Vì sao ông Trịnh Xuân Thanh bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng?

Thứ bảy, ngày 10/09/2016 08:09 AM (GMT+7)
Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Bình luận 0

img

Thăng trầm quan lộ ông Trịnh Xuân Thanh. Đồ họa: Lê Huy - Anh Tú

Ban Bí thư cũng khẳng định, ông Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn.

Vi phạm, thua lỗ ở PVC là rất nghiêm trọng

Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 8.9, Ban Bí thư đã họp để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016. Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kết luận: Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.

“Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, đồng chí Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên. Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, đồng chí Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của mình”, kết luận của Ban Bí thư nêu rõ.

Cũng theo kết luận của Ban Bí thư, khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe ô tô tư nhân để sử dụng là trái quy định của pháp luật, gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm đó của ông Trịnh Xuân Thanh là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Không đủ tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm

Kết luận của Ban Bí thư cũng nêu rõ, ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 4.10.2013 của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.

img

Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Anh Tuấn

Cũng theo kết luận của Ban Bí thư, những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh. Trong quá trình kiểm điểm, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận các vi phạm, khuyết điểm.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, quê quán tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quy hoạch đô thị tại Đại học Kiến trúc. Ngày 21.7.2003, ông Trịnh Xuân Thanh chính thức vào Đảng.

Từ năm 2007 đến tháng 8.2013, ông Thanh làm việc tại PVC với chức vụ cao nhất là Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị.  Sau khi để PVC rơi vào cảnh thua lỗ, có nguy cơ mất vốn, tháng 9.2013, ông Thanh được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, sau đó lên chức Vụ trưởng - Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp.

Tháng 5.2015, ông Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV, ông Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang.

Tháng 6.2016, sau khi Tổng Bí thư có chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ thông tin báo chí đăng tải: “Xe tư nhân gắn biển số xanh và di sản của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang” thì Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Hậu Giang tạm dừng bầu cử chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Tháng 7.2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xem xét và quyết định ông Trịnh Xuân Thanh không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Đầu tháng 8.2016, ông Trịnh Xuân Thanh có đơn xin Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ phép 1 tháng để trị bệnh gout. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn nghỉ phép nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa trở lại Hậu Giang công tác.

Xử lý đến cùng vụ việc này

Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói:  Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi, việc khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh là thỏa đáng. Việc kiểm điểm trong vụ việc này đã được làm chặt chẽ, có trách nhiệm. Trước ý kiến của công luận, của người dân, các cơ quan đã tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, từ Phó Bí thư Tỉnh ủy đến Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khóa trước đã nhận trách nhiệm.

Theo tôi, sự việc này phải làm đến nơi đến chốn và công bố cho người dân được biết. Không phải chỉ một mình ông Trịnh Xuân Thanh có thể làm được những việc mà theo tôi là tày trời như vậy. Cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh không thể tự chọn chỗ cho mình. Cần phải làm rõ quy trình bổ nhiệm đúng không, có cá nhân, hay nhóm người nào đó bao che, dung túng không? Việc để xảy ra thua lỗ hơn 3 nghìn tỷ đồng, cần phải lật lại, xem bản thân ông Trịnh Xuân Thanh có trách nhiệm thế nào? Cấp trên của ông Thanh thời điểm đó ra sao?... Tóm lại việc giải quyết vấn đề phải đúng tính chất, mức độ chứ không phải đơn giản chỉ mỗi ông Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm.

Dũng Nguyễn (ghi)

Làm rõ ông Thanh đang ở đâu

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nói: Khi đưa ra quyết định khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng, chắc chắn Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét một cách công minh, chính xác, kịp thời theo đúng quy định của Đảng. Tuy nhiên, việc của ông Thanh liên quan đến rất nhiều thứ do đó tới đây bên cạnh việc xử lý nghiêm cá nhân ông Thanh thì cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Bởi ông Thanh lãnh đạo quản lý doanh nghiệp làm ăn thua lỗ như thế mà sao vẫn được Bộ Công Thương bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, rồi lại được điều chuyển, bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trúng cử vào Quốc hội. Tất cả những điều đó cần phải tiếp tục làm rõ.

Một điều nữa cũng đang khiến dư luận hết sức quan tâm là công tác quản lý cán bộ thế nào mà ông Trịnh Xuân Thanh nghỉ phép đi khám, chữa bệnh ở đâu mà lại không biết? Việc đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang nơi quản lý cán bộ lẽ ra phải biết, chứ sao lại không biết.

Văn Kiên (ghi)

Ông Thanh được triệu tập vào Hậu Giang ngày 13.9

Chiều 9.9, ông Lê Công Lý-Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, thường trực Tỉnh ủy đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh có mặt tại Tỉnh ủy Hậu Giang vào ngày 13.9 để giải quyết các vấn đề có liên quan đến ông Thanh.

Trước đó, ngày 8.9, Tỉnh ủy Hậu Giang có công văn số 137 do Chánh Văn phòng Lê Công Lý ký, thông báo một số vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vì có liên quan đến thông tin báo chí nêu là ông Thanh xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng. Theo văn bản này, ngày 8.9, Văn phòng Tỉnh ủy nhận được văn bản của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho Thường trực Tỉnh ủy (bản photo) qua đường bưu điện. Theo đó, ông Thanh giải trình một số nội dung liên quan đến bản thân ông do Đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra; đồng thời ông Thanh có nguyện vọng xin ra khỏi Đảng.          

Hòa Hội

Ông Thanh không nằm ở Bệnh viện Thống Nhất

Chiều 9.9, GS-TS Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, khẳng định với Tiền Phong ông đã cho các phòng ban rà soát nhưng căn cứ trên danh sách bệnh nhân đến khám và điều trị vào thời điểm đến chiều qua không có bệnh nhân nào tên là Trịnh Xuân Thanh nằm điều trị tại đây. Như vậy, thông tin khả năng ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - đang điều trị bệnh gout tại đây là không đúng.  Tuy nhiên, đại diện bệnh viện cho biết khi kiểm tra danh sách bệnh nhân đến khám ngoại trú cũng như bệnh nhân đang điều trị nội trú trên hệ thống quản lý dữ liệu tổng thể bệnh viện từ năm 2014 đến nay phát hiện một bệnh nhân tên Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, ngụ Hậu Giang, đến khám ngoại trú tại phòng khám xương khớp. Bệnh nhân này đến khám vào ngày 9.3 vừa qua, sau đó bác sĩ kê toa thuốc và cho về không nhập viện.

Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM với gần 1.200 cán bộ viên chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là khám, chữa bệnh cho cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Trong đó, có một phòng bảo vệ sức khỏe cho cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý ở phía Nam và một khoa điều trị cán bộ cao cấp.

Quốc Ngọc - Lê Nguyễn

Văn Kiên (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem