Vì sao phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền khi triển khai các chính sách dân tộc ở tỉnh Trà Vinh?
Vì sao phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền khi triển khai các chính sách dân tộc ở tỉnh Trà Vinh?
Huỳnh Xây
Thứ sáu, ngày 23/08/2024 10:19 AM (GMT+7)
Thời gian qua, việc triển khai chính sách dân tộc ở tỉnh Trà Vinh mang lại nhiều kết quả nổi bật. Những kết quả đó có được phần lớn từ công tác tuyên truyền.
Chính sách dân tộc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất
Trà Vinh có người dân tộc Khmer chiếm 32%, dân tộc Hoa và các dân tộc thiểu số khác gần 1%. Những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành bạn, cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành trong tham mưu, địa phương đã tổ chức thực hiện nhiều chính sách dân tộc.
Qua đó, huy động tối đa các nguồn lực cho mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Cụ thể, về phát triển kinh tế, tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc, phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào.
Tập trung xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở vùng đồng bào dân tộc. Ngoài ra, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, nâng cấp, mở rộng các công trình hiện có, kết hợp với đầu tư xây dựng mới, phát huy hiệu quả các công trình lớn do Trung ương đầu tư trên địa bàn, bảo đảm ứng phó với biến đổi khí hậu, vận hành đồng bộ phục vụ sản xuất đa canh, phát huy tốt lợi thế diện tích đất giồng, triền giồng và cải tạo đất giồng tạp, vườn tạp.
Từ đó, nhiều năm qua, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc trong tỉnh đã chuyển đổi cây, con kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây, con có hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, nổi bật có một số mô hình sản xuất, mô hình kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số.
Đáng kể là mô hình cánh đồng lớn ở xã Tập Ngãi (huyện Tiểu Cần) và xã Châu Điền (huyện Cầu Kè); vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Nhị Trường, xã Trường Thọ (huyện Cầu Ngang), mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi gà thịt, phát triển nhiều làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã…
Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các sản phẩm chủ thể sản xuất, kinh doanh là đồng bào dân tộc người dân dân tộc như: Bánh tét của hộ kinh doanh Thạch Thị Di; bánh tét 3 nhân của hộ Lâm Thị Quyên; hạt ca cao - mật hoa dừa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farm; hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân; bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang…
Phát triển đội ngũ cán bộ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc
Xác định đúng vai trò, khả năng đóng góp của cán bộ người dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, các cấp, các ngành trong tỉnh Trà Vinh đã tuyển dụng công chức, viên chức là người dân tộc vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 4.443 cán bộ là người dân tộc, chiếm 20,8%. Trong đó, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 560 cán bộ, chiếm tỷ lệ 12,60% (cấp tỉnh 78, cấp huyện 133, cấp xã 349).
Trên cơ sở kết quả quy hoạch, đào tạo cán bộ, các cấp, ngành trong tỉnh đã bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ dân tộc, cụ thể qua đại hội Đảng các cấp. Được biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Trà Vinh đã bầu ban chấp hành 3.857 đồng chí (trong đó, cán bộ là người dân tộc là 458 đồng chí, chiếm 11,87%). Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025 số lượng cấp ủy 7.408 đồng chí (cấp ủy người dân tộc dân tộc thiểu số 1.381 đồng chí, chiếm 18,64%).
Với năng lực thực tiễn và ý thức trách nhiệm cao, chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ dân tộc không ngừng nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường tại Trà Vinh được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã cử 27 học sinh đào tạo theo chế độ cử tuyển, góp phần nâng cao trình độ dân trí, bổ sung đội ngũ công chức, viên chức cho vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho hay, luôn được các ngành, các cấp quan tâm. Cụ thể, tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện kế hoạch trùng tu nhà bảo tàng văn hóa dân tộc dân tộc thiểu số. Vận động đồng bào dân tộc xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ấp, khóm (hiện đã thành lập được 112 đội dàn ngũ âm, 95 đội trống Sa Dăm, 35 đội múa Chằn), góp phần đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng trong đồng bào dân tộc phục vụ vui chơi trong các dịp lễ của đồng bào dân tộc.
"Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên" - báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (chương trình 1719) nhấn mạnh.
Trao đổi với Dân Việt, ông Thạch Mu Ni - Phó Trưởng ban tỉnh Trà Vinh cho biết, trước đây, nước ta có nhiều chính sách dân tộc, nhưng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 có chương trình 1719 tích hợp các chính sách, trong đó có 10 dự án.
Trong 10 dự án có nhiều tiểu dự án và nhiều nội dung khác nhau, mang tính toàn diện, hầu hết ở tất cả các mặt đời sống kinh tế, xã hội trong vùng dân tộc thiểu số.
Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đã xác định mang tính lâu dài, rộng khắp, vừa sâu vừa rộng khắp. Để thực hiện tốt và mang lại hiệu quả cao, phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia, chứ không triển khai một phía từ cơ quan nhà nước.
"Công tác tuyên truyền rất quan trọng, ý nghĩa của nó là quyết định chính sách dân tộc có triển khai hiệu quả hay không" - ông Thạch Mu Ni nói.
Trong giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư trong đó có 148 dự án đầu tư thuộc vùng đồng bào dân tộc thiếu. Toàn tỉnh thu hút được 63 dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 56 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 2.408 tỷ đồng và 7 dự án ngoài nước với vốn đầu tư 13,2 triệu USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.