàng không được tham gia vào quản lý hay điều hành tại các doanh nghiệp khác, đã đặt ra bài toán cân não cho một loạt sếp nhà băng khi phải lựa chọn ở lại với ngân hàng hay với doanh nghiệp. Việc từ bỏ một trong hai vị trí không đơn giản vì dù quyết định như thế nào thì cũng sẽ có những xáo trộn trong bộ máy của tổ chức còn lại.

Tại buổi toạ đàm Top Leader Talk của TPBank và DOJI diễn ra cuối tuần qua, ông Đỗ Minh Phú đã công bố quyết định thôi làm chủ tịch Doji và tiếp tục làm chủ tịch HĐQT TPBank. 

Ông Đỗ Minh Phú là người có công sáng lập và phát triển thương hiệu Doji, ông nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI từ năm 2007 đến nay. Doji Group là cái nôi ra đời những doanh nghiệp lớn trong đó phải kể đến Công ty CP Diana, Công ty CP Artex Sài Gòn…

img

Đầu năm 2012, sau khi thu về hơn 180 triệu USD từ thương vụ bán đi Diana Việt Nam, ông Phú và các bên liên quan đã mua lại 20% cổ phần của TPBank và tham gia tái cơ cấu, giải quyết khó khăn về tài chính của ngân hàng này. Đây là cơ duyên đưa ông Phú đến với ngành tài chính và trở thành chủ tịch HĐQT ngân hàng TPBank.

Việc lựa chọn TPBank và từ bỏ Doji được cho là sự lựa chọn khôn ngoan vì thực tế ông Phú chẳng mất gì. Xét về mặt tài chính, TPBank được xem là cánh cổng tài chính cho các công ty trực thuộc Doji.

Trên thị trường vàng trang sức hiện nay, Công ty CP vàng bạc Phú Nhuận (PNJ) là đơn vị dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận và quy mô cửa hàng, cũng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Doji. Tính đến tháng 9.2017, Doji có 34 cửa hàng bán lẻ vàng trang sức, trong khi số cửa hàng của PNJ lên tới con số 249. Do vậy, nếu muốn mở rộng mạng lưới, tăng năng lực cạnh tranh, Doji cần có một ngân hàng hậu thuẫn và TPBank sẽ là sự lựa chọn đầu tiên.

Ngoài ra, Doji Group cũng có liên quan đến tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của Bầu Đức khi tháng 5.2017 Công ty TNHH Blue Hope (một tổ chức mới thành lập có mối liên hệ với Tập đoàn Doji) đã nhận chuyển nhượng toàn bộ 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Northbrooks Investment Pte Ltd (NIMP), thành viên của Temasek. Ngay sau đó, cũng trong tháng 5, Blue Hope đã chuyển nhượng tất cả 1.100 tỷ đồng trái phiếu nói trên cho 6 cá nhân khác. Thông tin bên lề đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của HAG cho biết các cá nhân nói trên liên quan đến ông Đỗ Minh Phú, trái chủ thực sự của 1.100 tỷ đồng trái phiếu tương đương 14,8% cổ phần HAG.

Một yếu tố quan trọng, Doji Group hiện là công ty gia đình với 100% vốn thuộc sở hữu ông Phú và 2 người con. Hai người con ông Phú là bà Đỗ Vũ Phương Anh hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Doji Group, còn ông Đỗ Minh Đức hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Doji Group.

Còn tại TPBank ông Phú và một số cá nhân liên quan hiện đang nắm giữ 16,91% cổ phần TPBank. Như vậy, việc từ nhiệm chủ tịch Doji Group không có nghĩa là ông Đỗ Minh Phú sẽ từ bỏ doanh nghiệp mà chỉ là chuyển giao quyền điều hành cho thân tín và ông vẫn có sức ảnh hưởng nhất định. Nói cách khác, chọn ở lại TPBank lợi ích và quyền lực của vị chủ tịch này là không đổi khi hoạt động tại ngân hàng nhưng vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh cốt lõi của gia đình.

Thoát lỗ luỹ kế nhưng vẫn còn âm thặng dư vốn cổ phần

Xét về quy mô tài sản, TPBank thuộc tốp trung với các ngân hàng khác như: VIB, HDBank, Eximbank, LienVietPostBank, BacABank. Hết quý III.2017, tổng tài sản đến TPBank đạt 114.468 tỷ đồng tăng 8,18% so với đầu năm.

TPBank cũng ghi dấu với lợi nhuận sau thuế luỹ kế đạt hơn 711 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ. Tăng trưởng đột biến giúp TPBank từ ngân hàng nhỏ bứt tốc lên nhóm trung về lợi nhuận.

Tuy nhiên, với quy mô tài sản gần tương đương mức lợi nhuận này của TPBank vẫn thấp hơn HDBank và LienvietPostBank. Nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng thu nhập của TPBank đến từ nghiệp vụ tín dụng.

Thu nhập lãi thuần luỹ kế cả 3 quý đạt 2.203 tỷ đồng tăng 54,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hoạt động cho vay đóng góp 56%. Khoản thu từ lãi vay có được do dư nợ tăng cao, thời điểm 30.09.2017 tổng dư nợ đạt 56.708 tỷ đồng tăng 21,56% so với đầu năm.

img

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thường đi kèm với rủi ro thể hiện ở chỉ tiêu nợ xấu của TPBank tăng từ 0,57% lên 0,91% dẫn đến phải trích lập dự phòng nhiều hơn. Cụ thể, con số dự phòng chung và dự phòng cụ thể mà ngân hàng đã trích lập tăng từ 431 tỷ đồng vào đầu năm lên 579 tỷ đồng tại thời điểm 30.09.2017.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng đem lại cho TPBank khoản lãi hơn 173 tỷ đồng tăng 540% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, TPBank hiện nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu của công ty CP Everpia chiếm tỷ lệ 3,24% từ năm 2013 khi thị giá của cổ phiếu EVE ở mức quanh 12 đến nay đã lên đến hơn 20. Khoản đầu tư này đã góp phần vào thu nhập lãi của TPBank bao gồm cả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm.

Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TPBank vẫn còn âm thặng dư vốn cổ phần hơn 240 tỷ đồng sau đợt phát hành dưới mệnh giá vào năm 2012. Đây là thời điểm ông Phú và một nhóm cá nhân mua lại 20% cổ phần TPBank với giá 8.000 đồng/cổ phiếu. Do đó, lợi nhuận TPBank tạo ra những năm qua sau khi chia về các quỹ còn lại dùng để bù đắp khoản âm thặng dư vốn này nên cổ đông không được chia cổ tức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem