Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhiều năm qua, các nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng công nghệ hiệu ứng hình ảnh vào việc làm phim để bắt kịp xu thế của thời đại.
Việc dùng kỹ xảo trong các bộ phim từ hiện đại đến cổ trang giúp xử lý tối giản những cảnh quay phức tạp và cồng kềnh. Tuy nhiên, khâu xử lý hậu kỳ sơ sài đến phi logic hay lạm dụng hiệu ứng đã biến không ít tác phẩm trở thành trò cười của khán giả.
Dù nhiều lần bị công chúng phê bình, tình trạng các nhà làm phim dùng kỹ xảo rẻ tiền, hiệu ứng cắt ghép hình ảnh kém cỏi vẫn tiếp diễn từ phim này sang phim khác và trở thành nỗi ám ảnh của người xem.
Nói tới công nghệ kỹ xảo trong nước, khán giả Trung Quốc thường than ngắn thở dài: “Không cần nói, chắc chắn là kỹ xảo 5 xu. Thà không có còn hơn, chứ đừng xử lý hiệu ứng hình ảnh nửa mùa như hiện nay”.
Theo Tân Hoa Xã, từ năm 2015, các nhà làm phim Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng công nghệ vào việc sản xuất phim ảnh. Báo chí đất nước tỷ dân khi đó gọi đây là trào lưu mới, cuộc cách mạng của phim truyền hình.
Không ít dự án chỉ mới ở giai đoạn khởi quay đã "đánh tiếng" đầu tư khủng về mặt hình ảnh như Huyễn thành, Cửu Châu Thiên không thành, Tru Tiên: Thanh Vân chí.
Chia sẻ với Sina, đại diện của MoreVFX - đơn vị từng xử lý 700/2003 cảnh kỹ xảo cho bom tấn Lưu lạc địa cầu cho biết hiện tại bối cảnh chính trong nhiều dự án phim ở Trung Quốc đều là sản phẩm của trí tưởng tượng.
"Thông thường chúng tôi sử dụng phương pháp quét 3 chiều để lấy hình ảnh diễn viên. Sau đó sẽ tái tạo và đặt các nhân vật vào bối cảnh nhà sản xuất yêu cầu. Do bối cảnh đều là sản phẩm đồ họa được vẽ từ ý tưởng của các ê-kíp nên thường sẽ không phim nào trùng lặp phim nào", đại diện của MoreVFX cho hay.
Trong Huyễn thành, đoàn phim chi tới 2,3 triệu USD để tạo dựng hình ảnh sư tử tuyết và tuyết điểu cho Băng tộc. “Chúng tôi vẽ ra mô hình trên máy tính. Sau đó sử dụng công nghệ 3D nhuộm màu. Nghe thì đơn giản nhưng làm việc hơn 30 tiếng mới hoàn thành”, Giám chế Quản Minh Kiệt nói.
Hay Tru Tiên: Thanh Vân chí, với việc được đầu tư kinh phí "khủng" lên đến 40 triệu USD, ê-kíp sẵn sàng chi hơn 7 triệu USD để đầu tư cho kỹ xảo bối cảnh.
Theo tiết lộ của Giám chế Triệu Cương để tạo ra hình ảnh Thanh Vân môn, Long Hổ Sơn, Thiên Môn sơn đẹp như tranh vẽ đơn vị phải huy động 100 thiết bị máy móc, thực hiện không nghỉ trong hai tháng.
Theo Sina, trước đây để có được một tác phẩm hoàn chỉnh cũng như đảm bảo tính chân thực trong từng khung hình khi lên sóng, đội ngũ sản xuất luôn phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi công đoạn quay phim. Trong đó, việc khảo sát bối cảnh phù hợp với nội dung kịch bản cho đến tìm kiếm đạo cụ và phục trang tiêu tốn nhiều công sức.
Tuy nhiên, hiện tại, công đoạn sản xuất phim đã được rút ngắn và nhẹ nhàng đáng kể nhờ sự giúp sức của công nghệ. Không chỉ vậy, việc sử dụng kỹ xảo còn giúp nhà làm phim có cơ hội phô diễn trọn vẹn ý tưởng và đem đến những cảnh quay hoành tráng.
Trái với kỳ vọng của khán giả, nhiều năm trở lại đây, kỹ xảo hình ảnh của phim Hoa ngữ được đánh giá đang có xu hướng "tiến hóa ngược" và lạm dụng quá đà.
Đầu năm 2020, Cẩm y chi hạ do Nhậm Gia Luân và Đàm Tùng Vận đóng chính là tác phẩm ăn khách trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. Phim được đánh giá cao nhờ tình tiết hấp dẫn, diễn xuất ăn ý của bộ đôi diễn viên chính. Tuy nhiên, trên Douban, Cẩm y chi hạ chỉ nhận được vỏn vẹn 7,5/10 điểm từ khán giả vì kỹ xảo kém.
Trên mạng xã hội, người xem nhận xét phim có "kỹ xảo không đáng 5 xu, thô sơ như thời Tây du ký". Trong cảnh nhân vật Lục Dịch và Viên Kim Hạ rơi xuống vách núi, khán giả nhìn thấy hai diễn viên hoàn toàn đứng yên tại chỗ, chỉ có khung cảnh phía sau lưng là thay đổi.
Ở phân cảnh các cận thần quỳ dưới đại điện chuẩn bị vào chầu Hoàng đế, thay vì huy động lượng lớn diễn viên quần chúng, ê-kíp Cẩm y chi hạ sử dụng photoshop để nhân bản số người. Cảnh tuyết rơi, đi thuyền trên sông được quay dưới phông xanh, cắt ghép ẩu đến nỗi "vừa nhìn đã biết là giả".
Bộ phim Hương mật tựa khói sương, Truyền thuyết Mạnh Bà, Mộ Bạch Thủ... thậm chí còn khiến người xem ngỡ ngàng vì kỹ xảo ảo diệu. Thay vì ghép người vào cảnh như bình thường, ê-kíp của bộ phim chọn cách nhanh hơn là ghép người vào bức tranh.
Gần đây nhất, bộ phim Tam thiên nha sát gây xôn xao cộng đồng mạng không phải vì nội dung, dàn diễn viên đẹp mà là vì kỹ xảo AI quá vụng về, biến phim cổ trang tình cảm thành phim kinh dị.
Theo Sina, do muốn tiết kiệm tiền quay lại vì Lưu Lộ vướng bê bối, nhà sản xuất Tam thiên nha sát đã thay mặt nữ chính bằng diễn viên Trương Đình Đình thông qua công nghệ AI. Tuy nhiên, việc xử lý hậu kỳ vụng về và cẩu thả khiến khán giả sợ hãi vì nhân vật bị biến dạng với cần cổ và khuôn mặt dài.
Kỹ xảo kém khiến Tam thiên nha sát bị chê cười vì trước đó lỡ miệng "chém gió" chi phí đầu tư phim gần 15 triệu USD, nhưng không bỏ nổi vài triệu USD làm hậu kỳ chỉn chu.
Bộ phim tiên hiệp thành công nhất năm 2015 - Hoa Thiên Cốt khiến khán giả ngán ngẩm vì lạm dụng hiệu ứng. Trong thời gian lên sóng, phim từng gây tranh cãi khi để nữ chính Triệu Lệ Dĩnh ăn một chiếc bánh bao giả, vốn là sản phẩm của photoshop.
Nhiều khán giả thắc mắc rằng không biết vì sao đoàn phim lại phải dùng tới bánh bao "kỹ xảo", thay vì bánh bao thật dù được đầu tư kinh phí cao.
"Năm 1987, Hồng lâu mộng quay hình với số lượng thức ăn lên đến hàng chục món vẫn dùng đồ ăn thật để giống nguyên tác. Nay chỉ có một chiếc bánh bao rẻ tiền đoàn phim Hoa Thiên Cốt cũng mua không nổi", một khán giả thể hiện sự ngao ngán trên Sina.
Theo Ifeng, kỹ xảo nghèo nàn là một trong những điểm yếu thường gặp ở các bộ phim truyền hình Trung Quốc. Phần lớn các cảnh quay hiện nay đều được dựng trên phông xanh và sẽ được hoàn thiện nhờ vào bàn tay phù thủy của các chuyên gia hậu kỳ.
Việc ứng dụng kỹ xảo hình ảnh giúp giảm chi phí cũng như tạo hiệu ứng đẹp hơn cho phim, nhưng cũng là con dao hai lưỡi khiến nhiều dự án nếm trái đắng nếu xử lý thiếu trau chuốt.
Lý giải về sự thất bại của việc áp dụng kỹ xảo trong phim truyền hình tại Trung Quốc, Sohu chỉ ra 4 nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến việc thiếu kinh phí. Tài chính eo hẹp, trong khi chi phí cho việc chỉnh sửa hình ảnh quá cao khiến nhiều ê-kíp chọn cách làm qua loa cho có.
Việc sản xuất nhanh để theo kịp trào lưu thị trường là nguyên nhân thứ hai khiến hiệu ứng kỹ xảo trên phim trở nên cẩu thả, thô sơ. Chưa kể tình trạng quay trước, chỉnh sau cũng dẫn đến hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong các bộ phim khi lên sóng.
Ngoài ra, kỹ thuật công nghệ hạn chế cũng khiến cho việc hiện thức hóa ý tưởng của các nhà làm phim Hoa ngữ thi thoảng trở thành trò cười của khán giả.
Điển hình là dòng phim cổ trang tiên hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết. Trong nguyên tác, các nhân vật ngoài khả năng bay lượn, khinh công hay ngự kiếm, nhà văn còn xây dựng lên các thế giới thần tiên kỳ vĩ, quái thú và hoa cỏ độc nhất vô nhị.
Thế nhưng, trình độ kỹ thuật hạn chế không thể giúp trí tưởng tượng của các tiểu thuyết gia trở thành thực tế trên màn ảnh, mà còn ảnh hưởng đến cảm nhận của khán giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.